Ngày 18 tháng Giêng hàng năm, nhân dân xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội lại long trọng tổ chức lễ giỗ Đức Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền), vị vua khởi đầu nền tự chủ của nước Việt.
(Tượng Ngô Quyền tại Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh: Ngô Tộc)
Từ khi An Dương Vương mất nước, nước ta rơi vào một nghìn năm Bắc thuộc. Trong suốt thời gian ấy, nước ta chỉ được độc lập vài năm ngắn ngủi thời Hai Bà Trưng, thời Tiền Lý. Phải đến khi Ngô Quyền nổi dậy, xưng vương, đất nước mới có được nền tự chủ lâu dài, trải lần lượt qua các thời Đinh, Lê, Lý, Trần.
Võ công bất hủ, dựng nền độc lập
Ngô Quyền sinh năm 898, quê ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội ngày nay, gia đình đời đời là quý tộc, cha là Ngô Mân vốn là châu mục của châu ấy.
Để ca ngợi Tiền Ngô Vương, Đại Việt sử ký đã dành cho ngài những lời miêu tả tốt đẹp nhất: "Vua sinh ra điềm ánh sáng khắp nhà, hình dạng khác thường, ở lưng có ba nốt ruồi, người xem tướng cho là lạ, bảo rằng có thể làm nên chúa một phương, nên mới đặt tên là Quyền. Khi lớn lên, vẻ người khôi ngô, mắt sáng như chớp, đi thong thả như cọp, có trí dũng, sức có thể cầm vạc giơ lên".
Khi Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết độ sứ, Ngô Quyền làm Nha tướng cho Dương Đình Nghệ, được Dương Đình Nghệ gả con gái cho, rồi cho làm quyền quân Ái Châu (Thanh Hóa ngày nay).
Năm 937, tháng 3, nha tướng của Dương Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn giết chủ tướng, năm sau, Ngô Quyền đem quân từ Ái Châu ra đánh Kiều Công Tiễn.
Kiều Công Tiễn sai sứ đem đồ quý sang cầu cứu vua Nam Hán là Lưu Cung. Vua Nam Hán muốn lấy nước ta, sai con trai là Vạn vương Lưu Hoằng Tháo đem quân sang giúp Kiều Công Tiễn.
Vua Hán hỏi ý kiến Sùng Văn hầu Tiêu Ích, Ích nói: "Ngô Quyền là người hiệt kiệt, chớ nên khinh suất. Đại quân đi phải nên cẩn thận, chắc chắn, dùng người hướng đạo rồi mới nên tiến". Vua Hán không nghe, sai Hoằng Tháo đem thủy quân theo đường sông Bạch Đằng tiến vào.
Những lời nói khích lệ tướng sĩ của Ngô Quyền vẫn còn vang vọng mãi trong sử sách nước ta: "Hoằng Tháo là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mỏi mệt, lại nghe được tin Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, tất phá được".
Ngô Quyền cũng thể hiện nhãn quan chiến thuật xuất sắc khi phân tích: "Họ có lợi thế ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết được". Do đó, ông sai người đóng cọc lớn ngầm ở bãi biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, nhử thuyền địch theo nước triều tiến vào trong hàng cọc rồi ra tay chế ngự.
(Tranh minh họa một trận Bạch Đằng lịch sử)
Khi nước thủy triều lên, Ngô Quyền sai người đem thuyền nhẹ ra khiêu chiến, giả thua chạy để dụ địch đuổi theo. Hoằng Tháo quả nhiên tiến quân vào. Khi binh thuyền đã vào trong vùng cắm cọc, nước triều rút, cọc nhô lên, Ngô Quyền bèn tiến quân ra đánh, ai nấy liều chết chiến đấu. Quân Hoằng Tháo không kịp sửa thuyền mà nước triều rút xuống rất gấp, thuyền mắc phải cọc lật úp, tan vỡ, quân lính chết đuối quá nửa. Ngô Quyền thừa thắng đuổi đánh, bắt, giết Hoằng Tháo tại trận.
Lập triều đình đầu tiên, xây nền tự chủ nghìn năm
Về triều đình của Ngô Vương, sử cũ không viết nhiều, chỉ nêu vắn tắt: "Giết chết Kiều Công Tiễn, tự lập làm vua, đóng đô ở Loa Thành. Kỷ Hợi (939), năm thứ nhất, mùa Xuân, vua mới xưng vương, lập Dương thị làm hoàng hậu, đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục".
Tuy chỉ xưng vương, chưa lên ngôi hoàng đế và đặt niên hiệu, nhưng các sử gia thời xưa đều cho rằng, từ mốc này, mà chính thống của nước Việt ta đã được Ngô Vương nối lại. Nhà yêu nước Phan Bội Châu, vào đầu thế kỷ XX cũng đã kính cẩn nhận định, Tiền Ngô Vương là "tổ trung hưng của nước Việt".
(Tượng vua Ngô Quyền (giữa), vua Lê Đại Hành (trái) và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại Khu Di tích lịch sử Bạch Đằng Giang)
Tuy chỉ tóm tắt như vậy, nhưng công lao to lớn của Tiền Ngô Vương vẫn còn sáng mãi trong lòng dân tộc. Sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư nhận định: "Nhà Tiền Ngô nổi lên được, không những là chỉ có công chiến thắng mà thôi. Việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy được quy mô của đế vương".
Nhờ sự nghiệp mà Tiền Ngô Vương để lại, mà sau khi vương qua đời, Dương Tam Kha, anh của Dương Thái hậu, nắm quyền được 6 năm, trải thêm 15 năm Hậu Ngô Vương và 2 năm loạn 12 sứ quân, để đến năm 968, Đinh Tiên Hoàng được thừa hưởng một cơ đồ thênh thang, nối lại đại thống nước Việt, lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu, niên hiệu, xây kinh đô, mở ra thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ kéo dài suốt qua các thời kỳ Đinh, Lê, Lý, Trần, cho đến khi nước ta bị quân Minh xâm lược.