Trần Hưng Đạo: Danh tướng tài ba của dân tộc Việt Nam
28.11.2023
1975
1. Tiểu sử về Trần Hưng Đạo
Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn ông là một nhà chính trị, nhà quân sự, tôn thất hoàng gia Đại Việt thời Trần. Trần Quốc Tuấn sinh ra ở thôn Tức Mặc (phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định ngày nay), nhưng năm sinh của ông cho đến nay vẫn không rõ ràng. Có tài liệu cho rằng là năm 1228, trong khi số khác cho rằng là năm 1230, hay thậm chí 1231, vì vậy chung quy đều thiếu luận cứ chắc chắn và độ tin cậy. Nhưng điều đó cũng cho thấy khi ông sinh ra không lâu sau khi vương triều nhà Trần được thành lập (năm 1225).
Theo lời xưa kể lại, từ thuở nhỏ ông đã có tướng mạo phi thường, thông minh hơn người, được rèn đúc kỹ càng, ai cũng khen là bậc kỳ tài, ngày sau ắt kinh bang tế thế. Lớn lên, Trần Quốc Tuấn, càng thông minh xuất chúng, đọc rộng biết nhiều, văn võ song toàn.
Trong sự nghiệp hiển hách của nhà Trần, Trần Quốc Tuấn có vai trò đặc biệt quan trọng. Ông là người có đạo đức tiêu biểu của một vị chủ tướng, luôn nêu tấm gương sáng ngời về lòng trung nghĩa, tinh thần biết dựa vào sức mạnh của dân trong cả nước, biết gạt bỏ hiềm khích riêng tư, luôn lấy đại nghĩa làm trọng để đoàn kết tôn thất, triều đình và tướng lĩnh, nêu cao tinh thần "quyết chiến" không sợ kẻ thù hung bạo.
Trong thời kỳ trước thì mọi tướng lĩnh của các triều đại nước Việt ta đều theo các bộ binh thư của Trung Hoa. Những bộ binh pháp như Tôn - Ngô hay Lục Thao Tam Lược đều chứa đựng nhiều cao kiến xuất sắc, nhưng chưa phù hợp với địa hình, khí hậu, và dân tộc Việt trong các cuộc chiến tranh vệ quốc.
Tác phẩm "Binh Thư Yếu Lược" của ông khai sinh ra một nền khoa học quân sự thuần Việt, đậm nét nghệ thuật và khoa học cầm quân mang bản sắc dân tộc sâu sắc.
Ông qua đời vào năm 1300 tại Vạn Kiếp, Đại Việt (nay là Chí Linh, Hải Dương).
2. Ba cuộc kháng chiến chống quân Mông-Nguyên
2.1 Lần thứ nhất
Khi giặc Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất năm 1258, Trần Quốc Tuấn còn là một vị tướng trẻ được giao cho cầm quân giữ biên thuỳ phía bắc. Trong trận đánh mang tính chất quyết định giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Mông lần thứ nhất là trận Đông Bộ Đầu diễn ra vào cuối tháng 1 năm 1258, theo các sách “Trần đại vương bình Nguyên công thần lực lục” và “Trần gia điển tích thống biên” đều cho hay: trong trận đánh lớn này Trần Quốc Tuấn là người “tiết chế mọi việc quân” tức là tướng chỉ huy trận đánh và ông đã góp một phần công sức đáng kể trong thắng lợi chung của cả dân tộc.
2.2 Lần thứ hai
Đầu năm 1285, 50 vạn quân Nguyên do Thoát Hoan cầm đầu lại ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta. Các trận đánh lớn diễn ra quyết liệt ở nhiều vùng biên giới. Thấy thế giặc mạnh, Trần Hưng Đạo quyết định rút quân về Vạn Kiếp (Chí Linh – Hải Dương).
Quân nhà Trần lại thực hiện kế sách “vườn không nhà trống” để chống giặc. Cùng thời gian, cánh quân Toa Đô chỉ huy đánh vào Nghệ An, nhằm thực hiện chiến lược hai gọng kìm, tiêu diệt quân Trần. Trần Quốc Tuấn và vua Trần lui ra các lộ ở miền biển Thanh Hóa. Quân giặc rơi vào khó khăn vì thiếu đói và bệnh tật. Nhân cơ hội đó, Trần Quốc Tuấn cho quân liên tục tấn công, tiêu diệt địch ở Tây Kết, Hàm Tử (Khoái Châu, Hưng Yên), Chương Dương (Thường Tín, Hà Tây), Thăng Long.
Tháng 6/1285, quân giặc tháo chạy, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng mới thoát thân, Toa Đô bị chém đầu ở Tây Kết. Đất nước sạch bóng quân xâm lược.
2.3 Lần thứ ba
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1287-1288, Trần Quốc Tuấn tiếp tục được vua Trần giao chức Quốc Công Tiết Chế thống lĩnh toàn bộ quân đội nhà Trần.
Tháng 12/1287, quân Nguyên ồ ạt tràn vào nước ta. Cánh quân bộ do Thoát Hoan chỉ huy đánh vào Lạng Sơn, rồi tiến xuống phía Nam đóng tại Vạn Kiếp. Cánh quân thủy gồm 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy tiến vào cửa sông Bạch Đằng, để hội quân với Thoát Hoan ở Vạn Kiếp. Đoàn thuyền lương của giặc do Trương Văn Hồ chỉ huy đã bị Trần Khánh Dư bố trí phục kích tại Vân Đồn. Số lượng còn lại bị quân Trần chiếm.
Tháng 1/1288, Thoát Hoan cho quân tiến vào Thăng Long nhưng bị chống trả rất kịch liệt. Quân giặc phần thì bị thiếu lương, phần thì bị ốm đau nên rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn, buộc phải rút về nước. Nhân cơ hội đó, quân dân nhà Trần đã đứng lên tiêu diệt các đạo quân của giặc, giành thắng lợi nhanh chóng.
Chiến thắng của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và quân đội nhà Trần đã góp phần đánh dấu chấm hết thời kỳ đỉnh cao của quân Nguyên - Mông trong lịch sử. Công lao to lớn này đã đưa ông lên hàng “thiên tài quân sự có tầm chiến lược và là một anh hùng dân tộc bậc nhất của nhà Trần”.
Trần Hưng Đạo là biểu tượng của sự dũng cảm, trí tuệ và lòng yêu nước của người dân Việt Nam, với đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ và duy trì độc lập của đất nước trong thời kỳ khó khăn. Những chiến công của ông không chỉ là một phần quan trọng của lịch sử Việt Nam, mà còn là nguồn cảm hứng cho những thế hệ sau bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
(Trithuc24.vn sưu tầm và tổng hợp từ nhiều nguồn)
Tin chọn lọc khác
Tin cùng chuyên mục