Đền Hùng – Nơi tìm về cội nguồn linh thiêng

Đền Hùng – Nơi tìm về cội nguồn linh thiêng
23.02.2024 3534
1. Giới thiệu
Tọa lạc tại núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét, đền Hùng là một trong những điểm du lịch lịch sử và văn hóa nổi tiếng của Phú Thọ. Đền Hùng gắn liền với nguồn gốc và sự hình thành của dân tộc Việt Nam. Theo truyền thuyết, Đền Hùng được xây dựng từ thời kỳ đầu của lịch sử Việt Nam, vào thời kỳ vua Hùng Vương.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng có tổng diện tích lên đến 845 héc-ta với 4 đền, 1 chùa và 1 lăng. Nơi đây sở hữu địa thế cao và hùng vĩ, nằm trong lòng một cảnh đẹp tự nhiên, đất trời hòa quyện tạo thành một không gian khí thiêng đầy sức mạnh và uy nghiêm.

Hình ảnh: đền Hùng

Đến ngày nay, Đền Hùng đã trở thành một di tích lịch sử và văn hóa quan trọng, thu hút hàng nghìn du khách và người dân đến tham quan và dâng hương. Lễ hội Đền Hùng diễn ra hàng năm vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, là dịp quan trọng để mọi người cùng tụ họp, tham gia các hoạt động tôn giáo và văn hóa truyền thống, và tưởng nhớ lại nguồn gốc và truyền thống của dân tộc Việt Nam.

2. Sự tích đền Hùng
Sự tích Đền Hùng Phú Thọ thu hút sự quan tâm của nhiều người. Năm 1962, Đền Hùng được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là khu di tích đặc biệt của quốc gia. Ngày 6/12/2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Năm 2007, Quốc hội chọn ngày 10/03 âm lịch hàng năm làm ngày Quốc Giỗ nhằm nhớ ơn các vị vua Hùng.
Sự tích về Đền Hùng được lưu truyền qua bao thế hệ, là sự tích đầy hấp dẫn thú vị. Tuy nhiên, câu hỏi Đền Hùng Phú Thọ thờ ai, Vua Hùng là ai vẫn còn đang gây nhiều tranh cãi, chưa tìm được câu trả lời chung thống nhất.

Hình ảnh: đền Hùng

Có nhiều giả thuyết xoay quanh 18 đời vua Hùng Vương bởi con số 18 đời vua trị vì hơn 2600 năm gây ra không ít hoài nghi.
Một số thuyết khác cho rằng, không phải con số 18 là tương ứng với 18 đời vua Hùng mà là 18 nhành/ngành với tổng cộng 180 đời vua vì họ cho rằng không ai có thể sống lâu đến nỗi chỉ có 18 đời vua mà trị vì hơn 2600 năm. Dữ liệu này được tìm thấy trong các bản Ngọc phả, thần tích như bản Ngọc phả Hùng Vương được soạn năm Thiên Phúc nguyên niên (980) đời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) nhà Tiền Lê. Hay như trong tác phẩm khác như Tân đính Lĩnh Nam chính quái của nhà sử học thời Hậu Lê là Vũ Quỳnh cũng viết 18 nhành vua Hùng.

3. Lễ hội đền Hùng
Lễ hội Đền Hùng hàng năm được tổ chức tại Đền Hùng, tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội Đền Hùng 2023 sẽ diễn ra kéo dài từ ngày 6/3 đến hết ngày 10/3 âm lịch (nhằm ngày 29/4 dương lịch). Trước đó trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng triển khai rất nhiều hoạt động, chương trình chào mừng đặc sắc khác để du khách gần xa có thể đến tham gia.

Lễ hội đền Hùng được chia làm 2 phần:
- Phần lễ: Phần lễ của lễ hội này được tổ chức rất trang trọng, hoành tráng, có sự tham dự của các chính khách ở Trung ương và những vị chức sắc, vai vế lớn trong làng. Mở đầu buổi lễ, khi tiếng nhạc phường bát âm bắt đầu phát ra, chủ tế sẽ đọc lời cầu nguyện trước ngai thờ của vua Hùng. Kết thúc mỗi lần đọc sẽ kèm theo một hồi trống và chiêng hiệu, sau đó đoàn tế tiến lên phía trước tiền đường, thực hiện nghi thức quỳ lạy rồi lùi về sau.

Hình ảnh: phần lễ ở lễ hội đền Hùng

- Phần Hội:
+ Vào ngày 1/3 - 2/3 âm lịch, bạn có thể đến Bảo tàng, khu di tích Đền Hùng để ngắm nhìn những tác phẩm, tư liệu liên quan đến Hùng Vương cũng như phong tục, tín ngưỡng thờ cúng của người dân.
+ Vào ngày 6/3 - 7/3 âm lịch, tại khu vực Đền Hùng sẽ tổ chức chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật truyền thống như: đánh trống đồng, hát xoan, đâm đuống, trình diễn múa rối nước,...

Hình ảnh: văn nghệ ở lễ hội đền Hùng

+ Những hội thi diễn ra vào ngày 8/3 - 9/3 âm lịch như hội thi nấu bánh chưng và giã bánh dày siêu thú vị, thi bơi chải trên Hồ công viên Văn Lang,... nhận được rất nhiều sự quan tâm của du khách. Nếu bạn là người thích không khí náo nhiệt, thì chắc chắn không thể bỏ qua các hoạt động hấp dẫn này.

Hình ảnh: hội thi gói bánh trưng ở lễ hội đền Hùng

Lễ hội Đền Hùng có ý nghĩa sâu sắc đối với đời sống tâm linh của người dân Việt Nam, được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao dựng nước và giữ nước của các vị vua Hùng. Đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết toàn dân trong việc giữ gìn và bảo tồn những truyền thống văn hóa cao đẹp.

4. Ý nghĩa
Đền Hùng Phú Thọ có nhiều yếu tố gắn bó đời sống tâm linh của người Việt. Không chỉ vài chục năm, vài trăm năm mà nó đã tồn tại từ hàng nghìn năm. Đến nay, nhiều yếu tố trong đời sống tâm linh vẫn đi cùng dân tộc. Chính điều này đã thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng.

Là một người con Việt Nam, đền Hùng đối với ta là cội nguồn, là văn hoá, là tín ngưỡng của mỗi con người chúng ta, nếu có dịp hãy ghé qua nơi đây, đảm bảo sẽ không làm bạn thất vọng.

Nguồn tham khảo: vinpearl.com, thixaphutho.net, klook.com
Tin chọn lọc khác
Tin xem nhiều
Tin mới nhất