Thái Thượng Hoàng Đế Trần Minh Tông: Vị vua anh minh của triều Trần
01.03.2021
9935
Ai mà ngờ một vị vua vốn là minh quân, hiệu là Minh Tông mà còn bị phê là có chỗ kém thông minh. Thế mới thấy người xưa khắt khe với các nhà lãnh đạo thế nào.
Trần Minh Tông (4 tháng 10 năm 1300 – 10 tháng 3 năm 1357) húy là Trần Mạnh là vị vua thứ năm của triều Trần. Cuộc đời ông gắn liền với tấm gương mẫu mực tu thân tề gia trị quốc bình thiên hạ. Các giai thoại về ông còn lưu truyền trong chính sử có thể làm bài học cho muôn đời sau noi theo. Tuy nhiên với sự hồ đồ trong nhất thời mà ông đã xử sai một vụ đại án, khiến cho bản thân ân hận cả đời. Sự việc đó đã làm rạn nứt sự đoàn kết của hoàng tộc nhà Trần. Do đó thời đại của ông là thời đại thịnh vượng cuối cùng trước khi nhà Trần bước vào giai đoạn thoái trào.
Trần Minh Tông là một vị vua nhân hậu, hết lòng kính trọng bề trên, nhưng ông vẫn xử lý rất khéo những vụ án liên quan đến hoàng thất. (Minh hoạ: Bình Minh/NTD Việt Nam)
Thân thế tôn quý, tài năng được giáo dục bài bản
Không chỉ là thân phận thái tử tôn quý, cuộc đời niên thiếu của ông có nhiều điều khá thú vị đã giúp ông có đủ nền tảng giáo dục để sau này trở thành 1 vị quân vương anh minh của triều đại.
Đại Việt sử ký toàn thư chép:
“Tên húy là Mạnh, con thứ tư của Anh Tông, mẹ đích là Thuận Thánh Bảo Từ hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Hưng Nhượng Đại Vương Quốc Tảng, mẹ sinh là Chiêu Hiến hoàng thái hậu Trần thị, con gái của Bảo Nghĩa Vương Bình Trọng”
Trần Bình Trọng vốn là dòng dõi của vua Lê Đại Hành, dòng họ vua nổi tiếng thiện chiến. Bản thân Trần Bình Trọng cũng tuẫn quốc với câu nói nổi tiếng “ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”. Có lẽ thừa hưởng 1 phần dòng máu Lê Đại Hành nên Minh Tông cũng rất có tài năng về binh bị. Dưới thời ông các cuộc chinh chiến hầu hết đều chiến thắng.
Trần Minh Tông từ nhỏ sinh ra khó nuôi, nhưng điều này lại là một cơ duyên để ông được nuôi dưỡng bởi bậc đệ nhất danh tài cả văn và võ hiếm có thời đó là Chiêu Văn đại vương Trần Nhật Duật. Dưới sự nuôi dạy của ông, Trần Minh Tông lớn lên sau này cũng văn võ toàn tài, tính yêu thích thơ văn và cũng sáng tác rất nhiều.
“Bấy giờ, các hoàng tử đều không nuôi được, đến khi Mạnh sinh, vua nhờ công chúa Thụy Bảo [tức là cô của Nhân Tông] nuôi hộ. Nhưng công chúa cho là bấy giờ bà đương có vận hạn, lại nhờ Nhật Duật nuôi. (Nhật Duật là anh công chúa Thụy Bảo). Nhật Duật coi là trách nhiệm của mình, chăm sóc, nuôi nấng, không khác gì con mình. Nhật Duật nghĩ rằng con trưởng của mình tên là Thánh An, con gái tên là Thánh Nô, mới đặt tên cho hoàng tử là Thánh Sinh, vì muốn [tên hoàng tử[ cũng giống với tên con mình. Hoàng tử từ bé nhờ nuôi nấng, đến khi lên ngôi vua, công chăm nom của Nhật Duật rất nhiều.” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Trần Minh Tông là con trai thứ tư, là người con trai duy nhất còn sống của vua cha là Trần Anh Tông, một vị quân chủ anh minh và giáo dục con cái rất nghiêm khắc. Vì thế nên dù là con trai duy nhất, cha của ông vẫn rất nghiêm khắc với ông. Điều này đã ảnh hưởng đến Trần Minh Tông sau này, ông cũng dạy dỗ các con và cháu mình rất tốt. Đến nay vẫn còn giai thoại về việc Anh Tông dạy dỗ thái tử Mạnh (sau này là Minh Tông).
“Đức của Minh Tông mà nên được, tuy là do thiên tư tốt đẹp, cũng còn do sức dạy bảo của vua cha. Khi vua ở Đông cung, đang tuổi ấu thơ, có lần nghịch làm chiếc giá đèn bằng tre, Anh Tông đòi xem, sợ không dám dâng. Hôm khác, vào hầu tẩm điện Anh Tông đang rửa mặt, nhân hỏi đến trò nghịch cũ, Anh Tông giận lắm, cầm ngay cái chậu rửa mặt ném vua.Vua nấp vào cánh cửa tránh được, chậu rơi trúng cánh cửa vỡ tan. Được sự răn dạy nghiêm ngặt như vậy, cho nên tài đức của vua do đấy mà nên và cả các con cũng đều có tài nghệ cả.”
(Sử thần Ngô Sỹ Liên)
Tu thân tề gia, hết lòng chỉnh đốn nội trị
Sinh ra trong gia đình đế vương, nhưng không vì thế mà sống hưởng thụ, từ bé Trần Minh Tông đã được giáo dưỡng rất nghiêm khắc từ cha và người thân. Khi lớn lên ông cũng luôn noi theo sự dạy dỗ ấy mà tu dưỡng bản thân, chính đốn nội trị ngày càng tốt hơn.
Cũng như vua cha Anh Tông, Minh Tông là một người con rất hiếu thuận và vô cùng kính trọng tiền nhân. Ông rất coi trọng chuyện gia đình hòa thuận yên ấm, không chỉ hoàng gia mà cho cả bách tính.
“Ất Mão, [Đại Khánh] năm thứ 2 [1315], (Nguyên Diên Hựu năm thứ 2). Tháng 5, xuống chiếu cấm cha con, vợ chồng và gia nô không được tố cáo lẫn nhau.” Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Vua vốn nhân hậu với họ hàng, nhất là đối với bậc bề trên mà hiển quý lại càng tôn kính.” (Đại Việt sử ký toàn thư)
Lời bàn:
Câu chuyện trên tuy chỉ chiếm vài dòng trong sử cũ, nhưng nó lại có một ý nghĩa rất lớn. Trước Trần Minh Tông thì chưa hề có triều đại nào ra một chính sách tương tự áp dụng trên phạm vi cả nước. Nên biết chữ Hiếu là chuẩn mực đạo đức quan trọng nhất của Nho gia đề xướng, là căn bản của chữ Trung, vì kẻ không có hiếu chắc chắn sẽ không trung thành với quốc gia, với triều đình. Thời Trần hầu hết các vua trị vì đều là người hiếu thuận và trị vì quốc gia rất tốt, đã tạo thành một gia phong mẫu mực cho thiên hạ. Thế mới hay thế nước thịnh hay suy bắt nguồn từ gia phong, mà gia phong lại định hình từ truyền thống hiếu thuận và khiêm cung vậy.
Các quan lại cũng noi gương của Trần Minh Tông mà hành xử trong sạch, làm gương cho hậu thế, điển hình như quan Nội thư hỏa chánh Nguyễn Bính.
Sai Nhân Huệ Vương Khánh Dư đi Diễn Châu xét duyệt sổ lính, sổ dân, lấy Nội thư hỏa chánh chưởng phụng ngự Nguyễn Bính làm phó. Xong việc về triều, Bính đem tiền bổng dâng nộp. Vua sai hữu ty nhận lấy. Có người hỏi: "Bính nộp tiền bổng mà bệ hạ nhận, thần chưa hiểu là cớ làm sao?". Vua đáp: "Bính nộp tiền bổng là thành thực, nếu trẫm không nhận, thì hãm Bính vào tội dối trá, cho nên nhận lấy để tỏ rõ Bính không gian dối". Bính là cận thần của Thượng hoàng, tính người trong sạch thẳng thắn, năm trước đứng đầu hành nhân sang sứ nước Nguyên, trở về không mua thứ gì, Thượng hoàng khen ngợi, đặc cách ban thưởng 2 tư. Theo lệ cũ, những người đi sứ Nguyên về, mỗi người được ban tước 2 tư, người đứng đầu hành nhân trở xuống, mỗi người 1 tư. Bính là người trong sạch thẳng thắn nên được 2 tư.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Đức tính nhân hậu nhưng nghiêm minh của Minh Tông còn ảnh hưởng đến Phí Trực, vị lang trung của Hình bộ, khi xử các vụ án lớn. Nhờ đó mà Phí Trực nổi danh thiên hạ với tài xử án của mình.
“Thượng hoàng ngự cung Trùng Quang. Hình bộ lang trung Phí Trực theo hầu. Chức an phủ Thiên Trường khuyết, sai Trực kiêm làm. Bấy giờ trộm cướp bắt đầu nổi lên, tên Văn Khánh là đầu sỏ bọn cướp. Có người khai là bắt được một tên cướp, giải lên nộp quan và bảo nó là Văn Khánh. Đến lúc tra hỏi, tên ấy nhận ngay, ai cũng cho là thực, duy có mỗi Trực vẫn ngờ. Án ấy để lâu không giải quyết. Thượng hoàng hỏi chuyện đó, Trực trả lời: "Mạng người rất trọng, lòng tôi còn có chỗ ngờ, không dám liều lĩnh xử quyết". Không bao lâu, Thượng hoàng hỏi lại, Trực trả lời như lần trước. Thượng hoàng giận bảo:
"Nó đã nhận như thế, còn ngờ gì nữa". Trực tâu: "Nó không bị tra tấn khổ sở mà điềm nhiên thú nhận, thần trộm lấy làm ngờ".
Một tháng sau, Văn Khánh quả nhiên bị bắt. Thượng hoàng do đó khen Trực có tài.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Trần Minh Tông là một vị vua nhân hậu, hết lòng kính trọng bề trên, nhưng ông vẫn xử lý rất khéo những vụ án liên quan đến hoàng thất. Với trí tuệ của mình, ông đã dùng lòng khoan dung mà vẫn đạt được hiệu quả răn đe với những người tham lợi.
Ví dụ như vụ việc của Uy Giản hầu dưới đây:
“Mùa xuân, tháng 3, Huy Chân lấy Uy Giản hầu (không rõ tên). Trước đây, mẹ thân sinh Huy Chân là Trần Thị Thái Bình làm cung tần của Thượng hoàng, tính tham lam, thường chiếm đoạt ruộng đất của dân. Có người kiện, vua không giao cho hữu ty, gọi Uy Giản tới đưa đơn kiện cho xem và dụ rằng:
"Trẫm không giao cho quan lại xét, sợ làm nhục phi tần của tiên hoàng, ngươi nên theo đơn mà trả [ruộng cho] dân".
Uy Giản lập tức vâng chiếu trả lại ruộng. Sau Thái Bình chết, Uy Giản đem tất cả ruộng [bà] chiếm đoạt khi trước trả lại cho chủ cũ. Vua vì thế khen ông.”
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Theo ntdvn.com
Tin chọn lọc khác
Tin cùng chuyên mục