Lê Hiển Tông, vị hoàng đế thứ 26 của nhà Hậu Lê là vị vua có rất nhiều giai thoại và câu chuyện ly kỳ, lạ lùng. Ngay cả đến niên hiệu của ông cũng gắn với một câu chuyện "nhìn chữ đoán mệnh".
Lê Hiển Tông tên thật là Lê Duy Diêu, con trai trưởng của vua Lê Thuần Tông. Vua sinh tháng 4 năm Đinh Dậu (1717), mất tháng 7 năm Bính Ngọ (1786), thọ 69 tuổi, là một trong số những vị vua có tuổi thọ cao nhất và là vị vua thọ nhất triều Hậu Lê. Vị hoàng đế này cũng là một trong những người ở ngôi lâu nhất trong lịch sử Việt Nam và là người làm vua lâu nhất triều Hậu Lê.
(Hoàng đế thiết triều (Hình minh họa))
Lê Hiển Tông khi còn trẻ phải trải qua một thời gian bị giam cầm khổ ải. Cha của ông là Lê Thuần Tông (Lê Duy Tường) với niên hiệu Long Đức ở ngôi chưa đầy 3 năm (1732-1735) thì lâm bệnh mất ngày 15 tháng 4 năm Ất Mão (1735), thọ 36 tuổi.
Theo điển chế, lẽ ra Hoàng tử Lê Duy Diêu – con cả của vua sẽ lên ngôi kế vị, thế nhưng chúa Trịnh Giang ngang ngược cho rằng hoàng tử không xứng đáng nên sai quần thần phải tìm vị hoàng thân nào có tài đức thì đón lập lên làm vua. Thấy em ruột Lê Thuần Tông là Lê Duy Thần tuổi còn trẻ sẽ dễ bề thao túng nên chúa Trịnh Giang đưa vào cung tôn lên ngôi vào ngày 27 tháng 4 năm Ất Mão (1735).
Sách Đại Việt sử ký tục biên cho biết như sau: "Trước đó vua [tức Thuần Tông] bị ốm, chúa Trịnh Khương (Giang) sai trọng thần vào tẩm điện chăm sóc, nhân đó xét hoàng thân xem ai đáng lập làm vua. Lúc bấy giờ con trưởng của vua là Duy Diêu (sau này là Hiển Tông Vĩnh hoàng đế) tuổi đã 19. Em vua là Duy Thần, là cháu gọi Thái phi Vũ thị bằng cô, được nuôi ở trong phủ chúa, tuổi 17.
Chúa ngại Duy Diêu đã trưởng thành, có trí khôn và nghĩ Duy Thần là chỗ thân quyến quen lờn, dễ chế ngự, bèn nói thác rằng Duy Thần có diện mạo giống tiên đế (Dụ Tông) nên quyết ý lập làm vua; quần thần cũng theo ý chúa, không ai bàn khác cả. Ngày Giáp Ngọ cáo ở Thái Miếu. Ngày Bính Thân, Duy Thần lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Vĩnh Hựu".
Nhiều thân vương bất bình về việc này, trong đó có một người em khác của Lê Thuần Tông là hoàng thân Lê Duy Mật đã nổi binh đánh lại họ Trịnh nhằm khôi phục quyền lực cho vua Lê, chính vì thế mà Hoàng tử Lê Duy Diêu bị chúa Trịnh Giang nghi ngờ đem bắt và giam cầm ở nhà viên quan nội thị Hồng quận công, sau chuyển đến giam ở nhà cậu mình là Vũ Tất Thận.
Trong sách Nam Thiên trân dị tập (Những truyện quý lạ của nước Nam) có một chuyện nhan đề Cổ quái bốc sư truyện (Truyện ông thầy cổ quái) đề cập đến những diễn biến xảy ra trong khoảng từ năm Ất Mão (1735) đến năm Canh Thân (1740) với diễn biến chính là cuộc chính biến lật đổ chúa Trịnh Giang lập chúa Trịnh Doanh và việc ép vua Lê Ý Tông nhường ngôi để lập vua Lê Hiển Tông. Trong truyện này có phần nhắc đến xuất xứ, ý nghĩa của niên hiệu Cảnh Hưng mà vua Lê Hiển Tông lựa chọn sử dụng trong thời gian trị vì của mình.
Cổ quái tiên sinh
Chuyện kể rằng, khi đó ở kinh đô xuất hiện một ông thầy thường được gọi là "Cổ quái tiên sinh" tự xưng là am tường mọi thuật của nghề xem tướng, nhưng thuật đoán chữ thì tinh thông nhất. Người đến xem chỉ cần tự viết một chữ, ông ta sẽ đoán được vận mệnh thế nào.
(Ông thầy lạ kỳ. (Hình minh họa – Nguồn: art-vn))
Lúc bấy giờ có ba nhân vật là Võ Thế Giai, Hoàng Ngũ Phúc, Nguyễn Thế Trương tuy có tài nhưng không được sử dụng, bèn nhờ ông thầy đoán chữ để tìm minh chủ, từ đó mà trở thành gia khách của ông Trung công - cậu của chúa Trịnh Toàn Vương (Trịnh Giang) rồi cùng ông này phù giúp mẹ của chúa diệt hết đám hoạn quan lộng quyền, truất ngôi chúa của Trịnh Giang khi vị chúa này sức khỏe giảm sút, hoang dâm, tàn ác rồi lập em chúa là Trịnh Doanh – một người tài năng, đức độ lên kế vị ngôi chúa.
Theo nội dung Cổ quái bốc sư truyện thì vì phục tài ông thầy kia nên Trung công mới bảo Võ Thế Giai nhờ ông ta xem ai xứng đáng ở ngôi Thiên tử đồng thời cho biết mình đang giam giữ hoàng tử Lê Duy Diêu, con cả của Long Đức đế (tức vua Lê Thuần Tông), nay để hoàng tử viết một chữ để xem có thể đảm đương được ngôi báu không.
Tờ chiếu truyền ngôi có câu rằng: Nghĩa chốn biên cương còn có đứa ngu xuẩn, ngang ngạnh, muốn cho kinh kỳ được yên mà bờ cõi được yên lặng, xét lẽ chính đáng nên duy tôn dòng đích, cốt để trọng tông thống mà thống nhất nhân tâm". Tờ chiếu ban xuống, dân tình vui mừng lắm. Ngày ấy Duy Diêu lên ngôi hoàng đế, đổi niên hiệu là Cảnh Hưng, tôn vua là Thái thượng hoàng" (Đại Việt sử ký tục biên).
Chuyện Lê Ý Tông bị ép trả ngôi cho cháu còn liên quan đến một câu chuyện kỳ lạ, sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết: "Duy Diêu, râu rồng, mắt phượng, là con trưởng Thuần Tông và là cháu nhà vua [Ý Tông Duy Thận]. Duy Diêu lấy địa vị người con trưởng, đáng được lập làm vua từ trước.
Nhưng vì chú ruột là Duy Mật dấy quân, nên Trịnh Giang truất đi, đã lâu vẫn bị giam cấm. Trịnh Doanh mật sai người dời Duy Diêu đến ở nhà Bính quận công Vũ Tất Thận. Trước đây, Tất Thận chưa biết việc này. Một đêm, nằm mộng thấy một người "kẻ cả" đến nhà, cờ quạt âm nhạc, hệt như nghi trượng thái bình thiên tử. Sáng hôm sau, thấy Duy Diêu đến. Tất Thận bèn đem việc này nói với Doanh. Doanh muốn nhờ vào phúc đức Duy Diêu, mới cùng các đại thần bàn định tôn lập làm vua và xin nhà vua nhường ngôi cho Duy Diêu".
(Đoàn rước vua Lê)
Niên hiệu chính là danh hiệu của một vị vua được đặt khi lên ngôi, sử dụng trong suốt thời gian cai trị hoặc trong giai đoạn nhất định mà vị vua đó cầm quyền, vừa để tính năm trị vì, vừa để thần dân trong nước gọi các ngài thay cho tên chính để tránh phạm húy.
Về nguyên tắc, niên hiệu được lựa chọn rất cẩn thận vì nó là danh hiệu của người đứng đầu quốc gia với quyền lực to lớn, do đó niên hiệu khi đọc nên nghe phải có ân vang và trong sáng, ý nghĩa gửi gắm những sự cầu ước, nói lên điềm lành và có sự gắn kết với triết lý vương quyền, thần linh; thí dụ như các chữ liên quan đến trời, đến biểu tượng đế vương như chữ Thiên, Càn, Long…