Sáng chủ nhật, tôi dậy sớm xách giỏ đi chợ, nấu một nồi bánh canh cua giò heo để sẵn cho má. Thường ngày, má tôi ở nhà một mình, ra vào làm bạn với cái tivi và cây kiểng. Tuy không nói ra nhưng tôi biết má cô đơn lắm. Vì vậy theo thông lệ vào ngày chủ nhật tôi nhận nhiệm vụ nấu một món gì đó, rồi anh em sum họp ăn uống để má sống vui sống khỏe khi có các con bên cạnh. Hôm nay là ngày tôi phải đi sang nhà bạn để tham dự một buổi họp mặt.
Gỏi da cá, món ăn độc đáo của miền đất võ
Đồng hồ chỉ 11h, từ nhà tôi qua nhà bạn cũng gần, vừa tới trước cửa nhà trong bếp đã có tiếng vọng ra mừng rỡ của bạn bè làm tôi ấm lòng. Nhiều thức ăn từ gian bếp tỏa ra thơm nức mũi. Nói về nấu ăn thì bạn tôi thuộc người khéo tay nhất. Trong bếp các món ăn đã được sẵn sàng chờ khai tiệc, nào là mực ống nhồi cá thác lác nướng, chả cá thu ăn kèm rau răm, món bún rạm (giống như bún riêu cua). Nhưng một món ăn mà tôi vô cùng thích thú, muốn giới thiệu đến các bạn và quyết tâm tìm hiểu để làm cho gia đình thưởng thức đó là món gỏi da cá nhám.
Theo lời của cô bạn, đây là món đặc sản Bình Định - quê chồng cô ấy. Muốn làm được món gỏi này phải mua da cá từ ngoài quê đem vào. Nguyên liệu làm nên món ăn là 300g da cá đã được chiên giòn, 500g rau dấp cá, 500g bắp chuối non, 300g rau húng cây, 01 trái xoài xanh, một nửa trái thơm, 100g đậu phộng rang vàng và một ít cần tây, ngò rí, tỏi, đường, ớt, nước mắm. Đầu tiên, ta rửa sạch các loại rau, ngâm muối và rớt ra để ráo. Bắp chuối bào sợi ngâm chanh cho trắng, vớt ra để ráo. Xoài, thơm bào sợi. Thơm xắt cọng nhỏ. Đậu phộng giã hột. Pha một chén nước mắm tỏi ớt sền sệt không chua hơi mặn một chút để sẵn.
Món này chỉ ăn khi nào mọi người chuẩn bị vào bàn mới trộn để giữ cho da cá được giòn, ăn như vậy mới ngon. Tất cả loại rau, bắp chuối, xoài, thơm được bỏ chung vào một thố rộng trộn đều, da cá bóp nhỏ miếng vừa ăn, rưới nước mắm vào nhanh tay trộn đều và cho ra dĩa rồi rắc đậu phộng lên trên.
Nhìn công đoạn trộn gỏi, tuy chưa được ăn nhưng chúng tôi đã thấy thèm. Món ăn thật ngon, đậm đà hương vị quê nhà. Đó là vị béo béo giòn giòn của da cá, vị chua chua của xoài và ngọt của thơm, mằn mặn của nước mắm, cay cay của ớt cộng với mùi thơm của rau, bùi bùi của đậu phộng tạo ra món gỏi độc đáo, ăn rồi không thể nào quên, cứ muốn ăn thêm mãi.
Nguồn: H.N