An toàn vệ sinh thực phẩm giữ vị trí rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe con người, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống, lợi ích và hạnh phúc của nhân dân.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới muốn bảo đảm vấn đề an toàn thực phẩm tại gia đình không thể không quản lý và tăng cường giám sát thanh tra. An toàn chất lượng thực phẩm gia đình và dịch vụ thức ăn đường phố bao gồm tất cả thức ăn đồ uống làm sẵn hoặc chế biến tại chỗ có thể ăn ngay hoặc là bán thành phẩm, để bảo quản tiếp và chế biến tại gia đình. Có 10 lời khuyên vàng trong ăn uống, chế biến bảo đảm an toàn thực phẩm ngay tại gia đình đã được Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Nông lương thế giới khuyến cáo.
1. Chọn cách chế biến thức ăn cho an toàn
Nhiều loại lương thực, thực phẩm (LTTP) như rau, quả chỉ có giá trị cao khi ăn ở trạng thái tươi, còn những loại khác đều phải được chế biến mới bảo đảm an toàn và kéo dài thêm được thời gian sử dụng. Thí dụ: Chỉ mua sữa và thực phẩm ăn liền đã được bao gói kín và ghi rõ còn thời hạn sử dụng.
2. Nấu thức ăn chín kỹ
Nhiều thực phẩm sống như cá, thịt gia cầm, kể cả sữa tươi chưa đóng chai, khi chưa nấu chín, thường có nhiều vi sinh vật và có thể gây bệnh. Nấu nướng đảm bảo chín, sẽ hủy diệt những mầm gây bệnh, cần lưu ý nhiệt độ không được thấp hơn 100oC và phải đều khắp cả phần bên trong của thực phẩm, nhất là chỗ gần xương. Thịt, cá, gia cầm đông lạnh, phải được làm tan giá, trước khi sơ chế và nấu nướng.
3. Thức ăn vừa nấu xong phải ăn ngay
Thức ăn vừa nấu chín sẽ nguội dần bằng nhiệt độ phòng và vi khuẩn bắt đầu phát triển. Để càng lâu càng nguy hiểm. Do đó phải ăn ngay, sau khi thức ăn vừa nấu xong.
4. Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín
Thức ăn sau khi nấu chín, chỉ có thể giữ được không quá 3-4 giờ ở nhiệt độ 60oC nếu thức ăn cần ăn nóng, và 10oC nếu cần ăn nguội. Với trẻ em, không nên nấu trước thức ăn, mà nấu xong phải ăn ngay. Trong tủ lạnh, trong chạn không để lẫn thức ăn đã nấu chín với thức ăn chưa nấu. Thức ăn đã nấu chín để ở ngăn trên trong các dụng cụ sạch.
5. Nấu kỹ lại thức ăn chưa sử dụng hết
Thức ăn không dùng hết, nếu muốn để sang bữa sau, phải được đun sôi lại ngay. Trước khi ăn phải đun lại một lần nữa cho thật sôi đều, không ít hơn 5-10 phút mới ăn.
6. Tránh không để lẫn lộn thức ăn chín và sống
Thức ăn đã nấu chín cũng rất dễ bị nhiễm vi khuẩn dù chỉ chạm nhẹ vào thức ăn sống. Sự nhiễm bẩn có thể là trực tiếp, như để lẫn thịt chưa nấu với thức ăn đã nấu chín. Tuyệt đối không dùng dao thớt thái thịt sống để thái thịt chín. Làm như vậy sẽ giúp cho vi khuẩn phát triển nhanh trên thức ăn đã nấu chín.
7. Rửa tay nhiều lần
Rửa tay kỹ trước khi nấu ăn, hoặc sau mỗi lần tạm dừng công việc, đặc biệt là khi thay quần áo, hay sau khi đi vệ sinh. Sau khi thái hoặc rửa thức ăn sống như thịt cá, gia cầm... phải rửa tay trước khi làm thức ăn khác. Nếu tay bị mụn nhọt, phải băng lại trước khi tiếp xúc với thực phẩm và nấu nướng. Cần chú ý những vật nuôi trong nhà như chó, mèo, chim, gà, vịt..., đặc biệt là rùa, ốc, ba ba thường là nơi chứa mầm bệnh, có thể lây truyền từ động vật qua bàn tay vào thức ăn.
8. Giữ bếp thật sạch sẽ
Thực phẩm và thức ăn đều là nơi ẩn náu của vi trùng gây bệnh. Mặt khác thức ăn rất dễ bị nhiễm bẩn. Do đó cần giữ thật sạch sẽ nền nhà, trần, tường, cửa trong và ngoài nhà bếp, các dụng cụ nấu nướng, chế biến. Phải có quần áo dùng riêng khi nấu ăn. Cần giặt, luộc và phơi sấy quần áo thường xuyên. Khi lau nhà, cũng cần dùng quần áo riêng và được giặt giũ, phơi khô ngay.
9. Bảo quản thức ăn chống loài gặm nhấm, ruồi, gián, kiến và các loài động vật khác ăn hại, gây nguy hiểm, nhiễm bẩn
Các sinh vật trên thường mang nhiều vi khuẩn gây bệnh, và là nguyên nhân phát sinh nhiều bệnh. Cách bảo quản tốt nhất là để thức ăn trong chạn, thùng, tủ, hòm có cửa nắp chắc, kín nhưng phải thoáng, ngăn được các loài sinh vật nói trên.
10. Dùng nước sạch
Chỉ dùng nước sạch để chế biến thức ăn và nấu nước uống. Nếu nghi ngờ về nguồn nước, cần phải xử lý đánh phèn để lắng, lọc, hoặc đun nước cho sôi, trước khi chế biến nấu ăn và làm đá. Cần đặc biệt cẩn thận khi sử dụng nước nấu ăn cho trẻ nhỏ.