Ngày nay nếu du lịch Sài Gòn, bạn đừng bỏ qua cơm tấm, bánh xèo, gỏi cuốn… đặc trưng. Đây không chỉ là những món ngon, đặc sản Sài Gòn mà chúng đã trở thành một phần không thể tách rời của ẩm thực Sài thành.
Cơm tấm
Nếu bạn muốn liệt kê cơm tấm vào ”đặc sản” trong số các đặc sản của Sài Gòn thì cũng chẳng sao. Người Sài Gòn yêu thích cơm tấm đến mức họ có thể ăn món ăn này vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, từ bữa sáng, bữa trưa, bữa xế hay thậm chí là bữa đêm muộn.
Du lịch Sài Gòn bạn có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh của các quầy hàng, cửa tiệm bán cơm tấm ở mọi nơi. Ở Sài Gòn cơm tấm đặc trưng và phổ biến giống như ở Hà Nội đầy rẫy những cửa hàng bán phở hay bún chả vậy.
Nói tới cơm tấm thì suất truyền thống và được nhiều người lựa chọn nhất phải là bộ ba “sườn, bì, chả”. Kể từ những ngày đầu khi cơm tấm mới có mặt ở Sài Gòn thì ba món ăn này luôn được gọi kèm cùng với nhau. Trong đó sườn là món chính, được tẩm ướp đậm đà, tròn vị từ nhiều loại gia vị khác nhau và đem nướng trên bếp than hồng. Ngoài ra, chả cũng là điểm nhấn hấp dẫn của cơm tấm. Được làm từ thịt heo xay nhuyễn trộn đều với bún gạo, nấm mèo và phủ lòng đỏ trứng gà lên trên và đem đi hấp chín, chả trứng khiến đĩa cơm tấm Sài Gòn ngon hơn và hấp dẫn hơn.
Ngày nay, ngoài “sườn, bì, chả” thực khách cũng có thể có thêm nhiều sự lựa chọn khác. Có thể là trứng ốp la, lạp xường hay xíu mại tùy từng nơi. Và để dĩa cơm tấm thêm phần hấp dẫn, người ta sẽ chan thêm ít mỡ hành chưng, tóp mỡ cho ngậy vị. Và kết thúc cho tròn vị, cơm tấm sẽ được ăn kèm với chén mắm ớt pha ngọt vừa phải.
Bạn có thể thưởng thức cơm tấm ở bất cứ cửa tiệm nào ở Sài Gòn. Một phần cơm tấm ngon trung bình chỉ từ 25.000 – 40.000 đồng/ dĩa.
Xôi mặn
Dạo chơi thành phố mang tên Bác, không khó để bắt gặp hình ảnh của những xe xôi, gánh xôi lề đường hay cho tới các cửa tiệm, tấp nập người mua kẻ bán. Ngoài cơm tấm, người Sài Gòn cũng vô cùng yêu thích xôi mặn với thời gian bán linh hoạt và phần nhân ăn kèm đa dạng như xôi gà, lạp xường, pate, trứng cút,…
Nhiều lúc rong ruổi chạy xe qua những con phố, xôi mặn khiến người Sài Gòn phải thèm thuồng nhờ cách bày biện đầy đặn, bắt mắt của những xe xôi hay cửa tiệm xôi gần đó. Và điều khiến xôi mặn chinh phục thực khách hơn nữa còn nằm ở phần nước sốt và mỡ hành ngầy ngậy khiến từng hạt xôi mềm thơm trở nên quyến rũ bội phần.
Để thưởng thức xôi mặn ngon, chuẩn vị Sài thành, bạn có thể tới ăn thử ở một số tiệm xôi nổi tiếng như: xôi gà chợ Bà Chiểu, xôi “nhà xác”, xôi Bình Tiên, xôi Tám Cẩu. Mỗi phần trung bình có giá 10.000 đồng.
Bánh mì
Nhắc tới Việt Nam, người nước ngoài thường nghĩ tới phở, bún chả mà quên mất nơi đây còn có một đặc sản nổi tiếng không kém – bánh mì. Du lịch Việt Nam, ở bất cứ vùng nào, tỉnh nào cũng đều có bánh mì, nhưng ở mỗi nơi, hương vị và cách chế biến một khác, tạo nên sự khác biệt đặc trưng cho món ăn ngon này.
Sài Gòn là một trong những nơi có ẩm thực độc đáo, thế nên bánh mì chắc chắn là món ngon bạn nhất định phải thử sau khi đặt tour du lịch Sài Gòn. Ở Sài Gòn, loại bánh mì phổ biến nhất chính là bánh mì thập cẩm với nhân đủ loại từ pate, dăm bông, xúc xích, chả lụa…
Nếu là người ưa chất lượng hơn giá cả, bạn có thể ghé thăm tiệm bánh mì Huỳnh Hoa và mua bánh mì thập cẩm nổi tiếng tại đây với giá 50.000 đồng/chiếc. Số tiền bỏ ra có vẻ lớn nhưng bù lại, bạn sẽ được đắm chìm trong phần nhân bánh chất lượng cùng với lớp vỏ tươi mới giòn rụm.
Ngoài ra, Sài Gòn cũng có nhiều loại bánh mì hấp dẫn cho bạn tha hồ lựa chọn. Từ bánh mì thịt nướng, bánh mì bì, bánh mì phá lấu và bánh mì bò khô… Trung bình với mỗi chiếc bánh mì vừa ngon và lạ miệng này, bạn sẽ phải chi trả từ 15.000 – 20.000 đồng.
Hủ tiếu
Là món ăn bình dân, dễ tìm, dễ kiếm, hủ tiếu có mặt ở khắp hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn. Sài Gòn không chỉ có hủ tiếu gõ đặc trưng mà vô vàn các loại hủ tiếu hấp dẫn khác cho bạn đổi vị, từ hủ tiếu bò kho, hủ tiếu Nam Vang hay tới biến tấu hủ tiếu mực.
Giống như cơm tấm, hủ tiếu cũng là món ăn được liệt vào hàng muốn ăn lúc nào cũng được. Dù bạn muốn ăn sáng, ăn trưa hay ăn tối, hủ tiếu đều không làm bạn thất vọng. Những sợi hủ tiếu mềm thơm bột gạo, nước dùng đậm đà thơm ngọt, phần nhân đầy đặn chắc chắc sẽ khiến trải nghiệm ẩm thực Sài Gòn của bạn thật đáng nhớ.
Gỏi cuốn
Với người Sài Gòn, gỏi cuốn từ lâu đã trở thành món ăn được ưa chuộng, vì ít có món ngon nào đơn giản, thanh đạm và phù hợp với kiểu thời tiết “sớm nắng chiều mưa” của Sài Gòn như thế. Gỏi cuốn có thể ăn chơi giữa buổi trong lúc chờ cơm, hay thậm chí dùng thay bữa chính cũng được.
Chỉ với bốn nguyên liệu đơn giản là bánh tráng, rau sống, bún, thịt, tôm; gỏi cuốn mang trong mình trọn vẹn tinh hoa ẩm thực Sài Gòn, gồm bốn vị chua, cay, mặn, ngọt. Thịt heo phải lựa thịt ba chỉ có tỉ lệ nạc mỡ cân bằng; tôm phải chọn loại tươi rói; bún phải trắng tinh, thơm mùi gạo; rau thơm mua mối quen cho đảm bảo… mới cho ra thành phẩm từng cuốn ngon lành, hấp dẫn.
Đi kèm với gỏi cuốn, là hai loại nước chấm đặc trưng. Đó là nước tương và mắm nêm. Cách thưởng thức gỏi cuốn chuẩn xác nhất là dùng tay cầm từng cuốn, chấm đẫm vào chén nước chấm, cắn ngập răng để cảm nhận thấy sự ngon miệng, tươi mát của món ăn này.
Bánh tráng trộn
Người ta đều nói Sài Gòn là nơi mà dân tứ xứ khắp nơi đổ về làm ăn, nên ở đây chẳng có món ngon đặc sản nào. Điều này vừa đúng mà cũng vừa không đúng. Dù các món ngon Sài Gòn bây giờ có nguồn gốc từ các tỉnh thành khác nhưng qua bàn tay nhào nặn, tài hoa của người Sài Gòn, chúng đã trở thành món ăn độc đáo không thể tìm thấy ở đâu khác. Trong đó, bánh tráng trộn chính là một ví dụ điển hình.
Có xuất xứ từ bánh tráng muối tôm Tây Ninh, bánh tráng trộn khi đặt chân đến Sài Gòn, đã được “phù phép” trở thành đặc sản Sài Gòn, là món ăn vặt mà du khách tới Sài Gòn không thể không nếm. Một gói bánh tráng trộn chuẩn Sài Gòn phải có tới 10 nguyên liệu đi kèm. Có thể nhắc đến như bánh tráng phơi sương, khô bò, khô mực, trứng cút, tép, lạc rang, xoài, rau răm, nước sốt bò và đặc biệt không thể thiếu muối tôm chuẩn vị.
Bạn có thể mua bánh tráng trộn rất dễ dàng ở mọi nơi, mỗi bịch có giá từ 10.000 – 20.000 đồng. Và nếu hành trình tham gia tour du lịch Sài Gòn có đi ngang phố Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, đừng ngần ngại xuống xe và tự thưởng cho mình một bịch bánh tráng trộn nhé!
Bột chiên
Bột chiên theo chân những người Hoa kiều đến mảnh đất Sài Gòn, đã được biến tấu để phù hợp với khẩu vị của người Việt. Bột chiên cùng với bánh tráng trộn, đã trở thành hai thức quà vặt mà bất cứ ai đến Sài Gòn đều không nên bỏ qua.
Được làm từ bột mì và bột năng trộn thêm dầu ăn, bột chiên được đun nhỏ lửa tới khi săn chắc lại và ngả màu trắng ngà. Sau đó người đầu bếp đem hấp bột trong khuôn hình vuông, rồi xắt lại thành hình vuông rồi đem chiên vàng ruộm trên chảo dầu nóng mỡ. Khi áng chừng bột sắp chín, người đầu bếp sẽ đập thêm trứng gà và ít hành thái nhỏ cho kích thích vị giác.
Làm bột chiên không khó, nhưng để có miếng bột thơm, mềm, vỏ ngoài giòn, không cháy thì không phải là ai cũng làm được. Vì thế, nếu là tín đồ ăn vặt và muốn thưởng thức bột chiên Sài Gòn, một gợi ý địa chỉ ẩm thưc dành cho bạn chính là quán bột chiên nằm ở góc đường Cách mạng tháng Tám giao với Võ Văn Tần, Quận 3.
Phá lấu
Phá lấu từ lâu đã trở thành món ăn vặt, vừa giá rẻ vừa lai rai vui miệng người Sài Gòn. Từ trẻ nhỏ, tới người lớn ai ai cũng thích ăn phá lấu vì món ăn này ở đâu cũng bán, ăn chơi cũng được mà chấm cùng bánh mì thưởng thức lại càng nghiền.
Phá lấu là món ăn được làm từ nội tạng động vật, trong đó phổ biến và được yêu thích hơn nhất là phá lấu bò. Với nhiều người, đây cũng là món ăn rất dễ gây nghiện, lần đầu nếm thử có thể thấy bình thường, nhưng kể từ những lần sau, lần thứ 2, 3 trở đi đảm bảo bạn sẽ rất nhớ hương vị đặc trưng của nó.
Một chén phá lấu ngon phải nóng hổi, có màu nâu cánh gián sóng sánh, dậy mùi thơm và đầy đặn thịt ăn kèm. Phần thịt ăn kèm có thể chế biến từ bất cứ thứ nội tạng nào, từ lưỡi, tai, ruột cho đến dạ dày của heo hoặc bò. Nếu sử dụng lòng bò, lòng bò phải được chế biến không cứng, không hôi; thấm đẫm gia vị. Thêm nữa để tròn vị, người bán thường dọn phá lấu kèm với dĩa nước chấm pha giữa nước mắm và nước me thêm ít ớt bột.
Phá lấu có thể ăn kèm với bánh mì hoặc mì tôm đều rất ngon. Một số địa chỉ thưởng thức món ngon, đặc sản Sài Gòn bạn có thể tham khảo như: Phá lấu Lì (1A Sương Nguyệt Ánh, quận 1; 393 Nguyễn Tri Phương, phường 5, quận 10); Phá lấu Dì Nủi (243/30 Tôn Đản, phường 15, quận 4); hay Phá lấu Rubi (230 Nguyễn Hồng Đào, phường 14, quận Tân Bình).
Ẩm thực Sài Gòn vô cùng đa dạng và phong phú, bạn hãy một lần đặt chân đến Sài Gòn hoa lệ để được sống và tận hưởng những nét đẹp tinh túy nhất của mảnh đất đã có 300 năm tuổi này. Hiện nay du lịch Tầm Nhìn Việt đang mở bán chùm tour du lịch Sài Gòn giá rẻ cho bạn tha hồ lựa chọn.
Sưu tầm