Thời cổ đại, “suy xét lại mình” là học vấn căn bản của việc học làm người. Nho sinh phải chú trọng việc tu thân. Muốn chỉnh tề được gia đình, muốn trị quốc tốt thì trước tiên phải tu chính bản thân mình.
Trong “Luận Ngữ. Học nhi”, Tăng Tử nói: Ta hàng ngày đều dùng ba việc phản tỉnh lại mình. Lo việc cho người đã làm hết tâm hết sức của mình chưa? Làm bạn với người có thành khẩn, giữ được chữ tín hay chưa? Lời thầy dạy dỗ đã luyện tập hay chưa?
Câu cách ngôn này của Tăng Tử đã trở thành bài học của các nho sinh nhiều thế hệ trong lịch sử. “Tam tỉnh” mà Tăng Tử đưa ra, chủ yếu nhấn mạnh đến hai khía cạnh là đối với bản thân mình và đối với người khác. Trong đó, đối với người phải thành tín, chân thật. Thành tín là thể hiện của một nhân cách quang minh, chính trực, không lừa người cũng không dối mình. Mưu sự cho người phải tận tâm tận sức, tận tâm vì người mà suy nghĩ. Đây chính là đạo đức căn bản của làm người trong văn hóa truyền thống. Còn đối với mình, thì tu dưỡng không chỉ trong một việc, một thời gian nhất định mà là xuyên suốt cả cuộc đời, mỗi ngày đều phải thường xuyên ghi nhớ.
Không chỉ Tăng Tử mà rất nhiều nhà triết học, danh thần thời xưa cũng đề cao việc suy xét lại bản thân mình. Triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates từng nói: “Trí tuệ lớn nhất của ta chính là biết bản thân không biết gì”. Mỗi một người thành thục đều biết tu thân, đạo lý này là tương đồng dù ở Đông phương hay Tây phương.
Phạm Thuần Nhân, một học giả nổi tiếng triều Tống, thường nhắc nhở các con rằng: “Dù là kẻ ngu dốt nhất cũng có thể sáng suốt khi quở trách người khác. Người vô cùng thông minh cũng có thể hồ đồ khi tha thứ cho lỗi lầm của mình. Vì vậy, nếu các con có thể tự xét lỗi lầm của bản thân như khi phán xét lỗi lầm của người khác, và khoan dung cho người khác như khi tha thứ cho chính mình, thì các con chắc chắn sẽ trở thành bậc Thánh hiền”.
Trên thực tế, rất nhiều người trong chúng ta có thói quen lấp liếm sai lầm của bản thân, không dám đối mặt với chúng, thậm chí đôi khi còn gây mâu thuẫn với người khác, một mực chỉ trích người khác, mà quên nhìn lại chính mình. Chỉ khi biết tìm nguyên nhân sâu xa bên trong nội tâm mình mới không sinh tâm oán hận người khác.
“Biết suy xét lại mình” là điều vô cùng quan trọng khi giải quyết các mâu thuẫn. Khi phát sinh mâu thuẫn trong mối quan hệ nhỏ giữa người với người, và mối quan hệ lớn hơn là giữa các quốc gia, nếu như hai bên đều tự nhìn lại mình thì bất luận là mâu thuẫn nào đi nữa cũng không khó giải quyết. Còn nếu như chỉ trách cứ đối phương, không soi xét lại bản thân mình thì sẽ càng ly gián, oán hận càng tích càng sâu, thậm chí mâu thuẫn trở nên kịch liệt và phá tan mối quan hệ giữa đôi bên.
Từ xưa đến nay, phàm là người có phẩm đức cao thượng, thành tựu được nghiệp lớn thì đều là người có thể suy xét lại mình. Một người nếu như có thể thường xuyên suy xét lại mình, kiểm tra lại bản thân, vì người khác mà suy nghĩ nhiều hơn một chút thì sẽ tránh được rất nhiều cuộc tranh cãi. Như thế tâm thái của người ấy có thể bình thản và tường hòa. Người ấy có thể vì người khác, vì xã hội mà tạo ra được một hoàn cảnh sống an định.