"Cháy rừng ở Úc" - cụm từ nhận được sự chú ý của toàn thế giới trong thời gian gần đây. Thậm chí có thể nói đó là một đại thảm họa thực sự, khi các vụ cháy đang lan rộng ở quy mô chưa từng thấy trong suốt nhiều thập kỷ qua, gây ra những hậu quả thực sự nghiêm trọng.
(Một ngôi nhà đang cháy tại hồ Conjola (Úc) ngày 31/12)
Kể từ tháng 9/2019, có ít nhất 20 người đã chết vì cháy rừng tại Úc, cùng hơn 1.500 ngôi nhà bị thiêu rụi. Đầu năm 2020, có thêm 28 người nữa được xác nhận đang mất tích khi đám cháy chạm đến khu vực phía đông bang Victoria. Cháy rừng diễn ra dày đặc, lửa ngùn ngụt bốc lên mà không có dấu hiệu chấm dứt, còn nhà chức trách thì liên tục kêu gọi người dân đi sơ tán kèm lời cảnh báo khẩn cấp trên toàn quốc.
Cháy rừng tạo ra một cơn khủng hoảng toàn diện trên các phương tiện truyền thông. Từng thị trấn bị san phẳng khi lửa tràn qua bụi rậm, tiến đến cao tốc, vươn cả lên các đỉnh núi cao. Tại New South Wales - một trong những bang đông dân nhất Australia, người dân hoảng loạn chạy trốn trên những con đường tắc nghẽn vì xe cộ không thể di chuyển. Còn ở các thành phố lớn như Sydney và Melbourne, khói đen dày đặc phủ kín bầu trời, khiến chỉ số chất lượng không khí có lúc cao gấp 20 lần so với mức "độc hại" thông thường.
Nước Úc đang phải trải qua những ngày tháng u ám nhất, nhưng lý do là vì đâu, liệu có liên quan gì đến câu chuyện biến đổi khí hậu được nhắc đến rất nhiều trong thập kỷ vừa qua?
Nguyên nhân của vụ cháy là từ đâu?
Nước Úc và châu Úc nói chung vốn cũng không mấy xa lạ với những vụ cháy rừng - chính xác hơn là cháy tại các đồng cỏ. Những đám cháy ấy làm tăng độ màu mỡ cho đất đai, miễn là chúng nằm trong tầm kiểm soát.
(Ảnh cháy tại Úc chụp từ vệ tinh ngày 31/12)
Nhưng lần này, những đám cháy ấy đang vượt qua mọi giới hạn, với một quy mô lớn chưa từng thấy suốt nhiều thập kỷ qua. Lửa có thể bùng phát vì nhiều nguyên nhân. Hầu hết các trường hợp là vì yếu tố tự nhiên, như sấm sét đánh vào cỏ khô vào những ngày hạn hán. Ngọn lửa lúc xuất hiện chỉ nhỏ thôi, nhưng khi kết hợp với thời tiết khô cằn, ít mưa cùng những cơn gió hung dữ quen thuộc của Úc sẽ trở nên cực kỳ kinh khủng.
Trong những ngày hạn hán, chỉ một điếu thuốc bất cẩn cũng có thể gây ra thảm họa. Tháng 11/2019, cục cứu hỏa bang New South Wales đã tiến hành bắt giữ một thanh niên 19 tuổi, cáo buộc anh với 7 tội danh liên quan đến cháy rừng.
Biến đổi khí hậu - nguyên nhân khiến cháy rừng ngày càng nghiêm trọng
Theo Hiệp hội khí hậu - một tổ chức độc lập tại Úc, cháy rừng tại quốc gia này đang tỏ ra nguy hiểm hơn so với trước kia, khi thời gian cháy dài hơn, đất đai trở nên khô cằn, nứt nẻ, cùng những đợt sốc nhiệt kỷ lục. Và biến đổi khí hậu được cho là nguyên nhân chính đứng sau cơn khủng hoảng mà nước Úc đang phải đối mặt.
(Đám cháy bùng lên dữ dội khó kiểm soát)
Trên thực tế, năm 2019 là một năm nóng kỷ lục tại Úc, với nền nhiệt trung bình cao hơn tới 1,5 độ C. Nhiệt độ tăng sẽ khiến nguy cơ cháy rừng tăng cao, thể hiện qua vụ cháy rừng được đánh giá là "vô tiền khoáng hậu" suốt nhiều thập kỷ.
Hệ quả từ vụ cháy cũng tạo ra một vòng luẩn quẩn đầy đau khổ cho Trái đất. Giống như sự kiện cháy rừng kỷ lục tại Amazon, cháy tại Úc cũng đẩy một lượng lớn khí nhà kính - cụ thể là CO2 và CO - vào khí quyển, gián tiếp khiến nhiệt độ Trái đất tiếp tục nóng lên. Chỉ trong vòng 3 tháng cuối năm 2019, những vụ cháy tại Úc đã giải phóng ít nhất 350 triệu tấn CO2. Và theo đánh giá từ các chuyên gia, chúng ta sẽ cần cả trăm năm nữa mới có thể hấp thụ lại số lượng khí nhà kính đã thải ra.
Thảm họa quá lớn, cho cả con người lẫn môi trường
Ở thời điểm hiện tại thì gần như mọi tiểu bang của Úc đều có cháy, nhưng kinh khủng nhất là New South Wales và Victoria, với tổng cộng 6 triệu hecta đất bị thiêu rụi. Để so sánh, nó thấp hơn một chút so với vụ cháy kỷ lục tại Amazon năm 2019 (hơn 7 triệu ha), nhưng nhiều hơn gấp 60 lần so với vụ cháy kinh khủng từng khiến toàn California rối loạn vào năm 2018 (chỉ khoảng 100.000 ha).
(Những cột khói khổng lồ sau trận cháy rừng)
Riêng tại New South Wales, có ít nhất 1.500 căn nhà bị thiêu rụi, cộng thêm 440 căn bị hư hại nặng. 18 người đã chết, hàng chục người khác mất tích. Nhưng mất mát của loài người xét ra vẫn còn là "nhẹ" so với những gì thiên nhiên phải gánh chịu.
(Một con gấu koala được cứu ra khỏi đám cháy đang trong tình trạng nguy kịch)
Các chuyên gia sinh thái học tại ĐH Sydney ước tính, trung bình trên mỗi ha đất tại Úc có 17,5 loài thú, 20,7 loài chim, 129,5 loài bò sát. Khi nhân lên với quy mô của vụ cháy, số lượng các loài sinh vật bị hủy diệt lên tới hơn 480 triệu cá thể - gần nửa tỉ. Đặc biệt, trong đó có 8000 con gấu koala - loài vật vốn đang nằm trong danh sách bảo tồn của IUCN. Dành cho những ai chưa biết, con số này tương đương với gần 1/3 tổng số koala còn sót lại ngoài tự nhiên.
(Đám cháy kinh khủng khiến cả thành phố chìm trong biển lửa tại Mallacoota (Australia))
Với tốc độ hủy diệt quá nhanh, tháng 11/2019 đã có báo cáo tỏ ra lo ngại cho rằng gấu koala đang "tuyệt chủng về mặt chức năng" - nghĩa là đang không còn khả năng hồi phục. Các chuyên gia chưa có kết luận gì về nhận định này, nhưng cũng không thể phủ nhận sự thật rằng koala cùng vô số các loài động thực vật bản địa của Úc đang gặp đe dọa nghiêm trọng.
Thảm họa chưa thấy lối thoát
Cháy rừng khi nào mới chấm dứt - đây cũng là một câu hỏi thực sự khó trả lời. Sự thật là nước Úc hiện mới chỉ trải qua tháng hè đầu tiên trong năm (do nằm ở Nam bán cầu), trong khi nhiệt độ cao nhất thường rơi vào tháng 1 và tháng 2. Nói cách khác, nhiều khả năng vụ cháy sẽ tiếp tục lan rộng trong năm 2020 ít nhất là 1 - 2 tháng nữa nếu không có điều gì đột biến xảy ra.
(Nhiều sinh vật bị thiêu cháy)
Trong những tháng vừa qua, chính phủ và chính quyền địa phương Úc đã phải làm việc thực sự vất vả để giải quyết thảm họa lần này. Nhiều tiểu bang đã ban bố tình trạng khẩn cấp, yêu cầu cư dân tiến hành di tản. Riêng tại New South Wales đã có 2000 lính cứu hỏa túc trực ngày đêm, cùng với sự trợ giúp khẩn thiết từ Hoa Kỳ, Canada và New Zealand.
(Lực lượng cứu hỏa túc trực ngày đêm để cứu cháy)
Quân đội Úc cũng đã phải điều động lực lượng hỗ trợ giải quyết thảm họa, với sự tham gia của cả không quân lẫn hải quân. Theo thủ tướng Scott Morrison, vụ cháy đã tiêu tốn ít nhất 23 triệu đô Úc (khoảng hơn 370 tỉ VNĐ) dành riêng cho việc phục hồi và đền bù cho các nạn nhân trong vụ cháy. Đồng thời, mỗi lính cứu hỏa tham gia trên 10 ngày cũng nhận được khoản hỗ trợ lên tới 6000 đô.