Biến đổi khí hậu không còn là vấn đề riêng của quốc gia nào, mà trở thành nhiệm vụ toàn cầu. Trong những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã sử dụng thực vật để giảm khí thải CO2. Trồng tre chống biến đổi khí hậu là một trong những giải pháp sinh thái hữu hiệu nhất hiện nay.
Trồng tre chống biến đổi khí hậu
Thế nào là biến đổi khí hậu?
Nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu là việc đốt nhiên liệu hóa thạch (dầu, than,…) thải ra các khí nhà kính vào khí quyển – chủ yếu là cacbon điôxit. Các hoạt động khác của con người, như phá rừng, sử dụng nguồn nước và đất không hợp lý, cũng góp phần vào sự gia tăng khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu.
Biểu hiện rõ nhất của biến đổi khí hậu là sự nóng lên của trái đất, khiến băng tan và nước biển dâng cao. Biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả khủng khiếp, ảnh hưởng trực tiếp đến thiên nhiên và con người, như:
- Các thiên tai gây tàn phá quy mô lớn như động đất, sóng thần, hạn hán…
- Thiếu lương thực
- Dịch bệnh ở con người và vật nuôi.
- Giảm sự đa dạng sinh học, phá hủy hệ sinh thái.
- Gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và đời sống xã hội.
Trồng tre – giải pháp chống biến đổi khí hậu
Tre là loài cây quen thuộc ở các quốc gia nhiệt đới, đặc biệt được trồng nhiều ở Việt Nam. Tre có rất nhiều công dụng về kinh tế, xây dựng, y học,… Nhưng dưới góc độ môi trường, tre còn giá trị nhiều hơn thế: tre góp phần chống biến đổi khí hậu.
Trồng tre chống biến đổi khí hậu
Tre hấp thụ lượng CO2 gấp 4 lần cây lấy gỗ thông thường. Tre lại còn sinh trưởng rất nhanh nên có thể giữ lại lượng CO2 cực lớn, giảm ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu và sự thay đổi khí hậu. Mỗi năm, 1 héc-ta tre có thể hấp thụ 50 tấn khí nhà kính, cũng như 12 tấn CO2. Bên cạnh đó, tre cũng giải phóng khí oxi vào khí quyển nhiều hơn 35% so với các cây gỗ cứng tương đương. Quá trình quang hợp của tre làm giảm cường độ ánh sáng và bảo vệ con người chống lại tia cực tím.
Tre hấp thụ CO2 gấp 4 lần cây lấy gỗ
Tre thích ứng với nhiều điều kiện trồng trọt, có thể sử dụng để trồng phủ xanh đất trống đồi trọc. Tre chống xói mòn đất đai, bảo vệ đất, nhất là ở vùng đồi núi hoặc ven sông.
Ở khu vực đầu nguồn, bộ rễ lan rộng của tre còn góp phần giảm vận tốc nước, phòng chống hiện tượng lũ quét. Rễ tre có thể làm giảm 75% tốc độ xói mòn đất. Vì thế, ở những vùng lũ, cuộc sống người dân bình yên hơn nhờ hàng tre bảo vệ.
Rễ tre làm giảm tốc độ xói mòn đất
Ý thức được tầm quan trọng của tre, Indonesia đang thực hiện một dự án trồng tre toàn quốc. Hơn 1000 ngôi làng khắp đất nước được trồng tre để giảm tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường.
Trồng tre: là giải pháp cho nền nông nghiệp bền vững, là vật liệu hoàn hảo của kiến trúc bền vững, là người bạn đồng hành để bảo vệ môi trường bền vững.