Năm 2019, Cục Biến đổi khí hậu đã tập trung xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch; kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về biến đổi khí hậu (BĐKH), từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về BĐKH. Nổi bật như, Cục đã phối hợp rà soát, sửa đổi Chương Ứng phó với BĐKH trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định lộ trình, phương thức tham gia hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính toàn cầu theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, phù hợp với điều kiện Việt Nam và các cam kết đóng góp của Việt Nam đối với quốc tế; nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư quy định chế độ báo cáo và hướng dẫn kỹ thuật phục vụ kiểm kê quốc gia khí nhà kính để trình Bộ trưởng sau khi Nghị định được ban hành. Hiện Cục đang chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Bộ trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Kế hoạch quốc gia thích ứng biến đổi khí hậu (NAP) giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050…
Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ, Cục đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH trình Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 13/4/2019). Cũng trong năm 2019, đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị của Chính phủ đánh giá kết quả 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-18/6/2019 tại TP. Hồ Chí Minh; tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và hành động của các cấp, các ngành, địa phương và người dân trong vùng. Qua Hội nghị, đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/9/2019 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP.
Cục đã tham mưu cho Lãnh đạo Bộ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP ngày 04/9/2019 phê duyệt Bản sửa đổi, bổ sung Kigali thuộc Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; đồng thời, tích cực triển khai Kế hoạch quản lý loại trừ các chất HCFC giai đoạn II nhằm thực hiện lộ trình loại trừ 35% mức tiêu thụ cơ sở các chất HCFC vào năm 2023. Bên cạnh đó, Cục cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan, các chuyên gia và các tổ chức quốc tế rà soát, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam để hoàn thành trình Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020; triển khai Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020; tiếp tục thực hiện quản lý hoạt động của các dự án theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế tín chỉ chung (JCM) tại Việt Nam…
Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Tăng Thế Cường phát biểu tại Hội nghị
Cục cũng tiếp tục phối hợp các đối tác phát triển, như WB, ADB, JICA, GIZ, AFD, UNDP, UNEP, IUCN, WWF... và các nước như Hà Lan, Đức, Pháp, Úc... để triển khai các dự án hỗ trợ các hoạt động ứng phó với BĐKH, tăng cường năng lực, đề xuất các cơ chế chính sách ứng phó với BĐKH, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Trong năm 2019, Cục đã tổ chức thành công Phiên họp lần thứ 7 của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Hà Lan về BĐKH và quản lý nước; tổ chức cuộc họp Ủy ban hỗn hợp giữa Việt Nam và Nhật Bản lần thứ 8 triển khai Cơ chế tín chỉ chung (JCM);.... Đồng thời, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ được giao trong Ban đàm phán quốc tế về BĐKH; tích cực phối hợp chuẩn bị tốt nội dung cho các cuộc đối thoại cấp cao về BĐKH...
Về khoa học và công nghệ, Cục đã và đang thực hiện đảm bảo tiến độ nội dung các Đề tài theo kế hoạch đề ra trong năm 2019, trong đó có 02 Đề tài cấp quốc gia sẽ hoàn thành trong năm 2020: Nghiên cứu đề xuất mô hình thị trường cac-bon ở Việt Nam; và Nghiên cứu cơ sở khoa học, thực tiễn phục vụ đánh giá, chuyển giao kết quả các Chương trình KH&CN cấp quốc gia về ứng phó BĐKH, quản lý tài nguyên, môi trường và đề xuất định hướng cho giai đoạn 2021-2025; 04 Đề tài cấp Bộ sẽ hoàn thành trong năm 2020 và 04 đề tài cấp cơ sở.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BĐKH, Cục đã tích cực triển khai Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH (giai đoạn 2015 -2020), trong đó đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị toàn quốc “Biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó BĐKH” ngày 14-15/10/2019 tại TP. Huế; tổ chức các Hội nghị tập huấn về BĐKH và kỹ năng ứng phó cho các đại biểu của các Sở, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội…
Đẩy mạnh các hoạt động phối hợp với địa phương, trong năm 2019, Cục tiếp tục phối hợp tốt với Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trong việc hướng dẫn thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; kiểm tra, đánh giá hàng năm việc tuân thủ các quy định pháp luật có liên quan; thực hiện kế hoạch Chương trình tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020...
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu Trương Đức Trí trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2019
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và biểu dương những thành tích Cục Biến đổi khí hậu đã đạt được trong năm 2019. Trong năm 2020 và các năm tiếp theo, Thứ trưởng cho rằng, Cục Biến đổi khí hậu cần có sự đổi mới trong tư duy và nhận thức về BĐKH để đáp ứng sự thay đổi chung của thế giới. “BĐKH đã có nhiều sự thay đổi về nhận thức. Từ khi còn tranh luận thì đến bây giờ mọi người đều có nhận thức cao về vấn đề này. Năm 2021 sẽ là bước ngoặt quan trọng khi tất cả các quốc gia trên thế giới phải có trách nhiệm với BĐKH. Vì vậy, giảm thiểu BĐKH cũng là trách nhiệm của Việt Nam đối với người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ phải phát huy nội lực để ứng phó với BĐKH bên cạnh việc kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế. Đây sẽ là sự thay đổi quan trọng, rõ ràng trong quan điểm và nhận thức về BĐKH.” – Thứ trưởng Lê Công Thành nói.
Toàn cảnh Hội nghị
Từ sự thay đổi tư duy, định hướng đó, Thứ trưởng đề nghị Cục Biến đổi khí hậu tập trung thực hiện 08 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020:
Một là, tiếp tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; hoàn thiện sửa đổi nội dung ứng phó với BĐKH trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi; hoàn thành Nghị định của Chính phủ quy định lộ trình và phương thức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Hai là, hoàn thiện dự thảo Báo cáo rà soát và cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; phối hợp với các đối tác phát triển để xây dựng Chương trình hỗ trợ thực hiện NDC của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030.
Ba là, xây dựng tiêu chí xác định các dự án, nhiệm vụ thích ứng với BĐKH, tập trung vào các vấn đề liên vùng, liên ngành.
Bốn là, hoàn thiện Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cấp quốc gia; hoàn thiện Hệ thống giám sát, báo cáo và đánh giá (M&E) cho các hoạt động thích ứng với BĐKH để báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ.
Năm là, tập trung hoàn thiện trình Bộ xem xét phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; xây dựng và hoàn thành nội dung Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ ba (BUR3) của Việt Nam.
Sáu là, phối hợp chặt chẽ với các đối tác phát triển và các nước để đẩy mạnh công tác ứng phó với BĐKH; phối hợp với các đối tác phát triển để xây dựng định hướng cho các hoạt động hợp tác như Chương trình thay thế Chương trình SP-RCC từ sau năm 2020, Cơ chế tín chỉ chung (JCM), Cơ chế phát triển sạch (CDM)...
Bảy là, tiếp tục tăng cường sự phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương điều phối và thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; tổ chức kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu; đẩy mạnh truyền thông về công tác ứng phó với BĐKH.
Tám là, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn chuyển tiếp và mở mới năm 2020, các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ để có kết quả đóng góp thiết thực cho công tác quản lý nhà nước về BĐKH.
CTTĐT