Hai năm nóng nhất trong lịch sử: 2016 và 2019
Bước sang thập kỷ thứ 3 của thế kỷ 21, chưa bao giờ vấn đề biến đổi khí hậu - nóng lên toàn cầu lại trở thành bài toán nhức nhối cho toàn nhân loại đến thế, bởi ảnh hưởng và tác động của nó không loại trừ bất cứ một khu vực nào trên thế giới.
Năm 2019 chứng kiến hàng loạt những kỷ lục về nhiệt độ trên toàn cầu. Sự nóng lên toàn cầu đang diễn biến mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
(Châu Âu phải trải qua những đợt sóng nhiệt mạnh kỷ lục về nhiệt độ và quy mô năm 2019)
Năm 2019 giữ kỷ lục là năm nóng thứ hai trong lịch sử (xếp sau năm 2016, thấp hơn 0,04 độ C) kể từ năm 1880 khi con người xây dựng dữ liệu về nhiệt độ Trái Đất.
Nhiệt độ toàn cầu nóng hơn 0,98 độ C so với trung bình năm 1951 đến 1980 vào năm 2019. Thập kỷ vừa kết thúc vừa qua cũng là thập kỷ nóng nhất từng được ghi nhận. Trong đó, 5 năm qua, từ năm 2015-2019, là khoảng thời gian hành tinh của chúng ta nóng nhất trong lịch sử 140 năm trở lại đây.
Nhiều tháng trong năm 2019 liên tục chứng kiến nhiệt độ toàn cầu cao nhất trong lịch sử. Khi đó, châu Âu phải trải qua những đợt sóng nhiệt mạnh kỷ lục (về nhiệt độ và quy mô). 2019 cũng là năm nóng nhất trong kỷ lục của bang Alaska (Mỹ), nơi cháy rừng bùng cháy khắp bang trong mùa hè.
(Biểu đồ thể hiện năm 2016 và 2019 là hai năm nóng nhất trong lịch sử. Nguồn: NOAA/NASA)
Kể từ những năm 1880, nhiệt độ bề mặt trung bình toàn cầu đã tăng lên và nhiệt độ trung bình hiện nay cao hơn hơn 1 độ C so với cuối thế kỷ 19.
Đại dương bị đốt nóng bằng 5 quả bom nguyên tử mỗi giây
Time cho biết, các nhà khoa học cũng đưa ra kết luận về nhiệt độ đại dương năm 2019. Theo đó, năm 2019, nhiệt độ đại dương cũng đạt mức nóng nhất trong lịch sử. "Thật khó tưởng tượng để biết được rằng: Con người đang làm nóng bề mặt đại dương mỗi giây trong suốt 1 năm qua bằng sức nóng tương đương của 5 quả bom nguyên tử Little Boy mà Mỹ từng ném xuống thành phố Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945.
Quả bom nguyên tử Little Boy phát nổ với năng lượng 63.000 tỷ Joules. Lượng nhiệt mà chúng ta "bắt" đại dương hứng chịu trong vòng 25 năm qua vì thế tương đương với 3,6 tỷ vụ nổ bom Little Boy ở Hiroshima.
(Năm 2019, mỗi giây, đại dương bị đốt nóng với lượng nhiệt bằng 5 quả bom nguyên tử Little Boy)
Một nghiên cứu năm 2018 của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, cơ quan khí hậu của Liên Hợp Quốc, trước đó đã cảnh báo rằng nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C so với mức trước thời tiền sử có thể gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Theo Giáo sư John Abraham, đại dương sẽ phải hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt gây nóng lên toàn cầu. Ấm lên toàn cầu là sự nóng lên của đại dương. Sự nóng lên của đại dương là bằng chứng rõ ràng nhất mà chúng ta có về biến đổi khí hậu.
Mặc dù sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu có xu hướng tăng lên, nhiệt độ trung bình hàng năm có thể thay đổi từ năm này sang năm khác tùy thuộc vào các kiểu thời tiết như El Niño hoặc La Niña.
Thay vào đó, đại dương cung cấp dữ liệu rõ ràng hơn, và do đó, sự nóng lên toàn cầu là không thể chối cãi. Nhiệt độ đại dương đã tăng lên mỗi năm kể từ năm 2017 và liên tục tăng kể từ giữa những năm 1990, theo nghiên cứu, gây nguy hiểm cho mực nước biển dâng và đa dạng sinh học. Đại dương ấm hơn cũng có thể gây ra các sự kiện thời tiết cực đoan hơn.
Sử dụng các mô hình khí hậu và phân tích thống kê dữ liệu nhiệt độ toàn cầu, các nhà khoa học đã kết luận rằng sự gia tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng khí thải carbon dioxide và các khí nhà kính khác vào bầu khí quyển do hoạt động của con người tạo ra.
Nhiệt độ liên tục gia tăng trong bầu khí quyển và đại dương đang góp phần làm mất khối lượng băng liên tục từ Greenland đến Nam Cực; đồng thời kích hoạt và làm gia tăng hàng loạt thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, cháy rừng, mưa lớn, lũ lụt...
Kết quả này có được từ các phân tích nhiệt độ của NASA và NOAA kết hợp cùng các phép đo nhiệt độ bề mặt từ hơn 20.000 trạm thời tiết, quan sát nhiệt độ mặt nước trên tàu và phao và đo nhiệt độ từ các trạm nghiên cứu ở Nam Cực.