Vì sao người xưa có câu “Người biết ở một mình mới là xuất chúng”
27.02.2021
8755
Chấp nhận và tận hưởng sự cô đơn là một loại cảnh giới trí tuệ đầy khôn ngoan. Trước phải hòa hợp với mình, sau đó mới học được cách hòa hợp cùng người khác.
Trang Tử nói: “Độc hữu chi nhân, thị vị chi quý”, ý nói rằng “Người biết ở một mình mới trở thành người xuất chúng, được coi là tôn quý”.
“Độc hữu” ở đây chỉ sự tự do tự tại, sự hài hòa tự thân, hoàn thiện bản thân, cũng chính là biết cách chung sống với chính mình.
Phải biết rằng, từ nhỏ đến lớn, chúng ta đã học quá nhiều đạo lý về cách làm thế nào để chung sống với người khác, hòa nhập với xã hội và trở nên xuất sắc trong cộng đồng. Nhưng lại quên mất một điều căn bản nhất, kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.
Nếu ai có thể chiến thắng bản thân, học cách chung sống với bản thân thì người đó có thể chiến thắng tất cả.
Hình ảnh minh hoạ bậc thầy mưu trí Trang Tử. Ảnh: Internet
Trang Tử có một “đối thủ” là Huệ Tử, hai người thường đối đáp biện ngẫu với nhau. Nhiều lần Huệ Tử bị Trang Tử nói đến “tối tăm mặt mũi” mà không phản bác được, điển hình là câu chuyện “Ông không phải cá sao biết niềm vui của cá?”.
Sau khi Huệ Tử qua đời, Trang Tử đã kể lại một câu chuyện ngụ ngôn miêu tả về sự cô độc vì mất đi người bạn tinh thần như sau:
Một người đàn ông bị nổi chấm đen như nốt ruồi trên mũi. Ông đi tìm người thợ làm đá cắt đi cho mình. Người thợ đá tiện tay vung rìu lên, thong dong vạt chấm đen đó đi mà không mảy may xước xát cánh mũi của đối phương.
Tống Nguyên Quân biết chuyện, bèn gọi người thợ làm đá đến mà yêu cầu ông làm thử cho mình xem.
Tuy nhiên, người thợ đá lại từ chối. Khi được hỏi lý do, ông ta đáp rằng: “Trước kia tôi còn có thể bình tĩnh để làm vậy, nhưng hiện tại thì không, vì người bạn đồng hành cùng tôi sớm đã qua đời rồi!”.
Giống như Đỗ Phủ và Lý Bạch, hai người từng hâm mộ tài hoa và thiên phú của nhau, kết đôi cùng du ngoạn giang hồ và cho rằng sẽ đồng hành cả đời bên nhau. Tuy nhiên, "tâm tôi hướng sơn, tâm bạn hướng thủy", khi chí hướng khác biệt, họ vẫn phải vẫy tay tạm biệt, đường ai nấy đi.
Hiển nhiên, trong thời gian dài đằng đẵng, không một ai có thể ở bên ta trọn đời. Kỳ thực, cô đơn một mình mới là trạng thái vĩnh hằng của kiếp người, khi hai thời điểm quan trọng nhất là ra đời và chết đi, chúng ta đều chỉ có thể đi một mình.
Do đó, điều chúng ta phải làm là học được cách đối mặt với sự cô đơn, chung sống với bản thân tốt hơn mỗi ngày.
Lựa chọn sự cô đơn có giá trị
Trong cuốn "Đại tông sư" của Trang Tử cũng có viết về hai chú cá cố chấp nằm cùng nhau trong cái hồ cạn nước, có cố gắng làm ướt cho nhau để duy trì sự sống.
Trang Tử nói, so việc cố gắng cho qua ngày như vậy, chi bằng tha cho nhau, đi đến nơi biển rộng sông dài sống một cuộc sống mới.
Trong đời người, nếu có cơ hội cùng đồng hành với một lữ khách, dù là 1 tháng, 1 năm hay 10 năm, đó cũng là một loại may mắn. Nhưng suy cho cùng, chỉ có bản thân mới có thể tự hoàn thành được lịch trình của mình. Bạn phải làm chủ sinh mệnh của chính mình trước, sau đó mới có thể sống tốt được.
Einstein nói: “Những người xuất chúng, sở hữu khối óc vĩ đại luôn phải đối mặt với những chỉ trích kịch liệt từ những kẻ mang đầu óc tầm thường.”
Một người có ước mơ, có hành động để biến ước mơ thành hiện thực, cũng có đủ năng lực và sự vĩ đại để làm tốt hơn người khác thì họ bắt buộc phải trở nên khác biệt. Họ dám bước ra khỏi số đông đang lầm lũi từng ngày trong những niềm mơ vụn vặt, nhỏ bé như danh tiếng, địa vị, nhà xe, bằng cấp, phụ nữ hay rượu ngon…
Số đông lại đang mải mê giam cần bản thân trong những lo lắng nhỏ, lo sợ thành công là một tài khoản có giới hạn, cần phải tranh cướp và giẫm đạp lên nhau để giành lấy. Khác với họ, người có khối óc xuất chúng lại nhìn thấu đạo lý rằng, khác biệt đồng nghĩa với cô đơn, nhưng cũng đồng nghĩa với sự tự do. Ở đó, tài năng sẽ đem tới sự thịnh vượng thích đáng.
Người có trí tuệ lớn sẽ không bận lòng tới lời ong tiếng ve của thiên hạ. Họ dành thời gian để sáng kiến và tạo ra nhiều ý tưởng đột phá chứ không hoài công giải thích lý do cho những kẻ non nớt tầm thường. Đơn giản là vì, họ đã quen với tư duy độc hữu, dù cô đơn nhưng đầy giá trị. Sự thành công đến từ chính năng lực của họ, chứ không đến từ miệng lưỡi hay cái nhìn của thế gian.
Tận hưởng sự cô đơn là một loại trí tuệ
Trong trí tuệ của Trang Tử, nhiệm vụ đời người không gì khác là: Tìm thấy chính mình và tìm thấy con đường của chính mình. Có lẽ, trên chặng đường này, ai cũng có lúc cảm thấy cô đơn, nhưng chấp nhận sự cô đơn chính là bắt đầu của một cuộc sống viên mãn. Nếu bản thân mình cũng không thể hòa hợp được, bạn sẽ vĩnh viễn không thể hòa hợp được với người khác.
Giống như cách mà nhà triết học người Đức Arthur Schopenhauer đã nói: "Chỉ khi một người cô đơn, anh ta mới có thể trở thành chính mình. Nếu ai đó không yêu cô đơn, thì anh ta không yêu tự do, bởi vì chỉ khi một người cô đơn, anh ta mới được tự do."
Chúng ta có thể đồng hành đi khắp giang hồ, nhưng lại chỉ có thể tự mình đi tới chân trời và góc bể.
Tận hưởng sự cô đơn là một niềm vui nhẹ nhàng và dễ chịu, không liên quan đến vật chất hay sở thích, cũng không bị tham vọng hay nhu cầu ảnh hưởng. Nó đến từ nội tâm con người với trái tim rộng mở, có sự bình tĩnh và đầy tự chủ.
Tận hưởng sự cô đơn cũng là một loại tư thái bản lĩnh, khi chúng ta tiến bước giữa đời, nhanh thì có thể hưởng thụ tốc độ, chậm thì có thể ngắm nhìn cảnh sắc xung quanh, không để hư danh che mắt, không bị dối trá giấu lòng. Đó là bản lĩnh của người khiêm nhường, ôn nhã nhưng trí tuệ và khôn ngoan.
Khi làm con cừu sẽ nhàm chán, còn cái giá để làm sư tử là sự cô đơn. Tương tự như vậy, khi muốn sum vầy hãy làm cây cỏ, khi làm cổ thụ thì phải chấp nhận nỗi cô đơn.
Nguồn: Vũ Hành
Tin chọn lọc khác
Tin cùng chuyên mục