Nước Lỗ quy định rằng: Ai có thể chuộc được dân của nước Lỗ đi làm nô bộc cho các nước chư hầu khác, sẽ được thưởng một khoản tiền trích từ quốc khố.
Tử Cống, học trò Khổng Tử qua lại buôn bán các nước chư hầu khác đã chuộc được rất nhiều nô lệ người Lỗ, về nước, anh ta cũng không đi lĩnh thưởng. Tử Cống cho rằng mình làm được việc tốt, hớn hở đi nói với thầy Khổng Tử, vui vẻ ngóng thầy khen ngợi.
Nào ngờ, Khổng Tử lắc đầu thở dài bảo: “Tử Cống ơi, con có biết là con đã sai rồi không! Ôi, từ nay về sau, người nước Lỗ làm nô bộc ở nước ngoài sẽ chẳng có ai chuộc ra nữa rồi. Con không đi lĩnh thưởng để giữ gìn tiếng tăm, kẻ khác muốn chuộc nô lệ về lĩnh thưởng tất sợ bị điều tiếng thị phi. Vậy chẳng còn ai muốn chuộc nô lê người Lỗ về nữa rồi”.
Một học trò khác của Khổng Tử là Tử Lộ, một lần anh ta cứu được đứa bé suýt chết đuối. Bố mẹ đứa trẻ đem một con trâu đến cảm tạ, Tử Lộ nhận luôn chẳng chối từ.
Khổng Tử nghe chuyện mừng nói: “Từ nay về sau sẽ có nhiều người chết đuối được cứu rồi!”.
Quả nhiên như lời Khổng Tử, càng lúc càng ít người muốn chuộc nô lệ người Lỗ mà nước Lỗ rất nhiều người suýt chết đuối được cứu sống.
Phân tích:
Từ việc nhỏ suy ra việc lớn, từ cái trước mắt thấy được cái lâu dài, đó là người biết nhìn xa trông rộng. Thấy một hiểu mười, không bỏ qua cả những điều nhỏ nhặt mới là người sáng suốt. Chỗ hơn người của Khổng Tử chính là nắm bắt được biến hóa của sự vật, từ những biểu hiện nhỏ suy ra được cả hệ quả lớn. Cho nên chỗ sáng suốt của bậc thánh hiền là họ có thể tích lũy những suy nghĩ để xử lý các sự việc, xem xét được đầu mối của sự việc, người nhìn thấy những chỗ tiểu tiết, có thể phòng được những tai họa chưa xảy ra. Đối với tốc độ phát triển nền kinh tế thị trường trong xã hội chủ nghĩa, có được năng lực như vậy càng tỏ rõ tính quan trọng, rất nhiều nhân sĩ thành công mà sự thành công của họ chính là có được năng lực hơn người đó.