Từ xa xưa, hiếu học đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ông cha ta dù có nghèo khó cũng cố gắng để cho con đi học lấy chữ thành người và cũng có biết bao nhiêu tấm gương vượt nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập.
Họ trở thành những vị trạng nguyên xuất sắc nhất trong lịch sử Việt Nam. Dưới đây là những bậc trạng nguyên nổi tiếng nước ta:
1. Nguyễn Quán Quang - Trạng nguyên đầu tiên
(Ảnh minh họa)
Từng có ý kiến cho rằng Nguyễn Hiền là vị trạng nguyên đầu tiên của nước ta. Nhưng điều này chưa chính xác!
Năm 1247, nước ta mới có danh vị trạng nguyên và Nguyễn Hiền là trạng nguyên khoa thi năm này. Tuy nhiên, lịch sử khoa bảng lại tính Nguyễn Quán Quang là vị trạng nguyên đầu tiên bởi vì Nguyễn Quán Quang đỗ đầu khoa thi trước đó chỉ 1 năm (năm 1246).
Trạng nguyên Nguyễn Quán Quang - người Tam Sơn, huyện Từ Sơn, đỗ Trạng năm 1246.
Sinh ra trong một nhà nông nghèo, không đủ gạo tiền để theo học, nhưng với bản tính vốn ham học hỏi, Nguyễn Quán Quang thường lân la ngoài cửa lớp nghe thầy dạy bọn học trò trong làng học sách Tam tự kinh.
Nét chữ của cậu rất đẹp nên một ngày, thầy giáo vô tình nhìn thấy và đã phải thốt lên: “Đây mới chính là trò giỏi”. Nói rồi, thầy cho gọi Quán Quang vào lớp và thu nhận làm học trò của thầy.
Nguyễn Quán Quang nổi tiếng thông minh học một biết mười. Ông dự kỳ thi Hương, đỗ luôn giải Nguyên. Đến kỳ thi Hội lại đỗ luôn Hội nguyên. Khi vua Trần Thái Tông mở khoa thi Đại tỉ Thủ sĩ, ông trở thành Trạng nguyên.
2. Nguyễn Hiền – Trạng nguyên nhỏ tuổi nhất
(Trạng Nguyễn Hiền - Hình vẽ sách sử ký)
Trạng nguyên Nguyễn Hiền quê ở Nam Định. Ông cũng là người có hoàn cảnh đặc biệt: cha mất sớm, sống với mẹ trong căn nhà nhỏ bên cạnh một ngôi chùa.
Năng khiếu kỳ lạ về học tập, về trí thông minh của ông đã nhanh chóng được bộc lộ: dù chưa đến tuổi đi học, Nguyễn Hiền đã hiểu biết nhiều, giỏi đối đáp, học thức hơn người. Ông được suy tôn làm “Thần đồng xuất chúng”.
Năm 1247, khi vừa tròn 12 tuổi (tính theo tuổi ta là 13), Nguyễn Hiền đã thi đậu Trạng Nguyên, ông trở thành vị Trạng Nguyên trẻ nhất trong lịch sử Việt Nam.
3. Mạc Đĩnh Chi - Lưỡng quốc Trạng nguyên
(Mạc Đĩnh Chi - ảnh trên mạng)
Mạc Đĩnh Chi không chỉ là trạng nguyên của Đại Việt mà còn được phong làm "Lưỡng quốc Trạng nguyên" (Trung Hoa và Đại Việt) khi sang sứ Trung Hoa thời nhà Nguyên.
Ông chăm chỉ đọc sách, nghiền ngẫm nội dung, kể cả những lúc gánh củi đi bán. Không có sách học, thì mượn thầy mượn bạn. Không có tiền mua nến để đọc sách, thì Mạc Đĩnh Chi đốt củi, hết củi thỉ lấy lá rừng đốt lên để học.
Với nghị lực phi thường như vậy, chẳng bao lâu Mạc Đĩnh Chi đã nổi tiếng là thần đồng nho học. Khoa thi Giáp Thìn (1304), thi hội, Mạc Đĩnh Chi đỗ Hội nguyên, thi Đình, ông đỗ Trạng nguyên.
4. Lương Thế Vinh - Trạng Lường
(Trạng Lường Lương Thế Vinh - hình minh họa báo mạng)
Lương Thế Vinh là người Nam Định, từ nhỏ ông đã nổi tiếng về khả năng học mau thuộc, nhanh hiểu, và khả năng sáng tạo.
Chưa đầy 20 tuổi, tài học của Lương Thế Vinh đã nổi tiếng khắp vùng. Năm 23 tuổi, đời vua Lê Thánh Tông năm 1463, Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên khoa Quý Mùi.
Sau đó, ông làm quan 32 năm với biệt tài về ngoại giao, được nhà vua tin yêu, giao trọng trách soạn thảo văn từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài.
Ông dạy cho người đương thời từ phép cửu chương (tính nhân) tiến lên phép bình phương, cách đo bóng (đo bóng cây tính chiều cao của cây), hệ thống đo lượng đương thời (tiền, vải, thóc, gạo ...), toán đạc điền (đo đạc diện tích ruộng đất)...
Nhà bác học Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) đã hết lời ca ngợi Lương Thế Vinh, đánh giá ông là con người có tài kinh bang tế thế, một con người “tài hoa danh vọng vượt bậc”.
5. Nguyễn Thị Duệ - Nữ trạng nguyên duy nhất khoa cử phong kiến Việt Nam
(Nguyễn Thị Duệ - tranh vẽ minh họạ sách)
Bà Nguyễn Thị Duệ quê ở Hải Dương, sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo, có truyền thống hiếu học.
Bà đã phải giả trai để đèn sách đi thi đỗ thủ khoa, trong khi chính thầy dạy chỉ đỗ á khoa. Và bà trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất của khoa cử phong kiến Việt Nam khi mới 20 tuổi.
Trong ngày mở tiệc đãi các tân khoa, bà bị phát hiện là giả trai. Tuy nhiên, không những không bị kết tội mà còn được nhà vua hết mực khen ngợi.
Những bậc kỳ tài trên không chỉ là sự thông minh, mà còn là ý chí, nghị lực vô cùng lớn lao để vượt qua những gian nan, thử thách. Họ chính là những tấm gương sáng cho con cháu đời đời noi theo.
Nguồn: Tham khảo