Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 206 tại Paris, Pháp, ngày 16-4-2019, đã thông qua danh sách các hồ sơ để đề nghị Đại hội đồng UNESCO ra nghị quyết cùng kỷ niệm các sự kiện, nhân vật kiệt xuất. Theo đó, hồ sơ kỷ niệm 650 năm ngày mất của danh nhân Chu Văn An đã được thông qua cùng 48 hồ sơ khác từ 71 hồ sơ do 41 quốc gia đề cử. Như vậy, Việt Nam có bốn danh nhân kiệt xuất được UNESCO vinh danh.
UNESCO đã từng vinh danh các danh nhân kiệt xuất của Việt Nam trước đây nhân các dịp kỷ niệm: 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi (1980), 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990) và 250 năm ngày sinh Nguyễn Du (2015).
Chủ tịch Hồ Chí Minh Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất
Đối với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi nguồn cho niềm tin vào sự tất thắng của cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc và phồn vinh của nhân dân. Cuộc đời Người, tên Người đã trở thành biểu tượng toàn vẹn của một chiến sĩ cách mạng kiên trung, hết lòng tận tụy vì nước, vì dân. Người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho mục đích cao cả nhất: Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Và thời đại Hồ Chí Minh là một thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, là kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
Với bạn bè quốc tế, Người là biểu tượng của khát vọng hoà bình, đấu tranh chống áp bức, bất công. Trái tim và khối óc của Người luôn đồng lòng với nhân dân thế giới. Với khát vọng “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bằng những cống hiến về tư tưởng cũng như về thực tiễn chiến đấu giành độc lập cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần giải phóng các dân tộc bị áp bức, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã góp phần đặt nền tảng quan trọng cho sự hình thành tư tưởng về sự bình đẳng giữa các dân tộc và đồng thời là hiện thân sinh động về sự bình đẳng ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là nhà văn hóa kiệt xuất, nhà giáo dục lớn của nhân dân Việt Nam với những cống hiến lớn lao trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng và giáo dục các thế hệ con người Việt Nam mới, giúp cho mọi người Việt Nam ai cũng được học hành, từng bước nâng cao trình độ văn hóa của cả dân tộc. Sự nghiệp đó gắn liền với sự nghiệp vĩ đại giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh, luôn hướng về con người, hướng về dân tộc, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Tầm vóc của danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh còn thể hiện ở sự coi trọng, gìn giữ, phát huy truyền thống văn hoá lâu dài của mỗi dân tộc, mỗi gia đình, mỗi con người. Đó là sự dung hoà giữa việc khẳng định bản sắc mỗi dân tộc cũng như thúc đẩy hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau trong những sự khác biệt, đa dạng, là lòng nhân ái, vị tha, bao dung. Đó là sự đề cao việc rèn giũa, tôi luyện những đức tính trong cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân, từ những điều giản dị nhất cho tới những tri thức văn hoá tinh tế.
Vì đó, ở Chủ tịch Hồ Chí Minh người ta thấy “toát ra một nền văn hoá của tương lai, toát ra sự kết tinh những giá trị văn hoá cao đẹp của cả phương Đông và phương Tây”.
Nguyễn Trãi Anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất
Nguyễn Trãi (1380-1442), hiệu là Ức Trai sinh, quê ở Hải Dương. Ông là con cháu của một dòng tộc nhiều đời là võ quan cao cấp dưới nhiều triều đại. Trong đó, ông ngoại ông là Tư Đồ Trần Nguyên Đán - tôn thất nhà Trần, cha ông là danh sĩ Nguyễn Ứng Long tức Nguyễn Phi Khanh.
Những đóng góp của Nguyễn Trãi vô cùng lớn lao trong lịch sử của dân tộc. Ông là vị anh hùng, một nhà quân sự, chính trị và nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc. Tài năng của ông trải đều trên các lĩnh vực, được hậu thế kính phục.
Trước hết là ở sự nghiệp đánh giặc cứu nước vô cùng vẻ vang. Tư tưởng chính trị quân sự ưu tú và tài ngoại giao kiệt xuất của ông đã góp phần quan trọng giúp cho phong trào khởi nghĩa Lam Sơn đi tới thắng lợi. Đồng thời, Nguyễn Trãi cũng được coi là một nhà tư tưởng lớn của Việt Nam. Nét nổi bật trong tư tưởng Nguyễn Trãi là sự hòa quyện, chắt lọc giữa tư tưởng Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo (trong đó Nho giáo đóng vai trò chủ yếu), có sự kết hợp chặt chẽ với hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam, nhưng nổi bật hơn cả là tư tưởng anh hùng, yêu nước, thương dân.
Nguyễn Trãi là một trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Trãi còn là một nhà văn hóa kiệt xuất. Ông để lại rất nhiều trước tác văn chương, cả bằng chữ Hán, chữ Nôm và phong phú về thể loại, bao gồm nhiều lĩnh vực như: văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, lễ nghi... Những tác phẩm của ông được đánh giá là có cách lập luận sắc sảo, khúc triết, thấu tình đạt lý, có nhu có cương của một nghệ thuật viết chính luận bậc thầy. Ông cũng là người đặt nền móng cho văn học chữ Nôm của Việt Nam.
Các tác phẩm tiêu biểu của ông bao gồm: Chính luận: Quân trung từ mệnh tập, Bình ngô đại cáo (được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam sau “Nam quốc sơn hà”), Bài phú Chí Linh sơn...; Thơ: Ức trai thi tập (tiếng Hán), Quốc âm thi tập (tiếng Nôm)...; Lịch sử: Vĩnh lăng thần đạo bi...; Về địa lý: Dư địa chí - bộ sách về địa lý học cổ nhất còn lại của Việt Nam trong đó ghi chép lại những sản vật và con người nước ta thế kỷ XV...
Với những công lao và đóng góp vô cùng to lớn của ông trong lịch sử nước nhà, Nguyễn Trãi được xem như nguồn tư liệu quý cho các công trình nghiên cứu, các tác phẩm hội họa, văn học và nghệ thuật…
Danh nhân Nguyễn Du Đại thi hào dân tộc
Nguyễn Du (1765-1820), tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên, sinh tại Kinh thành Thăng Long (nay là thủ đô Hà Nội). Cha ông là Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm, quê ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, đã từng làm đến chức Tham Tụng (Tể tướng) dưới triều Lê.
Năm 1783, ông thi đỗ Tam trường. Ông từng giữ chức vụ như: Đông Các đại học sĩ, Cần Chánh Đại học sĩ (trong thời gian này ông được cử đi sứ Trung Quốc), Hữu Tam Tri Bộ Lễ...
Không chỉ là một “ngôi sao sáng” trên bầu trời văn học cổ Việt Nam, Đại thi hào Nguyễn Du còn được cả thế giới biết đến và công nhận. Tác phẩm “Truyện Kiều” của ông đã trở thành một tài sản văn học chung của thế giới.
Theo nhà Kiều học Trần Đình Tuấn trong hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh Nguyễn Du, có nhắc lại sự kiện Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi sang Việt Nam đã bắt đầu buổi nói chuyện với sinh viên bằng hai câu Kiều: Sen tàn cúc lại nở hoa/Sầu dài ngày ngắn Đông đà sang Xuân. Theo ông Tuấn, điều đó gắn với một thực tế là vài trăm năm qua, “Truyện Kiều” đi vào đời sống người dân Việt Nam mãnh liệt tới mức người ta có thể trích dẫn bất cứ câu Kiều nào để thay lời muốn nói, trong những văn cảnh điển hình.
“Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ra khỏi quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hóa nhân loại, ghi dấu văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. "Truyện Kiều" đã được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hy Lạp, Mông Cổ, Ả Rập, Nga...) với trên 60 bản dịch khác nhau. Tại mỗi quốc gia, tác phẩm để đời này đều được đón tiếp nồng nhiệt và đều có một đời sống riêng.
Bên cạnh tư cách một nhà thơ, Nguyễn Du còn là danh nhân có tinh thần tự hào dân tộc và tình yêu mãnh liệt với tiếng mẹ đẻ. Dũng cảm vượt qua rào cản nặng nề hàng ngàn năm của Hán văn để sáng tác bằng Việt văn. Nguyễn Du lần đầu tiên đưa tiếng Việt và ngôn ngữ Việt trở thành ngôn ngữ văn học chính thống của quốc gia.
Danh nhân Chu Văn An Người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc
Chu Văn An (1292-1370) tên thật là Chu An, tự là Linh Triệt, quê ở thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Được đánh giá là người thầy của mọi thời đại, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam, đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, với triết lý giáo dục nhân văn, không phân biệt giàu nghèo, học đi đôi với thực hành, học suốt đời để biết, để làm việc và cống hiến cho xã hội. Tư tưởng đó của ông không những có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người VN mà còn góp phần phát triển các giá trị nhân văn trong khu vực. Quan điểm giáo dục của ông có những giá trị tiến bộ vượt thời đại, gần gũi với mục đích giáo dục của thế giới hiện nay.
Là người chính trực, không màng danh lợi, nên khi thi đỗ Thái học sinh (tức Tiến sĩ) vào đời Trần Minh Tông (1314-1329), nhưng ông không ra làm quan mà trở về quê nhà mở trường dạy học - trường Huỳnh Cung. Trong số môn đệ của ông, có nhiều người thành đạt, làm quan lớn như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát - cả hai đều đỗ Thái học sinh và làm đến chức Hành khiển trong triều Trần. Họ không chỉ được ông dạy chữ thánh hiền mà còn được dạy về đạo đức của bậc trí nhân quân tử.
Tiếng tăm uy tín của trường Huỳnh Cung cũng như tư cách của thầy Chu Văn An ngày càng lớn và vua Trần Minh Tông đã cho mời ông đến Thăng Long giữ chức Tư nghiệp (tức Hiệu trưởng) tại Quốc Tử Giám và dạy học cho các Hoàng tử, trong đó có hoàng tử Trần Hiến Tông, sau này là vua Hiến Tông (trị vì từ năm 1329 đến năm 1341).
Chọn nghề giáo, nhưng Chu Văn An không sống lẩn tránh, quay lưng lại thời cuộc như đa số các văn sĩ thời bấy giờ. Ông nhập thế với ý thức của một trí thức Nho giáo rất rõ ràng, chỉ có điều bằng con đường riêng của mình – con đường dạy học, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Nhân cách nhà giáo Chu Văn An đã được lưu truyền trong sử sách Việt Nam từ đời này qua đời khác. Ngày nay, tưởng nhớ tới đạo đức và sự nghiệp của ông, nhiều nơi trong nước có di tích thờ phụng ông như: đền Thanh Liệt; đền Huynh Cung; đền Văn Điển; đền Phượng Sơn ở Chí Linh, Hải Dương, nơi ông về sống ẩn và dạy học, ở nơi đây có dựng cột đá khắc 8 chữ: "Chu Văn Trình tiên sinh ẩn cư xứ". Nhân dân Thủ đô Hà Nội cũng đã lấy tên ông để đặt tên cho một đường phố và một trường trung học lớn của Hà Nội. Đó là phố Chu Văn An và Trường phổ thông Trung học Chu Văn An.