Phải mất 2.600 năm để phá vụ án, nhưng các nhà Ai Cập học cuối cùng đã xác định được làm thế nào một người phụ nữ tóc xoăn, ưu tú từ Thebes cổ đại đã gặp kết cục như vậy.
Takabuti, 20 tuổi, đã bị sát hại trong một vụ tấn công bằng dao bạo lực, các nhà nghiên cứu từ Đại học Manchester ở Anh đã tuyên bố ngày 27/1, nhân kỷ niệm 185 năm ngày mở xác ướp lần đầu tiên vào năm 1835.
Một phân tích về xác ướp của Takabuti tiết lộ thêm nhiều bí mật của cô. Cô có hai điều hiếm gặp ở người: thừa một chiếc răng (33 chiếc thay vì 32 như những người khác) và có thêm một đốt sống phụ.
Takabuti là ai?
Mặc dù Takabuti đến từ Thebes cổ đại (Luxor, Ai Cập ngày nay), xác ướp của cô đã bị cuốn vào cuộc buôn bán xác ướp Ai Cập dữ dội sau Chiến tranh Napoléon.
Khi Thomas Greg, một người đàn ông Ireland giàu có, mua lại hài cốt của cô vào năm 1834 và đưa cô từ Ai Cập đến Belfast (thủ phủ và thành phố lớn nhất của Bắc Ireland), Takabuti là xác ướp Ai Cập đầu tiên được biết đến ở Ireland.
(Xác ướp Takabuti được mở ra vào năm 1835)
Theo Stair na hÉireann, một trang web mô tả chi tiết về lịch sử của Ireland, thì vào thời điểm đó, nhà Ai Cập học Edward Hincks (1792 – 1866) đã giải mã chữ tượng hình về trường hợp xác ướp. Ông Hincks phát hiện ra rằng người phụ nữ đã được đặt tên là Takabuti và tại thời điểm cô qua đời, cô đã kết hôn, ở độ tuổi 20 và là tình nhân của chủ một ngôi nhà lớn ở Thebes.
Bản dịch của nhà Ai Cập học Hincks cũng tiết lộ rằng cha của người phụ nữ là một linh mục phục vụ thần Mặt Trời, Amun.
"Có một lịch sử phong phú về thử nghiệm Takabuti kể từ khi cô ấy lần đầu tiên được mở ra ở Belfast vào năm 1835", Greer Ramsey, người phụ trách khảo cổ học tại Bảo tàng Quốc gia Bắc Ireland, cho biết. Trong những năm gần đây, xác ướp của Takabuti đã trải qua các lần quét bằng tia X, chụp CT, phân tích tóc và xác định niên đại bằng phản ứng với đồng vị carbon. Qua đó cho thấy cô sống vào khoảng năm 660 trước Công nguyên, vào cuối triều đại thứ 25.
Các xét nghiệm gần đây nhất mà cô trải qua là phân tích DNA và quét CT thêm. Các nhà nghiên cứu cho biết cả hai đều tiết lộ kết quả bất ngờ.
Phát hiện ngạc nhiên, thú vị
(Tiến sĩ Robert Loynes chuẩn bị nghiên cứu xác ướp)
Các phân tích DNA cho thấy Takabuti giống với người châu Âu về mặt di truyền hơn so với người Ai Cập thời hiện đại.
Ảnh chụp CT cho thấy trái tim cô vẫn còn nguyên vẹn và được bảo tồn hoàn hảo. Những lần quét này cũng tiết lộ cái chết dữ dội của cô: Dấu vết thương cho thấy Takabuti đã bị đâm ở lưng, gần vai trái.
"Người ta thường nhận xét rằng cô ấy trông rất yên bình khi nằm trong quan tài của mình, nhưng bây giờ chúng tôi biết rằng khoảnh khắc cuối cùng của cô ấy là nỗi đau đớn khi đã chết dưới tay của một người khác", Eileen Murphy, nhà nghiên cứu sinh học khảo cổ tại Trường Tự nhiên và Môi trường thuộc Đại học Queen, Belfast, chia sẻ.
Cụ thể, kết quả chụp CT cho thấy "Takabuti bị thương nặng ở phía sau thành ngực trên. Điều này gần như chắc chắn gây ra cái chết nhanh chóng của cô ấy. ", bác sĩ Robert Loynes, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình đã nghỉ hưu và là giảng viên danh dự tại Trung tâm Ai Cập Y sinh của Đại học Manchester, cho biết.
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm những phát hiện khác cũng rất quan trọng.
Việc trái tim của Takabuti còn nguyên vẹn cũng là điều cần phải lý giải. Bởi theo người Ai Cập cổ đại, trước khi ướp xác, con người sẽ bị lấy mất trái tim để người chết không bị quỷ Ammit ăn thịt, cản trở hành trình sang thế giới bên kia, TS Ramsey nói.
Các phân tích mới cũng làm sáng tỏ cuộc sống ở Ai Cập trong triều đại thứ 25, Rosalie David, một nhà Ai Cập học tại Đại học Manchester thông tin: "Nghiên cứu này giúp giới khảo cổ hiểu biết thêm không chỉ về Takabuti mà còn cả bối cảnh lịch sử, rộng hơn là thời đại mà cô ấy sống. Nó là cơ sở, ánh sáng dẫn đến những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử Ai Cập".
Nhóm nghiên cứu - bao gồm các nhà khoa học từ Bảo tàng Quốc gia Bắc Ireland, Đại học Manchester, Đại học Queen's Belfast và Bệnh viện tư nhân Kingsbridge - hiện đang viết một cuốn sách về những phát hiện của nó.
Công chúng có thể thăm quan xác ướp của Takabuti miễn phí trong phòng trưng bày Ai Cập cổ đại tại Bảo tàng Ulster ở Bắc Ireland.