Sử cũ cho hay, ngày 30 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (1497), vua Lê Thánh Tông băng ở điện Bảo Quang. Nhân ngày giỗ của vị vua sáng nhà Lê sơ, chúng tôi có vài dòng gọi là tri ân công nghiệp trong 37 năm trị vì của vị vua giỏi nước Việt.
(Hình tượng vua Lê Thánh Tông trên bìa sách Kể chuyện lịch sử Việt Nam bằng tranh - NXB Trẻ)
Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn về tiền nhân với tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ về một đấng quân vương được Đại Việt sử ký toàn thư điểm xét là: "Vua sáng lập chế độ, văn vật khả quan, mở mang đất đai, cõi bờ khá rộng, thực là bậc vua anh hùng tài lược, dẫu Vũ Đế nhà Hán, Thái Tông nhà Đường cũng không thể hơn được".
Đương thời xưng tụng, đời sau nể phục
Với công nghiệp trị nước của vua Lê Thánh Tông (1460-1497), đương thời trong Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại lời bình của sử thần Vũ Quỳnh về vua: "Vua tư trời cao siêu, anh minh quyết đoán, có hùng tài, đại lược, võ giỏi văn hay mà cái học của thánh hiền lại đặc biệt siêng năng, tay không lúc nào rời quyển sách. Các tập kinh, sử, các lịch, toán, những việc thánh thần, không có gì bao quát tinh thông. Văn thơ thì vượt trên cả những khuôn mẫu của các văn thần […] Người hiền tài chọn được nhiều hơn cả đời vua. Văn võ đều dùng, tuỳ theo sở trường của từng người. Vì thế, có thể sửa dựng chính sự, chế tác lễ nhạc, hiệu lệnh văn chương rõ ràng, có thể cho người sau noi theo".
Còn với tôi thần nhà Lê sơ, sau khi vua mất, đại diện là Thân Nhân Trung soạn bài tán ca ngợi công đức của đức hoàng đế quá cố.
Sử sách các đời sau hầu như đều xem thời trị vì của vua Lê Thánh Tông là một chuẩn mực mà noi theo. Dạo thời Nguyễn, cùng là kẻ ngồi ngai vàng trị nước, vua Tự Đức nhìn về tiền nhân cũng phải ngợi ca trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh là: "Lê Thánh Tông sáng lập chế độ mới mẻ, văn học và nhân vật bấy giờ rất khả quan; đất đai và bờ cõi nước nhà càng thêm rộng. Vào khoảng niên hiệu Quang Thuận và Hồng Đức, nước nhà trong ngoài đều vô sự, và hàng năm lúa thóc được mùa luôn, cho nên người ta gọi là đời thái bình thịnh trị vậy".
(Hồng Đức bản đồ)
Đến từ phương Tây xa xôi, nhưng khi tìm hiểu sử Việt, những tác giả người Pháp cũng không ngoài mẫu số chung mà nhìn nhận tốt đẹp về vua Thánh Tông. Như Alfred Schreiner trong Abrégé de l'Histoire d'Annam (Đại Nam quốc lược sử) đã không tiếc lời mà khen vua: "Vua nầy công bình, thông minh, oai nghiêm, và cần quyền lắm, người xem xét cùng quy chế mọi việc trong nước lại trúng cách, hơn các vì vương đế khác".
Lại để minh chứng cho sự tài giỏi của vị vua có niên hiệu Hồng Đức, Alfred Schreiner vẫn trong tác phẩm trên, đã dẫn ra hằng hà sa số những việc làm được của vị vua thứ tư nhà Lê sơ: Về hành chính, chia nước làm mười hai tỉnh; về quan chế làm cho nhiệm vụ các quan rõ ràng; về lãnh thổ lập "Hồng Đức bản đồ"; về sử có Ngô Sĩ Liên viết Đại Việt sử ký toàn thư; về nông nghiệp thì khuyến nông, khẩn hoang, khai sông…
Những điểm nhấn của vị vua sáng
Những lời xưng tụng, ngợi ca của đương thời cũng như hậu thế đối với vị vua lên ngôi sau loạn Lê Nghi Dân, không phải là lời hoa mỹ hay nói vống cho có đâu. Bởi nếu xét 37 năm làm vua của Lê Thánh Tông, những gì ông làm được cho triều đại, cho nước nhà, đáng để sử vàng, bia đá tạc ghi lắm. Mà thành tựu trị nước, không chỉ ở một lĩnh vực nào đó thôi đâu, công nghiệp của vua trải rộng khắp hết thảy mà trong phạm vi bài viết này, câu chữ không đủ để ta đi sâu mà nói ra cho hết được. Chúng tôi chỉ xin điểm xét qua mà thôi.
Trong lĩnh vực hành chính: Lần đầu tiên trong thời Lê sơ, vua cho đo đạc, vẽ bản đồ các đơn vị hành chính, đời sau biết đến là "Hồng Đức bản đồ" được vẽ năm Kỷ Sửu (1469); đồng thời chia đơn vị hành chính thành phủ, huyện, châu "nhằm đơn giản hóa việc hành chính và đồng thời tăng thêm quyền lực của nhà vua".
(Lê triều hình luật (Quốc triều hình luật))
Về quan chế, vua thực hiện việc cải cách khi đặt thêm sáu tự bên cạnh lục bộ để kết hợp làm việc, kiểm soát lẫn nhau. Trong dùng người, vua rất thẳng thắn và nghiêm khắc, không quá câu nệ tình riêng. Quan lại dẫu thân cận hay tài năng có lỗi lệch là bị nghiêm phê. Thế nên mới có trường hợp Trạng Lường Lương Thế Vinh từng được bộ Lại tiến cử với vua năm Đinh Hợi (1467) nhưng bị gạch khỏi danh sách những người tài năng, cương trực được tiến cử; Ngô Sĩ Liên dẫu là sử quan giỏi từng bị chê trách;…
Lại để cho việc trị nước được nghiêm, có quy chế, luật lệ ràng buộc nhân dân, vua cho soạn Quốc triều hình luật, rồi sau thêm Thiên Nam dư hạ tập bổ sung giúp duy trì trật tự xã hội, bảo vệ quốc gia và vương quyền. Trong đời mình, vua cũng chú ý xây dựng quân đội theo chính sách "ngụ binh ư nông" của tiền nhân. Không những thế còn thân dẫn quân bình Chiêm, mở rộng cương giới quốc gia năm Tân Mão (1471).
Việc chính trị, quân sự giỏi là thế, vua còn tỏ ra toàn tài khi là người siêng đọc sách, giỏi văn thơ, lập ra Tao Đàn gồm 28 văn nhân giỏi đương thời do vua làm "Thiên Nam động chủ". Di sản thơ văn của hội thơ này và của vua còn để lại như Quỳnh uyển cửu ca, Hồng Đức quốc âm thi tập… Vua còn là người giải oan cho Nguyễn Trãi, góp phần khôi phục lại danh tiết và thơ văn của vị công thần bị chết vì án oan.
Hoặc như trong việc sử dụng người tài, vua cũng là tiêu biểu khi chú trọng chọn nhân tài qua khoa cử. Trong 31 khoa thi tiến sĩ thời Lê sơ, chúng tôi thống kê được riêng thời vua là 11 khoa với số tiến sĩ được ghi danh là 502. Chiếm hơn 1/2 số lượng tiến sĩ thời Lê sơ. Những tên tuổi Thân Nhân Trung, Lương Thế Vinh, Quách Đình Bảo… còn để lại tiếng tốt trên đời đều ở thời vua mà ra cả. Lại không để sót nhân tài, ngoài chính sách khoa cử, tiến cử, tập ấm đã thành lệ, vua còn là người mở đầu cho lệ bảo cử theo đó lấy người có danh vọng và đạo đức tốt để bổ nhiệm vị trí cao…
Chỉ dăm ba việc điểm qua thôi, ta đã thấy tài năng toàn diện "Văn giáo rộng ban/Vũ công đại định" được hiển hiện trong việc trị nước của vua Lê Thánh Tông trong 37 năm ngồi bệ rồng. Để từ đó, vua làm gương sáng cho các quân vương về sau. Còn hậu thế đến nay, nhớ về thời Lê sơ thịnh trị, không thể không nhắc đến đỉnh cao của chế độ nhà Lê sơ với dấu ấn của Lê Thánh Tông.