12 nét văn hoá đẹp nhất ngày Tết Nguyên Đán của người Việt Nam

12 nét văn hoá đẹp nhất ngày Tết Nguyên Đán của người Việt Nam
28.01.2021 3457
Đối với người Việt, tết cổ truyền không chỉ thiêng liêng, mà còn là những ngày trọng đại nhất trong một năm. Dù thành thị hay nông thôn, miền núi hay miền xuôi, đất liền hay đảo xa, trong nước hay mưu sinh trên toàn thế giới, cứ Tết đến xuân về là mỗi người lại nhớ về quê hương nguồn cội. Tết cổ truyền đã trở thành một nét đẹp văn hóa, một lẽ sống bản ngã tự nhiên in sâu vào tâm thức người Việt. Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết, Tết cổ truyền, Tết âm lịch) được coi là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt và các nước theo lịch âm lịch. Đây là dịp gia đình đoàn tụ, con cháu quây quần, sum vầy và có rất nhiều nét đẹp văn hóa được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Dưới đây là 12 nét văn hóa đẹp nhất trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt Nam.

1. Thăm mộ tổ tiên

Hằng năm, cứ từ khoảng 20 tháng chạp đến chiều 30 Tết, mỗi gia đình Việt Nam lại thực hiện nghi thức tảo mộ. Trong quan niệm của người dân, khi năm mới đến, mọi thứ đều phải được sửa sang cho mới mẻ, kể cả với những người đã khuất.

Thăm viếng phần mộ tổ tiên cũng là nét đặc trưng của văn hóa cổ truyền, một tục lệ trong “đạo thờ ông bà” của dân tộc ta vốn từ lâu đã trở thành truyền thống.

Tục tảo mộ cuối năm ngoài là một phong tục phổ biến của người dân Việt Nam trong dịp Tết Nguyên Đán, còn là nét đẹp mang tính dòng tộc rõ nét. Thăm nom và sửa sang phần mộ tổ tiên được ghi rõ ràng và cụ thể trong gia phả như một truyền thống tốt đẹp của dòng họ, để cho con cháu sau này nối tiếp, theo đó mà thực hiện.

Nó thể hiện nét đẹp của đạo "hiếu" trong văn hóa Việt Nam, thắt chặt tình yêu thương, đoàn kết giữa những người còn sống với nhau và giữa những người còn sống với những người đã khuất như câu nói:

"Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn"

Tảo mộ sửa sang, chăm sóc mộ phần của tổ tiên và người thân cũng là thể hiện tình cảm của con người biết hướng về nguồn cội của mình, tổ tiên, ông bà mình mà nhờ đó mình mới được làm người, mình mới có mặt trên đời và được các cụ phù hộ cho trong năm mới sắp tới.

2. Trang trí, sửa soạn nhà cửa

Mỗi dịp Tết đến xuân về, nhà nhà đều dọn dẹp lại nhà cửa thật đẹp sao cho đúng không khí của ngày Tết. Tất cả các đồ vật, chén, bát, bàn ghế, ban thờ... đều được đem ra sửa soạn, lau sạch sẽ và bày biện hợp lí. Công việc dọn dẹp ngày Tết có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị tiễn năm cũ, đón năm mới đang tới, cái gì cũng phải mới.


Cả gia đình cùng nhau trang trí nhà cửa đón Tết. Ảnh: Internet

Việc trang trí lại nhà cửa có thể theo từng lối sống và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Nhưng thông thường trên tường nhiều gia đình sẽ treo những câu đối hoặc tranh Tết, trong nhà sẽ đặt các lọ hoa hoặc chậu hoa với đủ màu sắc mang hơi thở của mùa xuân như: Hoa đào, hoa mai, quất cảnh, cúc vàng, hoa hồng... Bên cạnh đó là mâm ngũ quả được bày trí cẩn thận để lên thắp hương trên bàn thờ.

3. Gói bánh chưng, bánh tét

Trong xã hội hiện đại ngày nay có nhiều truyền thống đã bị mai một nhưng có một giá trị truyền thống vẫn luôn được lưu giữ đó là tục lệ gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết.

Đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu được vào mỗi dịp Tết đến thể hiện sự gắn kết, sum vầy khi các thành viên trong gia đình quây quần bên nồi bánh luộc đang bốc khói nghi ngút ấm cúng.


 Những chiếc bánh chưng xanh, được gói vuông vắn. Ảnh: Internet

Đây cũng là việc giữ gìn và phát huy trí sáng tạo của cha ông từ ngàn thời xưa, thể hiện tấm lòng uống nước nhớ nguồn đối với cha ông, khi Hùng Vương thứ 6 quyết định chọn bánh chưng của Lang Liêu làm lễ vật tế tổ tiên.

Bánh chưng là món bánh Tết đặc trưng của các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Tại các tỉnh miền Nam, món bánh phổ biến trong những ngày Tết là bánh tét. Tuy khác nhau về tên gọi (bánh chưng, bánh tét), hình dáng (một loại hình vuông, một loại hình trụ tròn), lá gói (một loại gói lá dong, một loại gói lá chuối) nhưng hai loại bánh đều có những điểm chung nhất định như nguyên liệu đều là gạo nếp, thịt lợn, nhân đỗ xanh.

Với sự phát triển của xã hội hiện đại, nhiều gia đình không còn gói bánh chưng, bánh tét nữa mà đặt mua theo yêu cầu. Cả bánh chưng và bánh tét ngày nay đều trở nên phong phú về kích cỡ và hương vị để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Bạn có thể lựa chọn cho mình các loại bánh từ to đến nhỏ, vị mặn hay ngọt, nhân thịt hay nhân chay dành cho người ăn chay rất đa dạng.

4. Cúng ông Công, ông Táo

Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người dân Việt nam lại chuẩn bị sửa soạn mâm cơm cúng, tiễn ông Công, ông Táo về trời. Đây là nét văn hóa đặc sắc của người Việt được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt, sự tích ông Công, ông Táo có nguồn gốc từ ba vị thần là Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kì của Lão giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành sự tích hai ông, một bà đại diện cho thần đất, thần nhà và thần bếp núc.


Mâm cơm cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: Internet

Người Việt tin rằng 23 tháng Chạp hàng năm là ngày Táo Quân cưỡi cá chép lên trời để trình báo mọi việc làm ăn, cư xử xảy ra trong gia đình dưới hạ giới với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm giao thừa, Táo Quân mới trở lại nhân gian trông coi việc bếp lửa của mình.

Do vị thần bếp biết hết những chuyện hay dở của mình, nên để Táo Quân phù hộ nhiều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn ông công, ông Táo rất cẩn thận. lễ vật có thể bao gồm: Ba bộ quần áo Táo Quân cùng tiền vàng, mâm cỗ mặn, bánh kẹo, cá chép sống hay bằng giấy... Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ... tùy theo khu vực sinh sống.

5. Thú chơi hoa và sửa soạn mâm ngũ quả

Bên cạnh việc ăn Tết thì việc thưởng thức vẻ đẹp của hoa, thú chơi hoa tao nhã ngày Tết cũng là một nét đẹp văn hóa đã có từ rất lâu. Đây là điều thú vị, trang nhã và thanh tao trong ngày Tết. Hai loại hoa đặc trưng cho ngày Tết là đào miền Bắc và mai miền Nam.

Đây là hai loại hoa phổ biến nhất trên cả nước mà hầu như nhà nào cũng chưng ngày Tết. Bên cạnh đó các loại hoa để thờ cúng và trang trí ngày Tết rất được ưa chuộng như: Hoa cúc, hoa hồng, hoa lan, hoa đồng tiền... đã góp phần tô điểm cho mùa xuân thêm lung linh sắc màu. Những loài hoa đã góp phần làm cho ngày Tết thêm tươi vui, tạo cảm giác ấm áp cho ngày sum họp gia đình.


Hình ảnh minh hoạ mâm ngũ quả ngày Tết. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó các loại cây cho trái cũng được dùng để trang trí làm đẹp cho không gian Tết như: Cây quất cảnh, quýt cảnh, bưởi tạo hình... Đây là loại các loại cây được tạo kiểu dáng cầu kì, cành lá xanh tươi, quả mọng ngọt căng tràn, vàng bóng bẩy thể hiện sự trù phú, mong muốn cho một năm mới ăn nên làm ra, nhiều tài lộc, thành quả tốt.

Cùng với thú chơi hoa, các gia đình Việt còn quan tâm đến việc bày trí mâm ngũ quả trên bàn thờ. Các loại trái cây thể hiện mong muốn của gia chủ cho một năm mới an lành. 5 loại quả theo quan niệm của người xưa là ngũ hành tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi.

Tuy người miền Bắc không có quan điểm khắt khe về việc chọn mâm ngũ quả, hầu như quả nào cũng bày được thì người miền Nam lại có sự kiêng kị những loại quả có tên mang ý nghĩa xấu như: Cam - cam chịu, lê - lê lết... và không có vị đắng, cay.

6. Bữa cơm tất niên

Đối với những gia đình Việt có con cháu học tập hay làm việc ở xa thì Tết chính là một dịp đặc biệt nhất trong năm để đoàn tụ gia đình. Đây là nét văn hóa đặc trưng của người dân Việt Nam thể hiện sự đoàn kết, yêu thương của những người cùng một gia đình hay người thân quen.

Bữa cơm tất niên thông thường được tổ chức vào chiều 30 Tết. Lúc này mọi thứ và công việc đã xong xuôi, cả nhà cùng nhau quây quần bên mâm cơm ấm áp ngày cuối năm. Trong khói hương trầm phảng phất, cả gia đình cùng ngồi ăn cơm và trò chuyện.

Mâm cơm ngày tất niên có đủ các món ăn mang đậm hương vị ngày Tết như: Bánh chưng, giò, dưa hành... Câu chuyện xoay quanh bữa cơm tất niên là việc con cháu báo cáo với ông bà những việc đã làm trong năm, ông bà cha mẹ nhắc nhở con cháu chuyện học hành, làm ăn đến lễ nghĩa, tình cảm, nhắc nhở con cháu những ngày tới đi chúc Tết họ hàng...

Đây cũng là bữa cơm để con cháu thể hiện tấm lòng tôn kính, hiếu thảo với những ngư­ời đã khuất trong gia đình. Bữa cơm tất niên là lễ cúng xúc động nhất của mỗi gia đình Việt. Sau một năm làm lụng vất vả, mưu sinh, những người con xa quê lại trở về quây quần quanh mâm cơm tất niên, kể cho nhau nghe chuyện đời, chuyện nghề, chuyện mưu sinh khó nhọc.

Dù mâm cỗ cuối năm đầy đủ cao sang, hay nghèo khó, thì mỗi người vẫn đong đầy tình yêu thương. Mỗi địa phương nghi thức cúng khác nhau, nhưng dù người Bắc hay Nam, người miền Trung hay miền Tây sông nước, bữa cơm tất niên bao bao giờ cũng trân trọng, nghĩa tình. Bao giận hờn, oán trách được trút bỏ; bao mưu sinh nhọc nhằn gác lại vào dĩ vãng; chúc nhau bước sang một năm mới sức khỏe, làm ăn phát đạt, cuộc sống an lành, gặp nhiều may mắn.

7. Lễ đón giao thừa

Lễ đón giao thừa được coi là thời điểm linh thiêng và quan trọng nhất trong năm của mọi gia đình. Giây phút thiêng chào đón thời khắc trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật và chúng sinh có thêm năng lượng tạo xây sức sống mới cùng biết bao hy vọng, cầu mong về một năm mới an khang, mùa màng tươi tốt, con người bình yên may mắn và thành đạt, được thể hiện qua các hành vi thực hành nghi lễ trang trọng trước ban thờ tổ tiên và các thần linh.


Thời khắc linh thiêng, chuyển giao năm mới và năm cũ được thắp sáng bởi pháo hoa. Ảnh: Internet

Nét đẹp văn hóa từ giây phút giao thừa như muốn thể hiện ý nghĩa biểu trưng cho truyền thống hiếu kính với các bậc tiền nhân trong quá khứ với các bậc sinh thành trong hiện tại và bộc lộ lời nguyện cầu về một năm mới tốt lành, an khang thịnh vượng cho con cháu. Cũng xuất phát từ thời điểm giao mùa linh thiêng này con cháu từ khắp các gia đình lại tỏa ra bốn phương, ríu rít bên nhau hành hương đến các điểm tâm linh, xin lộc, xin hoa, cầu phúc, cầu tài, hướng về năm mới với biết bao hy vọng tốt đẹp.

Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới trong ngày 30 Tết được coi là thời điểm quan trọng trong năm và thường được gọi là giao thừa. Trong khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng và hân hoan của lòng người, người dân Việt Nam trên khắp mọi nơi không quên các hoạt động chào đón thời khắc đất trời giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới.

Ý nghĩa của lễ cúng giao thừa là cầu nguyện cho gia đình một năm mới với nhiều điều may mắn, tốt lành, bình an. Nó cũng thể hiện truyền thống hiếu kính với các đấng sinh thành, kế thừa và tôn trọng các yếu tố tâm linh từ ngàn đời xưa (thiên binh, thiên tướng, ông địa).

Hoạt động đón giao thừa diễn ra phổ biến nhất trên cả nước đó là bắn pháo hoa. Vào thời khắc giao thừa, các địa phương trên toàn quốc đều tổ chức màn bắn pháo hoa hoành tráng kéo dài 15 phút ở nhiều địa điểm.

Ý nghĩa của hoạt động này là kết thúc năm cũ, hi vọng cho một năm mới làm ăn thịnh vượng, nhiều may mắn, tài lộc và hạnh phúc. Hoạt động này thu hút rất đông các bạn trẻ và các gia đình. Họ trao nhau những cái nhìn trìu mến, những nụ cười hạnh phúc dưới pháo hoa như một lời ước hẹn gắn bó, yêu thương và luôn bên nhau như phút bắt đầu cho đến phút kết thúc của 1 năm hay 1 cuộc đời.

8. Chúc Tết, mừng tuổi

Chúc Tết, Mừng tuổi
: Là một nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt. Chẳng ai nhớ tục mừng tuổi chính thức có từ thời gian nào, song trải qua thăng trầm của lịch sử nó đã trở thành nét đẹp nhân sinh hướng thiện trong tâm thức mỗi người. Chúc tết và mừng tuổi không nhất thiết lễ nhiều vật trọng đắt tiền mà chủ yếu mang tinh thần tượng trưng. Có thể là đồng tiền mới giá trị không cao, cũng có thể là bao chè, đồng bánh chưng, tấm áo mới.


Ông bà mừng tuổi con, cháu. Con, cháu chúc Tết ông bà. Ảnh: Internet

Con cái chúc tết mừng tuổi bố, mẹ ông bà thể hiện sự hiếu nghĩa, quí trọng, đáp đền công ơn sinh thành dưỡng dục, sống khỏe, sống lâu. Ông bà, bố mẹ chúc tết, mừng tuổi con cháu thể hiện sự yêu thương đùm bọc, mong học hành tiến bộ, ngoan ngoãn và trưởng thành. Người thân, hàng xóm chúc tết mừng tuổi nhau thể hiện mối quan hệ tôn trọng, thân cận, giao hòa trong cuộc sống. Chúc tết, mừng tuổi cũng là dịp để mỗi người thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, động viên nhau, gạt bỏ những tật hư, việc xấu, điều gở, bước sang một năm mới với tinh thần phấn chấn. Ba ngày đầu năm mới được coi là ba ngày quan trọng nhất. Vào những ngày này mọi công việc đều được gác lại. Người người nhà nhà sẽ đi về nội, ngoại thăm hỏi ông bà, cha mẹ cũng như họ hàng hai bên, người thân và thầy cô giáo. Con cháu nói những lời chúc sức khỏe và tốt lành đến ông bà, cha mẹ, thầy cô và những người lớn tuổi. Người lớn sẽ chúc lại các cháu và kèm theo đó là lì xì cho tuổi mới thêm sức khỏe và may mắn, niềm vui.

Chúc Tết thực sự đã trở thành nếp sống, truyền thống bao đời của người Việt vào dịp Tết. Nó thể hiện lòng hiếu thảo, sự tri ân của các thế hệ sau với ông bà, cha mẹ và thầy cô, đúng với truyền thống "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc từ ngàn đời.

9. Xông đất

Xông đất đầu năm là phong tục được cha ông ta lưu truyền từ rất lâu cho đến nay vẫn còn được duy trì thực hiện. Người ta tin rằng người xông đất đầu năm có ảnh hưởng đến vận mệnh của gia chủ trong cả năm đó nên người xông đất được coi là khá quan trọng. Tuy nhiên xông đất không có một chuẩn mực chung hay quy phạm chung nào trên cả nước. Thời điểm xông đất là sau thời khắc giao thừa trở đi. Những gia đình Việt Nam không quá cầu kì thì cũng luôn mong muốn người xông đất là người vui vẻ, rộng rãi để gia đình có một năm may mắn, sung túc.

Tại những gia đình kinh doanh, giao thiệp nhiều... người ta rất chú ý đến vấn đề này. Người xông đất là người đầu tiên đặt chân đến gia đình, là nam giới (theo quan điểm nam giới là trụ cột gia đình), trang phục không quá cầu kì nhưng đảm bảo sạch sẽ gọn gàng, mang theo những lời chúc tốt đẹp, nụ cười thật tươi biểu hiện cho một năm mới nhiều niềm vui, thịnh vượng.

Người ta cũng chú ý đến tuổi của người xông đất. Ngũ hành của gia chủ và người xông đất phải tương hợp hay tránh rơi vào tứ hành xung theo quan điểm duy tâm. Người Việt cũng không muốn những người có đạo đức kém, tiền án, tiền sự, những người đang có tang hay chuyện buồn gia đình đến xông đất vì quan niệm năm mới mọi thứ phải mới mẻ và vui vẻ. Xông đất được coi là nét văn hóa đặc trưng ngày Tết mà trên khắp cả nước hiện nay vẫn lưu truyền và tin tưởng. Nó thể hiện khát vọng và niềm tin của người Việt vào một ngày mai tốt đẹp, may mắn, thịnh vượng hơn.

Tục xông đất và trao quà mừng tuổi cũng là nét đẹp văn hóa của người dân Việt vào buổi sớm đầu năm. Tuân thủ những “phép tắc” bất thành văn từ quá khứ cha ông, con cháu hiện thời chọn mời người xông đất hợp tuổi hợp mệnh, cầu chúc năm mới may mắn, sung túc trong mọi hoàn cảnh, ăn nên làm ra, học hành tấn tới.

10. Xin chữ, câu đối đầu xuân

Ngày đầu năm đến bất kỳ di tích lịch sử văn hóa nào ở các thôn quê đều dễ dàng bắt gặp cảnh tượng quây quần xin chữ. Đó là nét đẹp văn hóa mang ý nghĩa xã hội rộng lớn, thể hiện cho truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay.

Từ lâu phong tục xin chữ, câu đối đầu xuân đã trở thành nét đẹp văn hóa không thể thiếu trong những ngày đầu xuân mới tại Việt Nam. Đây là một nét đẹp văn hóa, là món quà mang ý nghĩa xã hội biểu hiện cho truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa của dân tộc Việt Nam ta.

Hình ảnh ông đồ già với bút lông, nghiên mực, giấy đỏ đang tập trung viết những nét chữ thanh thoát "như rồng múa phượng bay" không còn xa lạ với bất kì người Việt nào khi dịp xuân về.


Hình ảnh các bạn nhỏ đang xin chữ từ ông đồ. Ảnh: Internet

Mỗi nét chữ như là một lời nhắn gửi của các thế hệ cha ông đối với thế hệ sau về việc gìn giữ thú chơi tao nhã, trí thông minh, sáng tạo, nét tài hoa trong mỗi con chữ. Xin chữ treo trong nhà đầu năm là một việc làm quan trọng với mỗi gia đình từ xa xưa, treo chữ gì trong nhà thể hiện bản sắc của mỗi gia đình, cũng là thể hiện những mong ước trong năm mới. Nó như một món ăn tinh thần mang đậm bản chất văn hóa của một đất nước hiếu học, coi trọng đạo thánh hiền mà chúng ta cần trân trọng và bảo tồn.

Hiện nay việc xin chữ hay câu đối đầu xuân không diễn ra rộng khắp mà chỉ tập trung tại một số địa điểm nhất định tại mỗi tỉnh thành phố. Tuy nhiên bạn cũng không cần băn khoăn xin chữ ở đâu, nơi bạn có thể thỏa sức chìm đắm trong thư pháp, xin cho mình những câu chữ ý nghĩa và quy tụ nhiều ông đồ nhất cả nước là phố Văn Miếu (Hà Nội).

11. Đi lễ chùa đầu năm

Phần lớn người dân Việt Nam đi lễ chùa theo truyền thống gia đình. Từ đời này qua đời khác, với những nhà theo đạo Phật từ lâu thì việc đi lễ chùa đã trở thành một hoạt động thường ngày.

Bất cứ ai khi đến chùa đều mong tìm sự bình an cho gia đình, nghiệm ra những Nhân quả thông qua giáo lý nhà Phật. Từ đó có thể dạy lại cho con cháu sống tốt hơn, hướng thiện hơn. Về nơi cửa Phật, giữa không gian thanh tịnh, mùi khói nhang, sắc màu của đèn hoa, mỗi chúng ta sẽ cảm thấy lòng mình trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn.


Phong tục lễ chùa đầu năm của người Việt. Ảnh: Internet

Phong tục đi lễ chùa trong những ngày đầu của năm mới là một nét đẹp văn hóa tâm linh trong đời sống mỗi người Việt. Đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để cầu xin một năm mới may mắn, phúc lộc và tỏ tấm lòng thành kính của mình đối với đức Phật, tổ tiên. Tục lệ đó đã qua hàng ngàn năm được coi như một nét đẹp văn hóa ẩm thực truyền thống, mang bản sắc văn hóa vùng, miền, tưởng như không thể nào thiếu được.

12. Hái lộc

Sau thời khắc giao thừa thường nhiều người Việt đến các ngôi chùa để hái lộc, xin lộc đầu năm. Hái lộc đầu năm là phong tục bẻ cành cây (cành lộc) mang về nhà để lấy may mắn, được diễn ra vào dịp Tết Nguyên Đán, trong những ngày đầu năm mới. Những Cành lộc là một cành đa nhỏ hay cành đề, cành si,.. đây thường là những loại cây quanh năm tươi tốt và nảy lộc.

Lộc là nụ đầu tiên, mầm non mới nhú. Cành lộc được mang về, treo trước hiên nhà hoặc cắm vào bình hoa, treo ở gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ, hay có ý báo là đã rước phúc lộc về nhà. Trong ngày Tết thì chúng ta thường thấy nhiều người đi chùa hái lộc hay đền thờ,... Bởi cũng dễ hiểu hái lộc ở nơi đền chùa linh thiêng mang ngụ ý xin được hưởng chút lộc của Thần, Phật ban cho để cả năm thuận lợi. Hái lộc đầu xuân là nét đẹp truyền thống trong năm mới của người Việt. Đây cũng là một nét văn hóa đẹp có từ lâu đời của người Việt ta.

Bài viết tham khảo từ Toplist.vn
Tin chọn lọc khác
Vũ trụ theo bách khoa toàn thư
29.01.2024 2222
Trước người Hy Lạp: người Babylon, người Ai Cập và người Trung Quốc quan sát bầu trời và hiểu được sự chuyển động của các hành tinh và tiên đoán được các hiện tượng thiên thực (như: nhật thực, nguyệt thực...) Thế nhưng hệ thống vũ trụ của họ còn ngây thơ và đầy rẫy những yếu tố thần thoại. Người Babylon coi vũ trụ có hình vòm, Trái đất trôi nổi trên đại dương, còn người Ai Cập cho rằng sông Nile là một nhánh của đại dương, và Mặt trời cũng trôi nổi trên đại dương như một con thuyền...
Voi châu Phi - loài voi sắp tuyệt chủng
24.01.2024 1907
Voi châu Phi, thuộc chi Loxodonta, bao gồm hai loài: voi rừng châu Phi và voi đồng cỏ châu Phi. Hóa thạch của các loài Loxodonta đã được khai quật ở châu Phi, có niên đại từ thời kỳ Pliocene giữa. Theo các báo cáo, loài voi châu Phi đã xuất hiện khoảng 60 triệu năm trước. Vào năm 1500, châu Phi có hơn 25 triệu con voi. Tuy nhiên, vào năm 1900, con số này đã giảm xuống còn khoảng 10 triệu, và vào năm 1979, chỉ còn 1,3 triệu. Trong thập kỷ 1970 và 1980, dân số voi châu Phi giảm mạnh, đến giữa những năm 1990, con số này đã giảm xuống dưới 300.000. Và đến hiện nay, voi rừng châu Phi đang có nguy cơ tuyệt chủng vì số lượng giảm đáng kể do tệ nạn săn bắt. 
Tết nên uống gì để có một làn da khỏe mạnh
16.01.2024 2085
Tết là dịp để chúng ta thưởng thức vô vàn những món ăn từ truyền thống cho đến hiện đại. Là dịp để chúng ta tham gia vào những bữa tiệc thịnh soạn với nhiều món ăn bổ dưỡng, nhiều năng lượng … Tết còn là “thiên đường” của các loại đồ uống, nước đóng chai, nước có ga.
Sông Hằng - Đời sống tâm linh của người Ấn
08.01.2024 2012
Tên của sông Hằng được đặt theo tên vị nữ thần Hindu Ganga. Lưu vực của sông rộng 907.000 km², một trong những khu vực màu mỡ và có mật độ dân số lớn nhất thế giới. Ở Ấn Độ, sông Hằng không chỉ là một con sông. Đó còn là đại diện của tôn giáo, công nghiệp, nông nghiệp và chính trị.
Giáp Thìn 2024 này làm gì để may mắn, tài lộc cả năm
26.12.2023 2062
Tết Nguyên Đán, còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, hoặc Tết Âm lịch, là một trong những lễ hội quan trọng nhất của khu vực Đông Á. Đây là dịp chào đón năm mới theo Âm lịch, được ăn mừng long trọng tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Bắc Triều Tiên, Singapore, Malaysia, Indonesia và đặc biệt là Việt Nam.
Điển tích điển cố Ngưu Lang Chức Nữ
25.10.2023 2652
Theo đó, ngày xưa dưới hạ giới có chàng chăn bò trẻ tuổi tên là Ngưu Lang. Vì quá say mê một tiên nữ phụ trách việc dệt vải là Chức Nữ nên Ngưu Lang đã bỏ bê việc chăn trâu, để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư.
Tà áo dài Việt Nam đã phát triển đến bây giờ như thế nào ?
19.10.2023 2576
Áo dài Việt Nam, vẻ đẹp lịch sử của nó đã đi vào lòng người và được yêu mến không chỉ bởi sự tinh tế, thanh lịch mà nó mang đến, mà còn bởi câu chuyện và hình ảnh của nó qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Trong dịp chào mừng ngày 20/10, hãy cùng khám phá vẻ đẹp và tính lịch sử của tà áo dài Việt Nam, biểu tượng về sự kiêu hãnh và tự hào về văn hóa dân tộc và đất nước.
Bạn đã xem thượng cờ Lăng Bác bao giờ chưa ???
04.10.2023 2648
Cảnh thượng cờ trước Lăng Bác là một hình ảnh đặc trưng của Hà Nội, nếu một lần đặt chân đến đây mà bạn bỏ lỡ khoảnh khắc thiêng liêng này chắc chắn bạn sẽ tiếc nuối.
Top những sách viết về Hà Nội
19.09.2023 2543
Hà Nội, thủ đô của Việt Nam, là một nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều tác phẩm văn học. Hãy cùng khám phá những tác phẩm tiêu biểu viết về Hà Nội để cùng hiểu rõ hơn về thủ đô nghìn năm văn hiến của chúng ta.
Văn hóa uống cà phê ở Ý
12.09.2023 2809
Văn hoá cà phê ở Ý là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân nước này. Cà phê không chỉ là một loại đồ uống, mà còn là một phong cách sống và một cách để kết nối với gia đình và bạn bè.
Không gian tri thức, sách, cafe độc đáo giữa lòng Hà Nội, Sài Gòn!
22.11.2022 3847
Mô hình cafe dường như không còn mới tại Việt Nam những năm gần đây nhưng mô hình quán cafe đẹp kết hợp thư viện sách cộng đồng miễn phí với hàng ngàn tên sách chất lượng có lẽ là lần đầu có mặt ở Việt Nam.
Tranh Đông Hồ và ý nghĩa những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng
13.09.2022 4582
Dòng tranh Đông Hồ có nội dung và hình thức biểu đạt rất phong phú, chủ yếu đi sâu miêu tả tính chân thực cuộc sống sinh hoạt, lao động sản xuất đời thường trong mối quan hệ giữa người với người, và giữa người với thiên nhiên thể hiện tính nhân quả cầu an, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài. Tính triết lý của tranh Đông Hồ rất sâu sắc vừa vui tươi dí dỏm, hóm hỉnh vừa sâu cay nửa hư nửa thực mang tính trừu tượng.
Ra mắt tác phẩm tiểu thuyết chiến tranh đặc sắc "Hương"
22.08.2022 4821
Nội dung cuốn sách Hương của tác giả Nguyễn Thụy Kha đã tái hiện lại cuộc đời của một người lính tên Lĩnh, một người giáo viên trẻ mới vào nghề đã xung phong vào chiến trường khốc liệt. Tại mảnh đất Quảng Trị mưa bom bão đạn này, anh đã gặp được mối tình khắc cốt ghi tâm, mối tình như duyên tiền định với người con gái tên Hương. 
Văn hoá đọc sách liệu đã được gìn giữ đúng mực hay chưa?
09.04.2021 8185
Nhà tâm lý học người Pháp Gustavơ Lebon đã từng nói rằng: “Một cuốn sách hay cho ta một điều tốt, một người bạn tốt cho ta một điều hay.” Thông qua câu nói nổi tiếng này, chúng ta có thể hiểu được sách không chỉ đóng vai trò mang tri thức đến với mọi người, mọi nhà, mà sách còn là những người bạn tâm giao mỗi khi chúng ta lạc lối, chưa tìm ra phương pháp, đường hướng. 
Sách đối với trẻ em vùng cao có thực sự cần thiết?
07.04.2021 8024
Như mọi người đã biết, cuộc sống của người dân vùng cao vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Đơn giản như việc cơm ăn, áo mặc đã là một gánh nặng lớn trên vai những người cha, người mẹ; cộng với việc sinh đẻ không có kế hoạch cũng khiến cuộc sống của người dân vùng cao càng bấp bênh. Ngày nay, tỷ lệ học sinh biết chữ của trẻ em vùng cao đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên vẫn là một vấn đề lớn cần được xã hội quan tâm hơn nữa. Đã có rất nhiều những chương trình thiện nguyện, những chương trình tài trợ nhu yếu phẩm, đồ dùng học tập, sách vở cho các em, giúp các em tiếp cận với những tri thức mới. Và sách là một trong những số đó.
12 nét văn hoá đẹp nhất ngày Tết Nguyên Đán của người Việt Nam
28.01.2021 3458
Đối với người Việt, tết cổ truyền không chỉ thiêng liêng, mà còn là những ngày trọng đại nhất trong một năm. Dù thành thị hay nông thôn, miền núi hay miền xuôi, đất liền hay đảo xa, trong nước hay mưu sinh trên toàn thế giới, cứ Tết đến xuân về là mỗi người lại nhớ về quê hương nguồn cội. Tết cổ truyền đã trở thành một nét đẹp văn hóa, một lẽ sống bản ngã tự nhiên in sâu vào tâm thức người Việt. Tết Nguyên Đán (hay còn gọi là Tết, Tết cổ truyền, Tết âm lịch) được coi là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt và các nước theo lịch âm lịch.
Khám phá văn hoá tắm bằng chổi ở Nga
08.01.2021 3226
Người Nga coi việc đến banya là chìa khóa để có sức khỏe tốt. Các nhà khoa học đã phát hiện banya mang đến rất nhiều lợi ích, có thể kể đến như tuần hoàn máu dưới da, bài độc, cải thiện các chức năng cơ, khớp.
Cách nói cảm ơn trong văn hóa Mỹ
22.02.2021 5394
Trong văn hoá Mỹ, khi người khác khen mà mình giả vờ khiêm tốn, họ sẽ nghĩ rằng mình không đồng tình với họ. Điều này lâu dài sẽ tạo ra xung đột và khoảng cách trong giao tiếp. Cách nói đơn giản, "Thank you" thể hiện sự đồng tình, và lòng biết ơn của mình với lời khen, hoặc lời nói xã giao của người khác với mình.
Cách người Nhật du nhập văn hóa và kiến tạo kiệt tác dân tộc
16.01.2021 3168
Nhật Bản học hỏi, tiếp thu tinh hoa từ nền văn minh khác, phát triển chúng trở thành sản phẩm vật thể hoặc phi vật thể đặc trưng, nổi tiếng toàn cầu.
Người Trung Quốc sẽ phải thay đổi văn hóa dùng đũa
04.01.2021 1973
Trung Quốc đang thuyết phục người dân từ bỏ thói quen dùng đũa gắp thức ăn cho người khác, tránh lây lan Covid-19. Nhưng việc này thực sự khó khăn. Tại một nhà hàng ở thủ đô Bắc Kinh, các món ăn cay kiểu Tứ Xuyên được phục vụ theo cách ăn gia đình. Ở đây, thực khách thoải mái chọc đũa vào những bát vằn thắn với nước chan cay thơm hay dùng đũa bới tìm những miếng cá nướng được bày lẫn vào ớt trên đĩa.
Những điều thú vị về văn hoá bia Đức
06.01.2021 3252
Đất nước có lễ hội bia kéo dài nửa tháng, thường uống bia ướp lạnh để giữ nguyên vị, không thách thức nhau trên bàn tiệc. Đức là cái nôi của những loại bia ngon trên thế giới khi bắt đầu sản xuất đồ uống này từ thế kỷ XII. Sản xuất bia là ngành công nghiệp được chú trọng, nhiều du khách cũng đưa sản phẩm vào danh sách "nhất định phải thử" khi đặt chân đến.
Sự khác nhau trong 'văn hoá khẩu trang' Á - Âu
04.01.2021 2163
Ở các nước châu Á, ký ức về dịch SARS 17 năm trước vẫn còn ám ảnh và việc đeo khẩu trang trở thành thói quen. Nhiều người coi đây là trách nhiệm để giảm lây truyền Covid-19, căn bệnh đã khiến khoảng 120.000 nhiễm ở hơn 100 quốc gia trên thế giới. Một số doanh nghiệp không cho phép khách vào cửa hàng mà không đeo khẩu trang. Chính quyền tại các thành phố lớn như Bắc Kinh và Thượng Hải ra yêu cầu công dân phải đeo khẩu trang nơi công cộng.
UNESCO công nhận văn hóa bán hàng rong là di sản
06.02.2021 3903
Ngày 16/12, UNESCO công bố quyết định ghi Văn hóa bán hàng rong của Singapore vào danh sách Di sản Văn hóa Phi vật thể của nhân loại, sau hai năm quốc gia này trình đề cử.
Vì sao xì mũi ở Dubai bị coi là kém văn hóa?
04.01.2021 2054
Một trong những hành động được coi là bình thường trên thế giới, lại bị đánh giá là xúc phạm người khác tại Dubai chính là việc xì mũi trên bàn ăn, trước mặt những vị khách khác. Khi muốn xì mũi, bạn nên rời bàn ăn, đi vào nhà vệ sinh. Nếu không, người địa phương sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu và đánh giá thấp bạn. Trong trường hợp xấu nhất: bạn không kịp ngăn chặn hành động này, hãy tránh bàn ăn càng xa càng tốt.
Tin xem nhiều
Tin mới nhất