Trong thế kỷ X, nối các dòng họ khởi từ họ Khúc, họ Dương thay nhau trong đứt đoạn thời gian đứng chủ nước Việt, nhưng phải từ thời Ngô Quyền trở đi, với nền độc lập tự chủ mới chính thức thiết lập sau sự kiện dậy sóng Bạch Đằng giang năm 938 xóa tan đêm trường Bắc thuộc. Để rồi trải thời Ngô (938-965), Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) nối nhau trị vì quốc gia. Hiềm nỗi, sự ổn định lâu dài để thực hiện công cuộc kiến tạo giang sơn gấm vóc là chưa có. Mỗi triều đại đứng chủ thật ngắn ngủi với nhiều xáo động ở người ngồi ngai vàng.
(Cửa Đại Hưng của thành Thăng Long)
Nói thế để thấy rằng, sau khi tiếp nối ngai vàng bỏ trống của nhà Tiền Lê, nhà Lý với hơn 200 năm thống lĩnh quốc gia, trải 9 đời vua sáng suốt có, u mê bất lực có, nhưng là triều đại đầu tiên của thời độc lập tự chủ có được thời gian dài để tạo sự ổn định để kiến thiết quốc gia. Và lịch sử đã chứng minh điều đó, còn chúng tôi, xin dẫn rõ ở trong phần sau.
Lại nói về buổi đầu tạo lập vương triều đất Cổ Pháp. Năm Kỷ Dậu (1009), Lê Ngọa Triều mất đi, con còn nhỏ. Theo cái lẽ cha truyền con nối thì con vua quá cố sẽ lên kế vị. Nhưng trong thời gian trị nước của mình, Lê Ngọa Triều đã làm mất nhân tâm qua những việc làm bạc ác với dân, bất hiếu với cha, bất nghĩa với anh...
Bởi thế cái chết của vị vua phóng đãng này không để lại sự tiếc thương của quần thần hay dân chúng, trái lại đó như một sự cởi trói cho lòng người đã chịu bao đày đọa. Mất lòng dân, là mất tất cả, do đó việc tìm người đứng chủ, lại không ở phương diện thế tập nữa, mà cần hơn hết, là kẻ có uy tín. Và đó là khởi đầu cho sự ra đời của một triều đại mới, với một dòng họ mới trên ngai vàng nước Việt.
Sư Vạn Hạnh bằng tài năng và ảnh hưởng của mình, đã đưa người học trò họ Lý quê đất Cổ Pháp lên ngôi vua. Ấy là Lý Công Uẩn. Tài năng, trí tuệ của Lý Công Uẩn - Lý Thái Tổ ta không bàn cãi nhiều ở đây, vì thực tế đã cho thấy điều đó ngay từ khi họ Lý làm quan nhà Lê.
Lên ngôi báu trong một cuộc chuyển giao quyền lực dòng họ êm ái, nhận được sự đồng thuận của quần thần, Lý Thái Tổ sau thời gian yên vị trên bệ rồng, với tầm nhìn xa trông rộng của kẻ nắm giữ vận mệnh quốc gia, đã làm một cuộc đổi vận mà sau này cho đến hiện tại, chứng tỏ sự sáng suốt của một vị vua sáng góp phần tạo lập sự vững chắc cho quốc gia dân tộc về sau: Dời đô.
Vốn kinh đô Hoa Lư nằm trong vùng núi, các thời Đinh, Tiền Lê đã thay nhau mà đặt trung tâm quốc gia ở đây. Nhưng triều đại ngắn ngủi, mà địa thế của đất ấy hợp với quân sự, với thời chiến hơn là kinh tế, chính trị, văn hóa. Trong khi ấy, nhu cầu phát triển đất nước là một sự thực hiển nhiên. Và Lý Thái Tổ đã giải quyết được vấn đề nan giải, đưa "ngôi trời" mà đặt ở đâu?
Vua nhận thấy rất rõ cái địa thế "rồng cuộn hổ ngồi" của đất Đại La, như trong Thiên đô chiếu chỉ rõ: "Nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi nam bắc tây đông, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi, đất rộng mà bằng phẳng, cao mà thoáng mát, dân cư không khổ về ngập lụt, muôn vật phồn thịnh. Xem khắp nước Việt, chỗ ấy là tốt hơn cả. Thực là nơi tụ hội của bốn phương, là nơi kinh sư tốt nhất của muôn đời".
Mới ở yên ngai vàng, vua đã xem việc định đô mới là một việc làm cấp thiết, đủ thấy sự trăn trở của Lý Thái Tổ đối với tương lai vương triều, quốc gia nhường nào. Và thế là kể từ năm Canh Tuất (1010), Thăng Long - vùng đất rồng bay chính là nơi mở ra sự vươn mình của triều Lý trong lịch sử dân tộc ta.
(Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long)
Đặt những viên gạch đầu tiên cho thành quân chủ
Qua hơn 200 năm cùng 9 đời vua nối nhau trị vì đất nước, nhà Lý đặc biệt là các vị vua đầu, đã tạo dựng nên những công nghiệp hiển hách, có thể xem là có vai trò tạo dựng nên nền móng vững chắc của chế độ quân chủ nước Việt ta ở hầu khắp các mặt từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa, giáo dục mà những thành tựu ấy, đã được sử sách phân tích, đánh giá kỹ càng.
Giáo dục, khoa cử Nho học: Chiến tranh, loạn lạc liên miên dạo thế kỷ X, các triều đại Ngô, Đinh, Tiền Lê do đó lực lượng quan lại chủ yếu là võ quan mà văn quan thiếu hụt. Thế mới có việc nhiều điều lầm lỗi trong khu xử của triều đình do không hiểu lễ giáo, thiếu người học nhiều hiểu rộng, mà dẫn chứng không đâu xa như việc vua Đinh Tiên Hoàng bỏ trưởng lập thứ gây ra việc nồi da xáo thịt, hay khi Lê Hoàn mất triều đình đặt thụy hiệu sai...
Nhưng đến thời Lý thì đã rất khác. Đất nước thái bình, văn hóa phát triển, giáo dục cũng do đó cần được mở mang. Với việc lập Văn Miếu, mở Quốc Tử Giám, mở khoa thi, nhà Lý đã thiết lập nền giáo dục Nho học, tạo dựng bản lề cho sự phát triển giáo dục, khoa cử Nho học về sau đến hết thời phong kiến nước ta. Nhờ có nền giáo dục, khoa cử, người tài ra giúp nước trở nên nhiều, góp công lớn vào sự thịnh trị cho triều đại.
Quân đội "ngụ binh ư nông": Việc xây dựng quân đội của nhà Lý dần đi vào quy củ, có quy chế rõ ràng thể hiện qua tinh thần chính sách "ngụ binh ư nông". Thời chiến làm binh, thời bình lại trở về với nghề gốc quen thuộc, do đó khi cần thiết huy động được sức dân lớn mạnh, đông đảo. Khi hòa bình, lại không thiếu hụt nhân lực cho nghề gốc "dĩ nông vi bản", chi phí nuôi quân cũng nhờ đó được giảm thiểu.
(Khuê Văn Các trong di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám)
Quân đội thời Lý thể hiện được sức mạnh chiến đấu đáng nể khi từng đánh thẳng vào đất Tống hạ Khâm Châu, Ung Châu... thực hiện kháng Tống thắng lợi khi kẻ thù xâm lược, hay từng chinh phạt Chiêm Thành giữ bình yên nơi biên giới. Căn cứ những gì sử sách để lại, ta thấy rằng đây là triều đại đầu tiên thực hiện chính sách "ngụ binh ư nông" và các triều đại về sau noi theo gương nhà Lý mà thực hiện.
Luật pháp thành văn: Nếu như ở các triều đại trước đó như Ngô, Đinh, Tiền Lê, đất nước thường bị xáo động bởi chiến tranh hay phiến loạn, việc trị bình rất vất vả và phải dùng những biện pháp khắc nghiệt như nuôi hổ dữ, đặt vạc dầu. Vua trị nước chưa có luật thành văn, phần nhiều còn tùy tiện và phụ thuộc vào tâm lý của vua buồn vui hay nóng giận, thì ở thời Lý, việc trị nước đã rất khác.
Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta dưới thời Lý, đã có bộ luật thành văn Hình thư được viết nên năm Nhâm Ngọ (1042), giản tiện trong việc xử án mà như Toàn thư cho hay là: "Sách làm xong, xuống chiếu ban hành, dân lấy làm tiện lắm. Đến đây phép xử án được bằng thẳng rõ ràng".
Phát triển kinh tế "dĩ nông vi bản": Coi trọng nghề gốc nông nghiệp lúa nước, nhà Lý đã thực thi nhiều biện pháp khuyến nông mà điển hình là lệ cày tịch điền được nối từ nhà Tiền Lê. Lại cho dựng đàn xã tắc mà cúng tế. Việc làm thủy lợi phát triển nông nghiệp cũng được chú ý khi đê Cơ Xá được đắp, giảm thuế khi chiến tranh, mất mùa... các lĩnh vực khác như thủ công nghiệp, thương nghiệp cũng được quan tâm.
Tôn giáo cảm hóa chúng dân: Các vua đầu thời Lý là những vị vua mộ Phật. Thời Lý ra đời cả một dòng riêng là Phật giáo Thảo Đường. Chùa chiền xây dựng khắp nơi, tăng sư nhiều vô kể. Dĩ nhiên bên cạnh đó cũng tạo ra những hệ lụy do sùng Phật thái quá như mộ điềm lành, lệ thuộc thần phật.
Tuy nhiên, Phật giáo thời Lý cũng góp phần gây ảnh hưởng làm thuần hóa các phong tục trong dân, cảm hóa con người trong hành động. Tỉ như vua Lý khi xử kiện đã xót thương bách tính mà ra lệnh "Ta yêu con ta cũng như những bậc cha mẹ trong thiên hạ yêu con cái họ. Trăm họ không biết gì nên tự phạm vào luật pháp, ta rất xót thương! Nên rằng từ nay, các tội bất kỳ nặng nhẹ nhất thiết đều khoan giảm". Về điều này Việt sử đại toàn nhận xét nhà Lý là triều đại "có tiếng là nhân hậu".
(Lý Thường Kiệt dẫn quân đánh vào đất Tống)
Như trên chỉ mới là dăm ba điều điểm qua về một số thành tựu của nhà Lý có tính xây nền, làm cơ sở cho những nối tiếp, phát triển của các triều đại sau, nhưng qua đó cũng giúp chúng ta thấy được phần nào vai trò của triều đại này với quốc gia, dân tộc, nhất là đối với nền quân chủ Việt Nam. Và cũng trong thời Lý, quốc hiệu Đại Việt được lập năm Giáp Ngọ (1054) trở thành tên gọi của nước ta được truyền nối lâu dài.