Trong lịch sử các triều đại phong kiến của nước ta, Chính quyền Trung ương của các triều đại đã tiến hành nhiều cuộc cải cách, từ đổi mới kinh tế, văn hóa đến điển chế Hoàng gia.
Tuy nhiên, các học giả, nhà nghiên cứu cho rằng về Cải cách tài chính thì chỉ duy nhất có cuộc cải cách dưới thời trị vì của Hoàng đế Lê Dụ Tông mà người khởi xướng, điều hành là Hy Tổ Nhân Vương.
Cuộc cải cách toàn diện kinh tế – tài chính, xã hội diễn ra trong giai đoạn (1716-1729). Năm 1709, Hy Tổ Nhân Vương kế ngôi Vương, khi đó đất nước vừa kết thúc “tạm thời” giai đoạn nội chiến giữa các thế lực Lê – Mạc – Trịnh – Nguyễn, kéo dài hơn 100 năm, khiến đất nước rơi vào “khủng hoảng xã hội”.
Hy Tổ Nhân Vương nhận ra rằng để thay đổi và nâng cao đời sống xã hội, đưa đất nước thoát khỏi “bế tắc” thì vấn đề cần giải quyết lúc này là cải cách nền kinh tế tài chính của đất nước.
Tư duy cải cách của Hy Tổ Nhân Vương được thể hiện trong bài “Phong niên vịnh”, viết năm 1721:
“Rút bớt những sự lộng lẫy, xa hoa.
Bỏ hẳn những việc phiền nhiễu, hà khắc.
Hiểu rõ đạo lý, răn đừng kiêu căng tự mãn và khuyên nên chuộng điều tiết kiệm.
Trước phải xén bớt của những kẻ có nhiều, thêm vào cho những người có ít…”
Trước hết, triều đình tiến hành “Biến pháp” gồm 10 điều nhằm chỉnh đốn kỷ cương phép nước và 2 biện pháp quản lý kinh tế lớn nhằm cải thiện bước đầu tình hình, nâng cao năng lực quản trị của Nhà nước:
1. Mười điều nhằm chỉnh đốn kỷ cương phép nước gồm:
– Khẩn trương tu bổ đê điều.
– Chỉnh đốn lại việc học tập, thi cử. Việc thi cử bị nhiều loạn, con em nhà quyền thế thi đỗ rất nhiều, nên vào khoa thi năm 1726, Hy Tổ Nhân Vương lệnh các sĩ tử phải thi lại, kết quả đánh hỏng 28 người.
– Quản lý việc trị nhậm của các quan lại các tỉnh biên thùy xa xôi.
– Tha các tội nhân phạm tội nhẹ.
– Không tận thu thuế.
– Tạm dừng việc bắt phu làm việc.
– Xử lý nghiêm tội phạm phạm tội.
– Cứu đói cho dân nghèo, đói kém.
– Định lệ cứ ba năm khảo công một lần để định việc thưởng phạt.
– Cải thiện tình hình ngoại giao với triều đình Nhà Thanh.
– Tiến hành quy định lại thể lệ quân cấp công điền. Đo đạc ruộng đất trong dân gian, chia bổ ngạch thuế, để tạo sự cân bằng giàu nghèo.
– Nghiêm cấm quan lại lập trang trại. Khuyến khích người dân dân khai khẩn đất hoang.
Sau 7 năm thi hành các ” Biến pháp” trên thì triều đình Lê – Trịnh bắt đầu tiến hành các giải pháp Cải cách tài chính, bao gồm 10 hạng mục:
1. Xóa bỏ phép binh lệ, làm lại sổ hộ, bỏ tên người đã chết, thêm số người đến tuổi vào sổ hộ để chịu thuế.
2. Định phép chia đều thuế khóa và tạp dịch cho cả dinh và điền.
3. Đánh thuế ruộng tư.
4. Thu thuế khai thác và tiêu thụ đồng, quế, muối.
5. Giảm bớt viên chức để giảm bớt chi lương bổng.
6. Thi hành phép đánh thuế tô (thuế ruộng), dung (thuế thân), điệu (thuế sai dịch).
7. Đặt thêm sở tuần ty ở các trấn để tận thu thuế thương nghiệp.
8. Thu thuế các loại thổ sản khác.
9. Thu thuế đất ở đô thị.
10. Định ra các thể lệ giảm, miễn thuế…
– Hạn chế việc uống rượu, người nào tự ý tụ hợp uống rượu sẽ bị trị tội, ai tố cáo cũng sẽ có thưởng.
– Tiến hành định phép khảo công đối với viên quan ở các trấn, ty để giáng hay thăng chức.
– Cho phép người dân được ca tụng hoặc chê bai việc tốt hoặc xấu của quan lại địa phương.
– Giải tán binh quyền trong quý tộc cao cấp vì “các thân thuộc họ Trịnh giữ binh quyền trọng đại quá e sẽ sinh biến”.
– Ra lệnh cấm đạo Kito, bắt những người theo đạo Kito phải cạo trán và khắc vào mặt 4 chữ: “Học Hà Lan đạo”, thưởng cho những ai bắt được giáo sĩ đi giảng đạo.
Cải cách tài chính của Hy Tổ Nhân Vương đã đem lại một số thành quả là:
– Cải thiện đời sống nhân dân, giải quyết được khó khăn về xã hội, ổn định được tình hình, củng cố được kỷ cương, trật tự xã hội sau nội chiến.
– Thúc đẩy quá trình tư hữu hóa ruộng đất, phát triển kinh tế hàng hóa tiền tệ, tăng cường thị trường nội địa để tạo tiền đề phát triển giao thương với ngoại quốc.
Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đánh giá về giai đoạn trị vì của Hoàng đế Lê Dụ Tông (giai đoạn Hy Tổ Nhân Vương là người thực sự cai quản việc nước).
“Bấy giờ vua nối nghiệp thái bình, không biết việc đao binh, trong nước vô sự. Triều đình đặt nhiều việc pháp độ, kỷ cương rất hẳn hoi đầy đủ, các phương xa đến cống hiến và Trung Hoa trả lại đất đai. Thực là đời rất thịnh.”
Tuy nhiên, sau này về già, Hy Tổ Nhân Vương đi tuần du không ngớt, vì thế cho xây dựng nhiều hành cung, bóc lột sức dân thậm tệ. Năm 1729, nước sông Hồng lên to, đê Cự Linh bị vỡ, nước tràn vào Cổ Bi, nhà cửa bị nước cuốn đi và đổ nát.
Hy Tổ Nhân Vương sai quân và dân sửa chữa đường sá, để phòng bị lúc đi di ngoạn. Nông dân bị thủy tai, cực khổ trăm bề mà còn bị bức ép lao dịch, oán thán không ngớt.
Mầm mống diệt vong của họ Trịnh là từ đây.
Thông tin được chúng tôi tham khảo từ website: www.hoainiem.org