Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho đại diện Bệnh viện Nhân Ái tại lễ tuyên dương “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” ngày 11-1 - Ảnh: TỰ TRUNG
Ngày 11-1, UBND TP.HCM phối hợp cùng Ủy ban MTTQ TP tổ chức lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng mà cao cả" lần 3-2018. Có 96 tập thể, cá nhân được tuyên dương trong dịp này.
Lớp học của chú Khánh
Thật bất ngờ khi được biết "chú Khánh" là công nhân 34 tuổi. "Chú Khánh" - Hoàng Trọng Khánh hiện là công nhân phân xưởng thuốc sát trùng Công ty liên doanh Bio- Pharmachemie, thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH một thành viên.
Từ 7-8 năm nay, mỗi buổi tối, căn phòng trọ nhỏ của Khánh ở P.Phước Long B (Q.9) lại vang lên tiếng đọc bài, giảng bài.
Học trò là con em công nhân trong xóm lao động nghèo, đủ mọi lứa tuổi, có em là trẻ mồ côi. Học trò không gọi thầy, mà kêu bằng "chú Khánh" cho thân tình.
Với đồng lương công nhân ít ỏi, Khánh tiết giảm mọi chi tiêu cho bản thân, dành tiền mua bàn ghế, phấn, viết, tập vở cho bọn trẻ.
Cả ngày làm việc ở công ty, trở về phòng trọ, chỉ kịp rửa mặt mũi tay chân, đúng 17h30 anh vào dạy ca đầu.
Ca thứ hai bắt đầu từ 19h30 đến 21h. Khi học trò về hết, anh mới chuẩn bị bữa tối cho mình. Giấc ngủ đến vào lúc gần nửa đêm, để ngày mai lại bắt đầu một ngày làm việc mới.
Khánh tâm sự bản thân mình chỉ học hết lớp 12 ở tỉnh lẻ, vào Sài Gòn làm công nhân đã lâu, nhiều kiến thức phổ thông cũng không còn nhớ hết.
Để có thể ôn bài, chỉ dạy thêm cho các em ở khối cấp II, anh phải "vừa dạy vừa học": học lại trong sách, học thêm trên mạng, nghiên cứu tài liệu.
"Chương trình bây giờ cải cách nhiều quá, nhiều lúc bí, mình nói học trò cho xin số điện thoại của thầy cô dạy các em ở trường để mình trực tiếp gọi điện hỏi. Thầy cô chỉ cho mình hiểu, mình dạy lại cho các em. Chắc các thầy cô cũng thương mà hỗ trợ nhiệt tình lắm" - anh kể.
Thấy tụi nhỏ khen chú Khánh dạy dễ hiểu, lại vui vẻ thân tình, em nào chán học được anh khuyên nhủ nên dần dà ham học trở lại, bà con khu phố mừng lắm.
Phụ huynh học sinh bảo nhau gom góp giúp anh trang bị thêm cho lớp học được sạch sẽ, khang trang.
Rồi công ty nơi anh làm việc, bà con khu phố, chủ nhà trọ cũng hỗ trợ ít nhiều. Đến nay sau 8 năm, đã có gần 200 trẻ em theo học tại "Lớp tình thương chú Khánh".
Những bữa cơm sẻ nửa
Khoa săn sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái TP.HCM đóng trên địa bàn xã Phú Văn, H.Bù Gia Mập (Bình Phước) có chức năng chăm sóc cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Bệnh nhân khi đến đây phần nhiều bệnh tình đã rất nặng, lại không người thân thích hoặc bị gia đình bỏ rơi.
Ngoài việc điều trị, tập thể y bác sĩ, điều dưỡng ở khoa còn làm cả vai trò của người thân, săn sóc từng miếng ăn, giấc ngủ để bù đắp sự thiếu thốn tình thương của bệnh nhân, để họ đỡ tủi thân, thêm ấm áp những ngày tháng cuối đời.
Câu chuyện của bác sĩ Trầm Xuân Chánh mang đến hội nghị tuyên dương đã làm nhiều người rơi nước mắt.
Bác sĩ Chánh kể theo tiêu chuẩn quy định, tiền ăn của bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn cuối được chăm sóc tại khoa chỉ 22.000 đồng/ngày. Với số tiền này, bệnh viện phải cố gắng hết sức để chia làm ba bữa ăn.
Nhưng như vậy thì bệnh nhân ăn không nổi. Bệnh nặng, sức khỏe suy kiệt, ai cũng rất thèm được ăn ngon dù có khi chẳng ăn được bao nhiêu, vì bệnh nhân giai đoạn cuối thường bị nấm miệng, nhai nuốt vô cùng khó.
Trước tình cảnh này, mọi người trong khoa bàn với nhau nhín tiền ăn của mình, gom góp lại để mua thêm thức ăn cho bệnh nhân.
"Chúng tôi sẽ tìm hiểu bệnh nhân người nào thèm món gì, nếu món đó có bán ở căngtin bệnh viện thì mình mua, còn không thì ra ngoài tìm mua hoặc tổ chức nấu cho bệnh nhân ăn.
Có người hôm trước vừa được uống ly nước chanh, ăn tô cháo nóng theo sở thích thì hôm sau đã mất" - bác sĩ Chánh nói.
Cảm động trước tấm lòng của các y bác sĩ, ngay tại lễ tuyên dương, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cùng ba đơn vị doanh nghiệp đã ủng hộ khoa săn sóc đặc biệt Bệnh viện Nhân Ái tổng số tiền 380 triệu đồng.
Nhân lên những điều tốt đẹp
Phát biểu tại lễ tuyên dương, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trân trọng biểu dương 96 gương tập thể và cá nhân đã có những đóng góp thầm lặng nhưng vô cùng quý báu cho cộng đồng.
"Chúng ta trân trọng vinh danh những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực của những tập thể, cá nhân đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tuổi tác và sức khỏe, ngày đêm hăng say làm việc vì tình thương và trách nhiệm với cộng đồng.
Đây là những tấm gương khẳng định giá trị chân - thiện - mỹ vẫn hiện diện trong cuộc sống" - ông Phong nhấn mạnh.
Ông Phong cũng cho rằng phẩm chất "nghĩa tình" luôn đồng hành với sự nghiệp xây dựng và phát triển của TP.HCM suốt thời gian qua.
Ông Phong đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo sự lan tỏa rộng khắp.
"Tôi kêu gọi người dân TP hãy cùng nhau nhân lên những điều tốt đẹp. Bởi cho đi chính là nhận lại.
Hãy để tình yêu thương và lòng nhân ái nở hoa trong lòng cuộc sống. Để cái đẹp, cái tốt, cái nghĩa tình mãi trở thành nếp sống của con người TP" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong gợi mở.
MAI HƯƠNG - TIẾN LONG