Trong khoảng mười thế kỷ đầu công nguyên, trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay đã từng tồn tại ba nền văn hoá: văn hoá của cộng đồng cư dân châu thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, văn hoá Chăm Pa ở ven biển miền Trung, và văn hoá Óc Eo ở vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long. Ba nền văn hoá này có những nét chung do có chung cơ tầng văn hoá Đông Nam Á, nhưng cũng lại có những nét riêng do từng vùng có những đặc điểm và số phận lịch sử khác nhau. Bài viết này trình bày đặc điểm văn hoá của cư dân châu thổ bắc Bộ với tư cách đại diện, điển hình.
1. Lịch sử hình thành
Năm 207 TCN (hoặc 179 TCN) sau khi đánh chiếm Âu Lạc, Triệu Đà lập ra nước Nam Việt. Năm 111 trước công nguyên, nước Nam Việt bị thôn tính vào đế quốc Hán, nước Âu Lạc lúc ấy thuộc nước Nam Việt cũng bị thôn tính theo.
Từ đó nước ta rơi vào ách đô hộ của phong kiến phương bắc trong suốt hơn 1000 năm. Giai đoạn đau thương này kết thúc khi Ngô Quyền với chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938 mở ra thời kì độc lập tự chủ cho dân tộc.
Nước ta bị các triều đại phong kiến phương Bắc chia thành quận, huyện. Địa bàn trải rộng từ biên giới Việt Trung ngày nay đến bắc Trung bộ (Quảng Bình).
2. Đặc điểm văn hoá
Lịch sử các cộng đồng dân tộc Việt Nam trong suốt thời kỳ Bắc thuộc là lịch sử của một cuộc đấu tranh đề kháng dai dẳng, bền bỉ để bảo tồn giống nòi, bảo vệ nền văn hoá dân tộc và giải phóng đất nước. Cuộc đấu tranh chống ách đô hộ của phong kiến phương Bắc thành công nên mới tồn tại nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
Trong hơn mười thế kỷ Bắc thuộc, các triều vua Trung Quốc từ Hán đến Đường, thông qua chính quyền đô hộ nước ta khi ấy, đã kế tiếp nhau thi hành chính sách cai trị tàn bạo, chính sách đồng hoá, Hán hoá đối với người Việt và văn hoá Việt trên mọi phương diện, nhằm vĩnh viễn thôn tính nước ta vào đế quốc phong kiến phương Bắc.
Đặc trưng cơ bản của văn hoá lịch sử giai đoạn này là ý thức đối kháng kiên trì, bất khuất trước nguy cơ xâm lăng của phong kiến phương Bắc. Quốc hiệu Nam Việt đã có từ trước CN nằm trong ý thức phân biệt rõ phương Nam-phương Bắc của ông cha ta. Những cuộc kháng chiến liên tiếp qua các thế kỉ như Hai Bà Trưng (40-43), Bà Triệu (248): “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!”, Lí Bí (544-548),Triệu Quang Phục (548-571), Mai Thúc Loan (772), Phùng Hưng (791), cha con họ Khúc (906-923), Dương Diên Nghệ (931-937) và đỉnh cao là cuộc đại thắng của Ngô Quyền năm 938. “Dưới ách Bắc thuộc, bọn thống trị Trung Quốc ra sức thực hiện chính sách Hán hóa. Chúng cho di thực mô hình tổ chức chính trị và sinh hoạt xã hội Trung Hoa sang đất Việt. chúng xóa bỏ chính quyền trung ương của vua Thục và chia nhỏ miền đất nước ta thành các đơn vị hành chính địa phương các cấp theo hệ thống hành chính địa phương ở Trung Quốc là châu, quận, huyện, hương, xã và đến thời Đường bao trùm lên các châu ở miền đất nước ta chúng đặt thành một phủ (An Nam đô hộ phủ).
Từ một quốc gia độc lập, nước ta trở thành một địa phương của Trung Quốc. Chúng thiết lập bộ máy quan lại, xây dựng hệ thống quân đội và áp đặt hệ thống pháp luật để thống trị nhân dân ta, tiến hành cống phẩm, bắt lao dịch và bóc lột về kinh tế. Trên phương diện văn hóa, chúng đã sử dụng văn hóa Hán như một công cụ xâm lược quan trọng. chúng bắt nhân dân Âu Lạc phải làm ruộng theo lối Hán, ăn mặc kiểu người Hán, nói tiếng Hán, học chữ Hán, ứng xử theo phong tục Hán. Trên lĩnh vực tư tưởng và tôn giáo, chúng cho du nhập Nho giáo và Đạo giáo sang để khống chế về tinh thần và nhất thể hóa tư tưởng của nhân dân ta, nhằm tạo thành cái lõi trung tâm để đi đến nhất thể hóa cấu trúc văn hóa giữa chính quốc và thuộc địa. Để thúc đẩy quá trình đồng hóa văn hóa, giai cấp thống trị Hán đã cho di cư ồ ạt người Hán sang đất Việt, gồm quan lại và người nghèo Hán. Chúng khuyến khích nhóm người này lấy vợ Việt, sinh con trên đất Việt và hình thành một bộ phận “dân Mã lưu” ở nước ta nhằm thực hiện chủ trương thực dân theo nghĩa bóng lẫn nghĩa đen” (Huỳnh Công Bá, Cơ sở văn hóa Việt Nam). Có thể nói, dưới ách Bắc thuộc, nhân dân Âu Lạc đã phải chấp nhận một cuộc giao lưu cưỡng bức vô cùng nghiệt ngã.