Kẻ tài hoa viết nhạc trong 10 phút
“Nếu tôi ngồi xuống và viết ra thứ gì đó trong vài phút, chắc chắn nó sẽ rất tuyệt. Còn nếu điều ấy không xảy ra thi e rằng bản nhạc không thể hoàn thành hoặc là rất tệ!” - Russell từng chia sẻ lúc sinh thời rằng ông là một… cái máy viết nhạc chứ không phải kiểu nhạc sĩ cặm cụi ngày nay qua ngày nọ chỉnh sửa bài hát của mình sao cho hay nhất.
(Leon Russell)
Có lẽ vì đi theo lối sáng tác không giống ai đó mà những bản hit của Russell - dù viết cho chính mình hay theo đơn đặt hàng - cũng đậm chất riêng. Từ Tight Rope, Lady Blue đến A Song For You (bản nhạc ông chỉ sáng tác trong 10 phút), Hummingbird… dành cho các tên tuổi lớn như The Beatles, Rolling Stones, Bob Dylan, Elton John, Eric Clapton…
Cũng như nhiều huyền thoại âm nhạc, Leon Russell đã sớm bộc lộ tài năng thiên bẩm về âm nhạc khi còn rất nhỏ. Bốn tuổi, ông đã học chơi đàn Piano và 14 tuổi, ông gia nhập câu lạc bộ âm nhạc dành cho thanh thiếu niên ở Oklahoma, Mỹ.
Điều thú vị là giai đoạn đó, Russell không có ý định trở thành ca nhạc sĩ, ông chỉ đơn thuần mê đàn và muốn làm nhạc công, khăn gói đến Los Angeles vào cuối thập niên 50 lúc tròn 20 tuổi, để phụ việc trong một vài studio, club… cho đến khi tự chơi nhạc trong vũ trường.
Thế nhưng cũng chính thành phố đầy ma lực này đã biến những tư tưởng của Leon Russell vụt xa ý nghĩa ban đầu. Ông sớm nhận ra mình cần phải làm gì đó hơn là nhạc công trình diễn trong các quán bar hay cho các nghệ sĩ lớn, khởi đầu bằng việc gia nhập vào ban nhạc Mad Dogs & Englishmen và tham gia trong sô của George Harrison năm 1971.
Tự xây dựng phòng thu, chơi hàng ngàn bài hát trước khi ra album đầu tay!
Cần phải nhắc lại rằng trước khi xuất bản đĩa nhạc riêng mang tên mình năm 1970, Russell đã chơi khoảng một ngàn bài hát, trong đó ông từng trình diễn cho Frank Sinatra, Sam Cooke, Aretha Franklin… cùng nhiều sản phẩm âm nhạc thương mại khác.
(Leon Russell và Elton John)
Kinh nghiệm mở phòng thu tại gia (năm 1967) với tay guitar lão luyện Marc Benno cùng một album chung năm 1968 đã giúp Russell làm quen với nhiều thể loại nhạc từ rock, soul đến country, blues, jazz, gospel…
Thành công nối tiếp, các album về sau của Russell đều đạt thứ hạng cao trên bảng xếp hạng Billboard tại Mỹ, cũng như mang về cho ông những tượng vàng Grammy giá trị. Điều thú vị là ông từng lấy nghệ danh Hank Wilson và hát nhạc đồng quê trong ba album riêng.
Năm 1992, khi cho ra đời hai album Anything Can Happen và Crazy Love, Russell thổ lộ rằng âm nhạc giống như thời trang vậy: “Bạn cứ giữ quần áo cũ đi, sẽ có lúc nó trở nên thịnh hành và làm mode trở lại”. Russell ví Rap như sự hồi sinh của thơ ca, một nét mà ông cho là mới trong làng nhạc quốc tế lúc bấy giờ.