Ngày 17/4, trên diễn đàn Nhạc Pháp, hàng trăm khán giả tiếc thương khi hay tin Christophe qua đời ở tuổi 74. Nhiều người tuổi trung niên nói danh ca Pháp là thần tượng thời trẻ của họ. Tài khoản Son Duong viết: "Ai đã qua tuổi thanh xuân thập kỷ 1970-1990 mà chẳng nhớ giai điệu vài ba bài ca của ca sĩ Pháp này". Độc giả VnExpress nhớ những tình khúc Aline, Maman... của Christophe. Anh Vương viết: "Thần tượng của tôi thuở tập tễnh bước vào thế giới âm nhạc. Phong cách của ông, âm nhạc của ông mang đầy nét lịch lãm và lãng mạn vốn là đặc trưng của văn hóa Pháp".
Ở Việt Nam, Christophe gắn với người nghe qua những bản nhạc được đặt lời Việt từ cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970. Năm 1965, tác phẩm Aline được nhạc sĩ Phạm Duy chuyển thành Gọi tên người yêu - Thanh Lan, Ngọc Lan, Elvis Phương... thể hiện. Ngoài ra, nhiều ca khúc được khán giả yêu mến như: Les amoureux qui passent (Một thời để yêu - Nam Lộc), Je Suis Parti (Biệt khúc- Vũ Xuân Hùng), Oh! Mon Amour (Ôi tình yêu - Nhật Ngân), Main dans la main (Cho quên thú đau thương - Nam Lộc), Mal (Cơn đau tình ái - Phạm Duy)...
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi (sinh năm 1959) nhớ giai đoạn nhạc trẻ thịnh hành ở miền Nam, thời hoàng kim của Johnny Hallyday, Sylvie Vartan... Nhưng Christophe - nghệ danh ngắn của một giọng hát Pháp - vẫn đủ sức hút chiếm lĩnh tâm hồn nhiều thanh thiếu niên thời ấy. Ông Khôi kể: "Tôi của thời đó bước vào tuổi 'mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây', ngực căng phồng như có mặt trời, sang sảng tiếng gọi mời của những bình minh rực rỡ, lòng run lên theo những thanh thoát của nhạc Pháp. Tâm hồn tôi hoàn toàn bị những ca khúc của Christophe - thường được phát ở nhiều chương trình ca nhạc trẻ, đài phát thanh hay truyền hình - quyến rũ".
Như nhiều thanh niên cùng thế hệ, ông Khôi nghe nhạc Christophe như mốt (mode), nhu cầu thời thượng, bị thu hút bởi giai điệu nhẹ nhàng slow-rock, với ca từ về tình yêu khi tuyệt vọng, lúc thăng hoa. Ông nhận định: "Giới trẻ thời bấy giờ sống trong chiến tranh, những mộng mơ xen kẽ với tiếng bom đạn. Nhạc Christophe là một đóa lan nở ra trong khắc nghiệt. Bỗng dưng người ta yêu đóa hoa ấy biết bao".
Không chỉ từng xuất hiện ở chương trình của người Việt tại hải ngoại, năm 2013, Christophe còn đến TP HCM hát đêm nhạc từ thiện Christophe live concert, kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Pháp - Việt. Ca sĩ Ánh Tuyết kể lại trong chương trình, lúc đó, ông đã gần 70 tuổi nhưng vẫn chinh phục hàng nghìn khán giả bởi phong cách trình diễn "máu lửa". Điều khiến chị nể phục là khi biểu diễn các bản hit Aline, Les mots bleus... ông nhập tâm đến mức như quên mất tuổi tác, không gian, hoàn toàn đắm chìm vào giai điệu. Ông biểu diễn hăng say dù khán giả Việt Nam đa phần chỉ thưởng thức trong im lặng do không quen với lối cổ vũ nồng nhiệt của người Pháp. Ánh Tuyết nói: "Tôi tiếc cho một tài năng, dù sinh lão bệnh tử không chừa một ai".
Ca sĩ Đồng Lan bàng hoàng khi hay tin ông qua đời. Christophe là một trong những giọng ca ảnh hưởng lớn đến âm nhạc của cô. Những bài hát của ông như Aline, Maman... đã giúp cô nảy sinh tình yêu với nhạc Pháp. Đồng Lan gặp Christophe lần đầu trong đêm nhạc từ thiện ở TP HCM, cô là một trong những giọng ca khách mời. Ấn tượng đầu tiên của cô về ông là sự giản dị, gần gũi và hào hiệp. Sau này, khi cô sang Paris du học, cả hai hội ngộ. Ông từng mời cô về nhà chơi.
Một ngày trước khi Christophe mất, như một linh tính, Đồng Lan mở ca khúc Les paradis perdus của ông để tập yoga. Cô nói: "Tôi khóc vì hình dung cảnh ông thoi thóp để giành lại sự sống trong cơ thể bé nhỏ ấy. Thế giới mất đi một trái tim đẹp, luôn đầy ắp yêu thương".
Theo tờ LifeNews, phong cách âm nhạc của Christophe ngay từ đầu chịu ảnh hưởng nhiều từ dân ca Italy và nhạc Blues của Mỹ. Màu xanh da trời thường xuất hiện trong các bài hát của Christophe. Đó là màu biểu tượng của đội bóng đá Italy, quê cha của ông. "Blues" cũng là tên dòng nhạc ông yêu thích, đã ảnh hưởng nhiều tới phong cách của nam ca sĩ. "Màu xanh" cũng ám chỉ nỗi buồn, một chủ đề đi suốt sự nghiệp kéo dài gần sáu thập kỷ của danh ca.
Sau đĩa đơn Elle s'appelait Sophie (1964) thất bại, đĩa đơn thứ hai Aline (1965) nằm trong album đầu tay của ông bất ngờ tạo tiếng vang, đạt doanh số hơn một triệu bản. Ca khúc kể về nỗi niềm của một người đàn ông đánh mất người yêu và chìm đắm trong quá khứ, không thể thoát ra:
"...J'avais dessiné
Sur le sable
Son doux visage
Qui me souriait
Puis il a plu
Sur cette plage
Dans cet orage
Elle a disparu
Aline
Pour qu'elle revienne..."
Tạm dịch:
"Trên bãi cát, bờ biển dài, tôi vẽ
Khuôn mặt em, diễm lệ, mỉm cười
Chợt bão giông xóa mất dấu của người
Tôi bật khóc: 'Aline! Xin trở lại!..."
Nhạc phẩm của Christophe được sáng tác theo lối Chanson thịnh hành ở Pháp, giàu chất thơ, đề cao sự chuẩn chỉnh về ngữ pháp và thường sử dụng nhiều phép lặp trong cả giai điệu lẫn ca từ. Những bài hát trong giai đoạn đầu của ông luôn lãng mạn, da diết. Ông liên tiếp thành công với Les Marionnettes (1965), J'ai Entendu la Mer (1966) hay Excusez-Moi Monsieur le Professeur (1966).
Danh ca được nhiều nhà phê bình âm nhạc kính trọng vì không "ngủ quên trên chiến thắng" sau những thành công thời trẻ. Sau giai đoạn ngắn bị lãng quên cuối thập niên 1960, ông trở lại năm 1973, thay đổi phong cách âm nhạc, mang nhiều sự sôi động của rock với album Les Paradis Perdus (tạm dịch: Thiên đường đã mất). Album khởi đầu loạt sản phẩm thành công của Christophe với hãng đĩa Motors của nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng Francis Dreyfus. Các album Les Mots Bleus (Những từ màu xanh, 1974) hay Clichés d'amour (Ảnh tình yêu, 1983) được thính giả đón nhận nhiệt tình.
Nửa cuối thập niên 1980, ông có thời gian ngừng hát trước khi trở lại với album Bevilacqua (1996). Christophe bắt đầu say đắm các dòng nhạc điện tử và cho ra đời nhiều album theo xu hướng này. Những tác phẩm giai đoạn này mang nhiều tính thể nghiệm, tìm tòi trong âm nhạc, không đơn thuần là nhạc pop như trước. Nhà báo Pháp Bruno Lesprit nhận xét: "Thay vì hài lòng với những ca khúc đạt doanh số triệu bản và chấp nhận dần hết thời, ông hóa thân thành một 'nhà thám hiểm' trong lĩnh vực âm thanh, một con cú đêm luôn khát khao vươn tới những cành cao hơn, không đánh mất mình vào những cám dỗ thông thường".
Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi tiễn biệt danh ca bằng lời nhắn: "Trong vùng miên viễn, Christophe chắc hiểu rằng lời hát bài Aline sẽ mãi thổn thức trong triệu con tim khi nghĩ về ông: 'et j'ai pleuré, pleuré, oh j'avais trop de peine' (Rồi anh sẽ khóc! Sẽ khóc lên... Khóc lên, lòng đau triền miên...)".