Dịch bệnh rình rập. Ẩn mình sau những cánh cửa khóa chặt, không ai còn nghe thấy tiếng bước chân trên những con đường rải sỏi của Milan. Lệnh cách ly nghiêm ngặt có hiệu lực và tất cả hoạt động thương mại, cộng đồng đều biến mất. Xung quanh Il Duomo - thánh đường lộng lẫy của thành phố - không một bóng người.
Lo sợ dịch bệnh, tất cả cuộc tụ họp tôn giáo bị cấm. Nhưng bằng đức tin - và đặc biệt là âm nhạc - không gì có thể ngăn cản mọi người. Sau lời kêu gọi "cầu nguyện trong tâm tưởng", họ phát động một cuộc thách thức dịch bệnh bằng âm nhạc. Cửa sổ rộng mở, cửa chính để ngỏ và trên những ban công, hàng nghìn đàn ông, phụ nữ, trẻ em bắt đầu ca hát.
Không, đây không phải Milan khi bị phong tỏa vì Covid-19. Đó là mùa hè năm 1576, khi dịch hạch tàn phá phần lớn miền Bắc Italy.
"Đó là một cảnh tượng đáng xem" - một nhà bình luận ghi chép - "khi tất cả cư dân của thành phố đông đúc này, khoảng 300.000 linh hồn đồng vọng". Nó là cảnh tượng khiến Milan như "Jerusalem trên thiên đàng" (the heavenly Jerusalem).
Sự tương đồng với đại dịch hiện nay gây chú ý. Người dân ở Italy, Tây Ban Nha và khắp thế giới đã dùng âm nhạc để kết nối cộng đồng của họ trong một quy mô ấn tượng: video những buổi hòa nhạc trên ban công - nơi những nghệ sĩ biểu diễn cho người dân cùng khu cách ly - lan tỏa mạnh mẽ. Họ cover Nessun Dorma, Valerie, Imagine, và cả bản nhạc xuyên thấu tâm hồn Someone You Loved của Lewis Capaldi.
Trong thời dịch hạch, một người thổi trumpet của Milan đã thổi phiên bản lay động O Mia Bela Madunina, bài thánh ca của thành phố, dành cho tượng Đức mẹ trên đỉnh nhà thờ Il Doumo. Chiến dịch vỗ tay cho các y bác sĩ chống Covid-19 ở Anh gần đây là một ví dụ khác. Trong lúc này, không quan trọng bạn có phải nghệ sĩ hay không: nồi, chảo, đôi tay và những tiếng hét là đủ.
(Ca sĩ opera Pháp - Stephane Senechal - trình diễn ca khúc "O sole mio" từ cửa sổ nhà anh ở Paris)
Từ thời Ai Cập cổ đại, Hy Lạp và Văn minh cổ Babylon, âm nhạc đã được coi là một công cụ để chữa lành và gắn kết xã hội giữa bệnh dịch nguy hiểm. Khi dịch hạch bùng nổ ở thành Sparta (Hy Lạp) vào thế kỷ thứ bảy trước Công nguyên, các nhà lãnh đạo đã kiến nghị nhà thơ Thaletas hát những bài thánh ca, và Terpander - một nhà thơ Hy Lạp cổ đại nổi tiếng khác - được gọi tên trong dịch bệnh ở Lesbos. Thậm chí, Pythagoras - người tạo ra những định lý toán học nổi tiếng - cũng sử dụng âm nhạc như một phương pháp trị liệu, chơi những khúc nhạc trữ tình để trấn tĩnh những tên côn đồ say xỉn.
Ở Italy thời trung cổ, âm nhạc cũng vượt xa khỏi những cánh cửa sổ trên ban công. Trước khi kiến thức về bệnh dịch được truyền bá rộng rãi, những "cuộc diễu hành dịch hạch" là cảnh tượng thường thấy trên đường phố châu Âu. Cả thị trấn diễu hành, ca hát và cầu nguyện dưới tượng đài của các vị thánh địa phương, với những lời hô - đáp nhằm lôi kéo người tham gia. Remi Chiu, một nhà nghiên cứu âm nhạc tại đại học Loyola, tìm được nhiều điểm tương đồng giữa những cuộc diễu hành này với tiếng cổ vũ "Vũ Hán, cố lên" hồi tháng 1, khi Covid-19 bùng nổ ở Vũ Hán, Trung Quốc, hay những bài ca ái quốc trên ban công nhà ở Italy.
Giáo sư Remi Chiu cũng cho rằng âm nhạc là một công cụ mạnh mẽ để vượt qua bản ngã trong thời gian cách ly xã hội. "Khi sáng tác nhạc, bạn quy phục bản thân - cả tâm trí và cơ thể - theo những quy luật của nó. Và khi bạn tạo ra âm nhạc cho cộng đồng, hoặc chỉ là nhảy múa cùng hàng xóm của mình, bạn đã đồng thời đóng góp và đưa mình đến mục tiêu lớn hơn của cộng đồng". Công nghệ có thể lan tỏa tính cộng đồng này - thông qua một dòng tweet hay bài đăng trên Facebook, có thể truyền cảm hứng đoàn kết toàn cầu.
Xem tâm trí và cơ thể có mối liên kết nội tại, y học từ thời Hy Lạp cổ đại đã chỉ ra rằng một trạng thái tinh thần tích cực có thể mang lại hiệu quả tức thì trong điều trị bệnh lý. Thời Phục Hưng, các bệnh nhân được khuyến khích sáng tạo và nghiên cứu nghệ thuật, trêu đùa với bạn bè và chơi nhạc cụ, bởi năng lượng từ các hoạt động này sẽ kích hoạt tính humours (hài hước) - thứ vật liệu vô hình nhưng cấu thành vững chãi con người chúng ta.
Khi dịch hạch xuất hiện ở nước Anh, không phải ngẫu nhiên mà quốc vương Henry VIII đã chọn người nghệ sĩ chơi organ của mình làm một trong năm người cách ly cùng. Và như tiến sĩ Chris Macklin, cựu giáo sư âm nhạc tại Đại học Mercer, nghiên cứu về âm nhạc thời dịch bệnh, đã viết trong một bài đăng trên blog về nhà soạn nhạc nổi tiếng thế kỷ 14 Guillaume de Machaut - người đã phải chống chọi với đại dịch Cái Chết Đen nhưng không một tác phẩm nào của ông nhắc đến điều đó. Tại sao? Chris viết: "Âm nhạc là khoa học yêu cầu người ta vui cười, ca hát và nhảy múa. Nó không quan tâm đến sầu muộn và cũng không dành cho người u buồn".
Dĩ nhiên, nói về tính hài hước lúc này có vẻ khó tin. Nhưng không có lý do gì để loại bỏ âm nhạc. Nhà nghiên cứu Remi Chiu nói: "Âm nhạc đang chứng tỏ nó là thuốc giải độc thực sự cho nỗi sợ hãi, như các bác sĩ thời Phục Hưng từng nhận định". Đối với bệnh nhân tâm thần phân liệt, ung thư, đa xơ cứng và những trường hợp khác - ngay cả những người đang thở máy - liệu pháp âm nhạc có thể giảm đáng kể sự lo lắng, trầm cảm và đôi khi cả những triệu chứng bệnh tiềm tàng.
Tiến sĩ Chris Macklin viết: "Âm nhạc không phải là thứ xa xỉ trong thời gian khủng hoảng bệnh dịch. Nó là một điều thiết yếu". Giờ đây, khi chúng ta có cuộc sống đầy đủ hơn về công nghệ, khoa học và bản sắc toàn cầu, âm nhạc trở nên có giá trị hơn - và cần thiết - hơn bao giờ hết.