Văn minh thế giới nửa sau thế kỷ XX
05.01.2021
6261
Những hậu quả của Chiến tranh thế giới, chiến tranh lạnh và Toàn cầu hóa đã tạo một thế giới mà ở đó con người đoàn kết hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử loài người, được minh chứng bằng việc thiết lập luật pháp quốc tế, viện trợ quốc tế, và Liên Hiệp Quốc. Kế hoạch Marshall chi 13 tỷ đô la (tương đương 100 tỷ đô la năm 2018) để tái xây dựng những nền kinh tế tại những quốc gia sau chiến tranh - ra mắt "Pax Americana".
Trong suốt nửa cuối của thế kỷ 20, sự ganh đua giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đã tạo ra những căng thẳng to lớn trên khắp thế giới, biểu hiện trong các cuộc xung đột vũ trang khác nhau và nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân ở khắp nơi. Liên Xô tan rã năm 1991 sau sự sụp đổ của các quốc gia thành viên được Phương Tây coi là sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản, mặc dù vào cuối thế kỷ, khoảng một phần sáu dân số trên Trái Đất sống dưới chế độ cộng sản, hầu hết tại Trung Quốc - một quốc gia đang nổi lên như một siêu cường về kinh tế và địa chính trị.
Hình ảnh minh hoạ thế giới nửa sau thế kỷ XX. Ảnh: Internet
Từ những năm 40 của thế kỉ XX, loài người đang bước vào một cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần 2. Cuộc cách mạng này tới những năm 70 của thế kỉ XX được gọi là cuộc cách mạng khoa học công nghệ diễn ra do những lí do sau:
Do những nhu cầu về vật chất và tinh thần của con người càng ngày càng tăng cao, dân số tăng nhanh, trong khi đó các nguồn tài nguyên thiên nhiên cứ vơi cạn dần, điều đó đòi hỏi con người phải tìm ra các nguồn năng lượng mới, các loại vật liệu mới.
Trong chiến tranh thế giới II, các bên tham chiến đều tìm cách tăng tính cơ động của binh lính, tăng khả năng theo dõi đối phương... điều đó cũng góp phần thúc đẩy khoa học kĩ thuật phát triển.
Những thành tựu của khoa học kĩ thuật thế kỉ XIX cũng tạo tiền đề cho cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần này.
Nếu cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật thế kỉ XVIII diễn ra chủ yếu với nội dung cơ khí hoá, thì cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần này diễn ra trong mọi ngành khoa học cơ bản và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Đặc điểm của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần này là có sự gắn bó chặt chẽ giữa khoa học với kĩ thuật. Khoa học đi trước mở đường cho sản xuất. Khoảng cách từ phát minh khoa học đến việc áp dụng phát minh đó vào sản xuất để thu hiệu quả kinh tế ngày càng rút ngắn.
Từ những năm 70 của thế kỉ XX, cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần này được gọi là cuộc cách mạng công nghệ. Công nghệ bao hàm cả kĩ thuật, các kĩ năng quản lí, tổ chức, khả năng tiếp cận thông tin, khả năng tài chính, khả năng tiếp thị...
Người ta thống nhất công nghệ về một lĩnh vực nào đó thể hiện qua 4 nội dung sau :
• Phần thiết bị ( cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc...)
• Phần con người (đội ngũ nhân lực để vận hành, điều khiển, quản lí thiết bị...)
• Phần thông tin ( khả năng thu thập, xử lí thông tin )
• Phần quản lí, tổ chức ( các hoạt động tạo lập mạng lưới, tuyển dụng nhân lực, trả lương...)
2. Những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ nửa sau thế kỉ XX
Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã đạt được những thành tựu kì diệu trong mọi ngành khoa học cơ bản và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, rõ nét nhất là trong các ngành điện tử-tin học, năng lượng mới, vật liệu mới, công nghệ sinh học, kĩ thuật lade, khoa học vũ trụ.
Máy tính và rôbôt là những sản phẩm tiêu biểu của công nghệ điện tử-tin học. Từ những chiếc máy vi tính (compute) đầu tiên ra đời vào năm 1946 đến nay, máy tính đã trải qua bốn thế hệ. Từ những chiếc máy tính điện tử đầu tiên sử dụng bóng đèn điện tử chân không, rồi chất bán dẫn, vi mạch (mạch tích hợp IC - Integrated Circuit), vi mạch với độ tích hợp cao. Từ máy tính điện tử dẫn tới sự kết nối Internet, tạo ra mạng thông tin toàn cầu với khả năng trao đổi thông tin cực nhanh, giá rẻ.
Đội ngũ rôbôt công nghiệp ngày càng đông đảo, thông minh hơn và lĩnh vực tham gia hoạt động đang ngày càng mở rộng.
Nhiều loại vật liệu mới ra đời trong hoàn cảnh vật liệu thiên nhiên ngày càng vơi cạn dần. Những loại vật liệu mới này còn có những tính năng hơn hẳn vật liệu tự nhiên như siêu bền, siêu cứng, siêu nhẹ...Tên các loại vật liệu mới như composit, polyme, silic, sợi cáp quang... ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều loại năng lượng mới đã được con người sử dụng để biến thành điện năng như năng lượng nguyên tử, năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió...
Tia lade (laser) mới được phát minh ra từ những năm 60 của thế kỉ XX nhưng đến nay đã được áp dụng trong nhiều lĩnh vực, từ quân sự, thiên văn, y học, công nghệ in, thông tin liên lạc...
Công nghệ sinh học đã đạt được nhiều thành tựu đáng kinh ngạc, thậm chí đáng sợ. Công nghệ sinh học tập trung vào bốn lĩnh vực : công nghệ gien, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh, công nghệ enzim. Nhờ công nghệ sinh học, người ta đã tạo ra nhiều giống cây, con mới với những đặc tính ưu điểm khác hẳn các giống trong tự nhiên; nhiều loại dược phẩm mới ra đời, nhiều loại chất xúc tác mới xuất hiện...
Trong nghiên cứu vũ trụ, con người đã tiến những bước dài mà đi đầu là hai nước Liên Xô và Mĩ. Các tàu vũ trụ của Liên Xô và Mĩ đã đi thăm dò những hành tinh xa xôi ngoài Trái Đất. Liên Xô, Mĩ và giờ đây đang thêm nhiều nước khác đã phóng các vệ tinh nhân tạo đáp ứng nhu cầu truyền hình, thông tin toàn cầu, điều tra tài nguyên, dự báo thời tiết, mạng định vị qua vệ tinh...
Theo Lịch sử văn minh thế giới
Tin chọn lọc khác