Babylon là một nền văn minh ở khu vực Lưỡng Hà cổ đại. (1895 TCN – 539 TCN) Các di tích của thành quốc này được phát hiện ngày nay nằm ở Al Hillah, tỉnh Babil, Iraq, khoảng 85 km về phía nam thủ đô Baghdad. Nền văn minh Babylon để lại một dấu ấn quan trọng cho sự phát triển của loài người.
Nhà nước độc lập Babylon được thành lập bởi vị thủ lĩnh người Amorites là Sumuabum vào năm 1895 TCN. Triều đại đầu tiên của người Amorites đã xây dựng thành phố Babylon, nơi mà sau này trở thành đế quốc Cổ Babylon, một trong những đế quốc cổ nhất trong lịch sử thế giới.
Tọa lạc bên cạnh dòng sông Euphrate, Babylon nằm trong một thung lũng bằng phẳng, nhưng khô cằn và nắng hạn chứ không phải là một vùng đất giàu có tài nguyên, thời tiết thuận lợi hay nằm trên con đường giao thương nào. Babylon là một điển hình nổi bật của khả năng con người có thể đạt tới những mục tiêu vĩ đại, bằng cách sử dụng tất cả các phương tiện mà mình có được. Sự phát triển của cả thành phố rộng lớn này đều chỉ do bàn tay con người vun đắp. Tất cả sự giàu có của nó là nhờ ở con người. Lợi dụng điểm thuận lợi duy nhất là đất đai khá phì nhiêu do dòng sông Euphrate mang nhiều phù sa bồi đắp hàng năm. Bằng trí tuệ và bàn tay con người, những công trình vĩ đại nhất được các kỹ sư cổ đại nghiên cứu dần biến nới đây thành một vùng đất giàu có. Với những đập nước và kênh đào, một hệ thống thủy lợi đã biến vùng đất khô cằn thành vùng đất trồng trọt phì nhiêu. Nhờ vậy, người dân Babylon mới có thể cày cấy, trồng trọt và chăn nuôi, có được cuộc sống sung túc, giàu có trên mảnh đất quê hương mình.
Ngoài các công trình thủy lợi, Babylon có một thành tựu nổi bật thường được mọi người nhắc đến. Đó là công trình xây dựng bức tường thành rộng lớn bao bọc vương quốc. Quy mô xây dựng của nó có thể sánh ngang với các kim tự tháp vĩ đại ở Ai Cập. Đối với công trình này, nữ hoàng Semiramis được xem là người có công đầu tiên. Các nhà khảo cổ hiện đại vẫn chưa tìm được dấu tích của những bức tường thành nguyên thủy, nhưng theo số liệu từ các cổ vật khai quật được cho biết, chúng cao khoảng 15 đến 18 mét, mặt ngoài ốp bằng gạch nung, lại được bảo vệ bên ngoài bởi một đường hào sâu.
Trong thời kỳ trị vì của vua Nabopolassar và Nebuchadnezzar, thành Babylon là tòa thành vic đại nhất thế giới lúc bấy giờ.
Bên cạnh sự phát triển nông nghiệp, những thành tựu khoa học của một nền văn minh cổ cũng được phát triển rực rỡ và góp phần cho sự phát triển nhân loại ngày nay. Họ biết giải phẫu và mô tả được 40 loại bệnh. Vị thần bảo hộ y học Nilghidzida mà vật tượng trưng là rắn quấn quanh cái gậy, được dùng làm biểu tượng y học ngày nay.
Về toán học, họ biết các phép tính bình phương, khai căn, số pi, định lý tam giác vuông. Người dân Lưỡng Hà sử dụng hệ thống số đếm căn bản 60. Đây là nguồn gốc của giờ 60 phút và ngày 24 giờ hiện nay, cũng như vòng tròn 360 độ. Sự hiểu biết toán học này đã được sử dụng trong việc lập bản đồ. Đo thời gian bằng đồng hồ ánh nắng, đồng hồ nước chảy.
Về nghệ thuật, cư dân Babylon đã đạt được những thành tựu rực rỡ trong kiến trúc, hội họa, dệt, thêu, chế tác vàng bạc, chế tác những đồ binh khí bằng kim loại và những công cụ dùng cho nông nghiệp. Những người thợ kim hoàn đã chế tạo được những đồ trang sức rất đẹp và tinh xảo.
Bộ luật Hammorabi (1728 TCN) dưới thời kì trị vì của vua Hammorabi là bộ luật thành văn cổ nhất thế giới. Bộ luật có ảnh hưởng tới pháp chế của những dân tộc phương Đông cổ.
Dân cư được chia thành ba hạng người: dân tự do, tiện dân và nô lệ. Nguồn nô lệ chủ yếu được cấp từ nguồn tù binh chiến tranh, mua bán.
Nơi đây từng là nơi phát triển nhất Lưỡng hà thời cổ đại với vườn treo Babylon là một trong Bảy kỳ quan thế giới cổ đại. Từ một thị trấn nhỏ, nơi đây đã trở thành kinh đô của Đế quốc Babylon hùng mạnh và trở thành thành phố thánh địa của Lưỡng Hà.
Người Babylon có sức mạnh quân sự khá lớn trong khu vực. Dưới thời kì trị vì của vua Hammurabi (1810 TCN – 1750 TCN), Babylon đã bành trướng quyền kiểm soát ra toàn vùng Lưỡng Hà sau hàng loạt chiến thắng trong các cuộc chiến với các vương quốc láng giềng, đặc biệt là những chiến thắng trước những thành bang cuối cùng của Sumeria, khiến cho người Sumer bị đồng hóa vào cư dân Babylon và Assyria.
Từ khoảng năm 540 TCN trở về trước, không có một đạo quân xâm lược nào chiếm được Babylon. Thành Babylon vẫn kiên cố trước bất kỳ một sức mạnh quân sự nào. Về sau, nguyên nhân sụp đổ của vương quốc Babylon rất lạ lùng và khá bí ẩn. Vào thời đó, Cyrus – Hoàng đế Ba Tư, một trong những vị vua có tham vọng chinh phục các vương quốc lân cận, thể hiện ý đồ xâm lược Babylon. Những cố vấn của nhà vua Nabonidus đang trị vì xứ Babylon lúc bấy giờ thuyết phục rằng, thay vì chờ đạo quân của Cyrus đến bao vây thành, thì tốt nhất nên đem quân đi giao chiến. Nabonidus đã không suy tính kỹ nên đã cho xuất quân. Hậu quả là quân của Babylon liên tục bị thất bại. Nabonidus đành bỏ thành và chạy trốn khỏi vương quốc. Do thế, Cyrus đã chiếm lấy Babylon mà không gặp bất kỳ một sự kháng cự nào. Toàn bộ nền văn minh Babylon bị sáp nhập vào lãnh thổ Ba Tư vào năm 539 TCN.
Sau khi thất thủ, Babylon là nơi phát xuất của những cuộc nổi loạn, cho đến khi bị vua Xerxes I tiêu diệt vào năm 478 TCN. Sau khi chiếm được Babylon, Cyrus Đại đế vẫn duy trì vai trò của kinh thành Babylon đới với vùng Lưỡng Hà.
Các Hoàng đế của Ba Tư vẫn xưng những danh hiệu Hoàng gia Babylon xưa, và còn được gọi là "Đức Vua của Babylon, Đức Vua của các vùng đất".Tôn trọng văn hóa và quyền con người ở những nơi mình chiếm được, Cyrus Đại Đế rất được lòng dân chúng Babylon nói riêng và những nới khác mà ông chinh phạt, nhưng sau khi Cyrus qua đời thì xã hội Babylon cũng trải qua nhiều biến động và phải tới thời kỳ Xerxes I mới yên ổn.
Bài viết được tham khảo từ nguồn:
1. Người giàu có nhất thành Babylon – George S.Clason
2. Báo Trí Thức Trẻ - 06/03/2016
3. Ancient Mesopotamia – F. Leo Oppenheim