Xưa có đôi vợ chồng già, bà lão đều đặn mỗi buổi chiều đều làm lễ, gõ mõ, tụng kinh, còn ông lão thì thích lao động và ngắm nhìn thiên nhiên.
Bà lão là một người khó tính và sạch sẽ, còn ông lão hiền lành, nhưng rất hay đánh rơi đồ. Bà lão ngày nào cũng phải nhắc ông: “Ông đánh rơi thứ gì kìa”.
Đôi lúc bà đang ngồi thiền hay tụng kinh, ông lão lại làm rơi đồ tạo ra tiếng động lớn, khiến bà giật mình và khó chịu. Lúc đó, bà lại quay ra trách móc ông, song ông lão không phản ứng gì cả.
Việc đó cứ lặp đi lặp lại, cho tới một hôm, hai ông bà đang cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, ông lại làm rơi đồ. Lần này, bà lão mắng ông rất thậm tệ… Ông nghe bà mắng xong, liền nhẹ nhàng nói: “Bà đánh rơi thứ gì kìa!”.
Bà lão giật mình nhìn quanh mà không thấy thứ gì, lại quay lại lớn tiếng với ông: “Tôi rơi cái gì?”.
Ông từ tốn đáp: “Bà đánh rơi sự bình an, sự tĩnh lặng của bà. Cuối mỗi ngày, bà lại đều đặn nhặt lại sự bình an của mình bằng tụng kinh hay gõ mõ, rồi bà làm đánh rơi nó ngay lập tức mà chẳng hề nhận ra”.
Sự bình an không đến từ hình thức, mà đến từ sâu thẳm trong nội tâm của bạn. Ngày nay, cuộc sống hiện đại với quá nhiều mối lo toan, để tạm thoát ra khỏi những căng thẳng, bon chen, nhiều người tìm đến những ngôi chùa hay những địa điểm du lịch sinh thái, với mong mỏi tìm lại chút bình yên. Tuy nhiên, những điều trên chỉ có thể đem lại cảm giác thanh thản ngắn hạn mà thôi. Có nhiều người rất năng đi chùa lễ bái và thờ cúng, cũng mang theo cái tâm kính ngưỡng đáng trân quý. Thế nhưng, Phật gia thường nói, Phật chỉ nhìn nhân tâm, không nhìn hình thức. Dẫu rằng có tụng kinh, lễ bái nhiều đến đâu đi chăng nữa, nhưng ra khỏi cửa chùa, lại vẫn như trước kia, thích làm gì liền làm nấy, khi trở về với cuộc sống thường nhật, lại để những cảm xúc tiêu cực dễ dàng chi phối mình. Đó chẳng phải đã uổng công là gì?
Khi bạn biết nhẫn nhịn, không đôi co, chẳng cầu hơn thua, được mất, mà bình hòa, lấy bao dung và thiện lương để đãi người, đãi việc, bạn sẽ cảm nhận được trường năng lượng thuần tịnh và cảm giác bình an trong tim mình. Thường hằng duy trì sự tĩnh tại, hòa ái ấy, cũng như bạn đang được gột rửa mình trong ánh sáng của Phật Pháp vậy. Có lẽ, khi trách móc ai đó hậu đậu, thì chính bạn đã hậu đậu làm rơi sự bình an của mình trước mất rồi…
Nguồn: Tham khảo