Với sự phát triển như vũ bão của các kĩ thuật công nghệ, âm nhạc hiện tại đã không còn là âm nhạc của ngày trước. Ngày nay, nhiều loại hình âm nhạc mới nổi lên với đa dạng các cách biểu diễn. Trong âm nhạc cũng có sự tiếp nhận và giao lưu giữa các quốc gia. Chính điều này đã làm cho nền âm nhạc của Việt Nam mất đi những màu sắc dân tộc.
Trào lưu nhạc EDM (nhạc điện tử), nhạc Indie (nhạc độc lập – người thể hiện có thể tự thu âm và phát hành, không phụ thuộc vào các nhân tố nào khác),… ngày càng được phổ biến. Tại Việt Nam, các loại hình âm nhạc này được giới trẻ tiếp nhận một cách mạnh mẽ. Đặc biệt, phổ biến nhất trong thị trường âm nhạc là nhạc Hàn Quốc. Với âm nhạc nước nhà, nhạc trẻ Việt Nam cũng đang nỗ lực lấy vị trí đứng đầu trong nước của mình. Nhưng nhạc truyền thống – loại âm nhạc cổ xưa, thì lại đang dần bị quên lãng.
(Nhạc hiện đại hiện nay đang dần chiếm chỗ cho các thể loại nhạc truyền thống)
Nhạc truyền thống là loại âm nhạc có giá trị lịch sử của Việt Nam. Từ phương Bắc tới phương Nam, nhạc cổ truyền không bị giới hạn về phạm vi. Mỗi vùng đều có những âm nhạc riêng, nhưng gộp chung tất cả sẽ trở thành nhạc truyền thống của dân tộc. Nhờ có lịch sử lâu đời, nhạc truyền thống dù không được ưa chuộng nhưng cũng thường được nhắc tới. Thế nhưng không giữ gìn thì loại âm nhạc nào cũng có thể mất đi. Và nhạc cổ xưa này chính là đối tượng cần bảo vệ hiện nay.
Để tồn tại trong xã hội hiện đại, nhạc truyền thống không thể dùng các phương thức như các loại nhạc khác. Chỉ có sự kết hợp truyền thống – hiện đại mới là một trong những cách mà loại âm nhạc này phải sử dụng để thu hút giới trẻ. Thực hiện mục đích này, nhiều chương trình âm nhạc sử dụng nhạc cụ truyền thống biểu diễn nhạc hiện đại đã được thực hiện. Một số khu vực đã có những câu lạc bộ chuyên biểu diễn âm nhạc truyền thống được thành lập. Sự lên ngôi của một loạt ca khúc như “Bống bống bang bang”, “Bánh trôi nước”, “Kiều”, “Tương tư”… cho thấy các nhạc sĩ trẻ đã tận dụng khai thác hiệu quả những yếu tố truyền thống để đưa vào ca khúc của mình.
(Giới trẻ thích thú với cách kết hợp nhạc truyền thống với nhạc hiện đại)
Bằng cách đổi mới nhưng vẫn lưu lại các giá trị cốt lõi, nhạc dân tộc có thể tồn tại trong xã hội hiện đại mà không bị thay thế. Dù khó khăn về vấn đề kinh tế nhưng nó luôn được tôn trọng bởi các giá trị tinh thần.