Năm buồn của Huawei
Theo số liệu được IDC công bố, thị trường smartphone Trung Quốc quý 1 năm 2020 sẽ suy giảm tới 40%. Trong cơn bão kinh tế do dịch bệnh nCovid-19 gây ra, các nhà sản xuất Trung Quốc đang hiểu rõ rằng họ không thể tiếp tục phụ thuộc quá lớn vào duy nhất một thị trường – dù đó là "sân nhà", nơi họ đã hất cẳng toàn bộ các nhà sản xuất quốc tế (trừ Apple).
Nhưng khi bành trướng ra các thị trường quốc tế, Huawei, Xiaomi, OPPO và Vivo lại gặp phải một vấn đề khác. Không giống như ở Trung Quốc vốn là nơi Google bị cấm hoạt động, người dùng tại Ấn Độ, Việt Nam hay bất kỳ một thị trường nào khác đều đòi hỏi các dịch vụ như Gmail, Google Play, Google Maps và YouTube. Điều này buộc các nhà sản xuất phải sử dụng đến Android của Google, cài đặt sẵn các dịch vụ Google khi xuất xưởng.
Theo công bố mới nhất, Huawei thiệt hại tới 12 tỷ USD vì lệnh cấm của Mỹ.
Năm ngoái, lệnh cấm được tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên Huawei đã khiến hãng này nhanh chóng rơi vào tình cảnh khó khăn tại các thị trường như Ấn Độ hay Việt Nam. Buộc lòng, Huawei phải quay trở lại và phụ thuộc hơn nữa vào thị trường quê nhà: cả năm 2019, doanh số smartphone bán ra tại Trung Quốc của Huawei chiếm tới 60% tổng doanh số công ty. Theo ý kiến của các nhà phân tích thị trường được Business Insider phỏng vấn, đại dịch nCovid sẽ gây ảnh hưởng nặng nề tới Huawei, nhất là khi hãng này đang tham vọng triển khai 5G trong năm nay.
Những lối đi tìm tương lai
Với các hãng khác, Huawei chính là hồi chuông cảnh tỉnh. Chừng nào còn phụ thuộc vào Google, họ vẫn sẽ còn nguy cơ rơi vào tình cảnh như Huawei hiện tại. Một con đường đi tất yếu được vạch ra trước mắt các hãng Trung Quốc: tìm giải pháp để thay thế Android-của-Google.
Liên minh Dịch vụ cho Các Nhà phát triển Toàn cầu, hay GDSA có thể chính là giải pháp mà Xiaomi, OPPO Vivo (và Huawei) đang nhắm tới. Được thành lập từ 2019, đến cuối năm GDSA bắt đầu thu hút sự chú ý khi công bố các ứng dụng phát hành qua tổ chức này sẽ được đăng tải đồng nhất lên các chợ ứng dụng của Xiaomi, OPPO và Vivo. Nhiều nguồn tin thế giới cho rằng Huawei cũng sẽ tham gia vào GSDA, song đến nay vẫn chưa có thông báo chính thức nào từ hai phía.
2019 chứng kiến các nhà sản xuất Trung Quốc tham gia vào một liên minh phần mềm riêng.
Trên trang web chính thức của GSDA cho biết sẽ cung cấp "các dịch vụ hợp nhất bao gồm phát hành nội dung, hỗ trợ nhà phát triển, marketing, quảng bá thương hiệu và thương mại hóa băng thông cho các nhà phát triển trên toàn cầu". Nói cách khác, GSDA muốn cung cấp các dịch vụ không khác nhiều so với Google Play và Apple App Store hiện nay.
Rất nhiều chuyên trang công nghệ trên toàn cầu đã lên tiếng khẳng định về sức mạnh tiềm tàng của một liên minh chợ ứng dụng Trung Quốc. Trong một bài viết có tên "Đừng đánh giá thấp liên minh chợ ứng dụng Trung Quốc", Android Authority chỉ ra cứ 4 chiếc smartphone bán ra trên toàn cầu trong năm 2019 thì có 3 chiếc đến từ Trung Quốc. Công ty nghiên cứu thị trường Canalys cho rằng một liên minh giữa 4 ông lớn Trung Quốc cũng sẽ giúp tạo ra "thêm sức mạnh đàm phán để đối đầu với Google".
Tính tổng cộng, 4 thương hiệu lớn nhất Trung Quốc là Xiaomi, OPPO, Vivo và Huawei nắm giữ 40% thị phần toàn cầu trong năm 2019 (số liệu Counterpoint). Tất cả các thương hiệu này đều có phiên bản Android riêng (MIUI, ColorOS, EMUI) cài đặt trên smartphone bán ra tại Trung Quốc. Trước khi thông tin về GSDA được công bố, Huawei cũng đã công khai ra mắt hệ điều hành HarmonyOS, một bước đi được coi là để thay thế Android. Nền tảng phần mềm Huawei Mobile Services sau đó cũng đã được vén màn, quy tụ các ứng dụng nền tảng có mục đích tạo ra Android của riêng Huawei.
Một tỷ lệ lớn smartphone bán ra trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc và/hoặc mang thương hiệu Trung Quốc.
Tuy vậy, thay thế Android hay "hất cẳng" Google khỏi Android sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Khi nói về sức mạnh của các nhà sản xuất Trung Quốc, các nguồn tin đã quên đi một sự thật quan trọng: chỉ duy nhất smartphone bán ra tại Trung Quốc là KHÔNG cần đến Google. Smartphone OPPO bán tại Việt Nam vẫn cần cài các dịch vụ Google, smartphone Xiaomi bán tại Ấn Độ hay Vivo tại châu Âu cũng vậy.
Google không phải là tay mơ
Tại các thị trường ngoài Trung Quốc, Google đã chuẩn bị sẵn rất nhiều những sợi dây trói buộc các thương hiệu Android. Khá trớ trêu, bất kỳ một thương hiệu/nhà sản xuất nào tham gia vào "Liên minh Điện thoại Mở" ("Open Handset Alliance", tức OHS) của Google đều sẽ bị CẤM sản xuất các thiết bị dùng Android "thừa", không dùng dịch vụ Google. Ví dụ, khi Acer sản xuất tablet chạy Android của Alibaba, Google đã dùng điều khoản của OHS để buộc Acer phải khai tử chiếc tablet này.
Điều khoản này cũng áp dụng với các công ty lắp ráp/linh kiện như Foxconn, Pegatron và Compal, vốn đều được Huawei và Xiaomi sử dụng. Nếu Huawei hay Xiaomi phát triển một phiên bản Android riêng và đem đến Việt Nam, Ấn Độ hay châu Âu để cạnh tranh với Android-của-Google, Google có cơ sở dùng OHS để giết chết những chiếc điện thoại này từ trong trứng nước.
Thoát khỏi Google là nhiệm vụ bất khả thi.
Thật trớ trêu, Huawei vừa là minh chứng cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc nên thoát khỏi vòng kìm kẹp của Google, vừa là minh chứng cho thấy nhiệm vụ này là hoàn toàn bất khả thi. Cứ mỗi lần mạnh miệng tuyên bố không cần tới Google, Huawei lại ngay lập tức công bố luôn sẵn sàng nối lại mối quan hệ hợp tác. Gần đây nhất, bên lề sự kiện P40 Pro, hãng smartphone số 1 Trung Quốc công khai bày tỏ mong muốn Google sẽ đưa các ứng dụng thuộc Google Play lên hệ sinh thái Huawei Mobile Services.
Không khó để nhìn ra vì sao Huawei vẫn phải quỵ lụy Google. Ngay sau khi hãng này bắt đầu "bốc hơi" khỏi các thị trường như Ấn Độ và Việt Nam, chỗ trống để lại đã nhanh chóng được vùi lấp bởi các hãng smartphone khác, có dịch vụ Google. Theo số liệu IDC, doanh số smartphone Android trên toàn cầu năm 2019 là 1 tỷ 180 triệu. Trong số này, chỉ có 304 triệu chiếc bán ra tại Trung Quốc, 840 triệu chiếc còn lại được bán trên các thị trường quốc tế. Các hãng Trung Quốc có thể nắm phần lớn smartphone Android bán ra, nhưng nếu mất Google, họ sẽ mất 3/4 doanh số trên toàn cầu.
Trí Thức Trẻ