Chuyện không của riêng ai
Khi bắt đầu học ngành Ngôn Ngữ Anh, cảm giác không thoải mái cứ hay xuất hiện trong cuộc sống của tôi.
Ngay từ những tiết học đầu tiên trên giảng đường, tôi đã gặp không ít khó khăn bởi việc học ngoại ngữ không hẳn là năng khiếu của tôi. Cảm giác khó chịu cứ thế bám dai dẳng theo tôi trong suốt những năm tháng sau đó.
Dĩ nhiên, cảm giác ấy không phải lúc nào cũng xuất hiện 24/24, nó chỉ thỉnh thoảng hiện diện trong vài khoảnh khắc và vào một số giai đoạn nhất định.
Tôi vẫn còn nhớ vào khoảng năm 2 đại học, đó là lúc chương trình học bắt đầu khó và nặng kiến thức hơn, điểm số của tôi bắt đầu xấu đi, việc tiếp thu kiến thức bắt đầu khó khăn hơn và tôi bắt đầu hoài nghi về chính bản thân mình: "Có chắc rằng ngành học này phù hợp với mình? Phải chăng mình chưa đủ sự cần cù và chăm chỉ? Mình thật sự giỏi điều gì? Mình sẽ có thể kiếm được tiền, mình sẽ có thể hạnh phúc nếu như kiên trì theo đuổi việc học ở đây?"
Có thể bạn sẽ tìm thấy mình đâu đó trong câu chuyện của tôi.
Cảm giác không thoải mái vẫn không hề biến mất ngay cả khi chúng ta có việc làm
Cảm giác không thoải mái cũng kéo dài cho đến khi tôi bắt đầu có công việc full-time đầu tiên. Hàng loạt những lo âu lại xuất hiện và bủa vây trong đầu tôi: "Mình có phù hợp với công việc này? Phải chăng tất cả những cố gắng của mình bấy lâu nay là vô nghĩa? Mình có đang thật sự hài lòng với cuộc sống hiện tại?".
Tôi tự tin với việc viết lách. Thế nhưng, công việc của một người biên tập viên không chỉ dừng lại ở việc viết lách. Đôi khi tôi lại cảm thấy mình khá e dè khi bắt đầu một vài nhiệm vụ khác mới mẻ và thách thức hơn.
Trong những tình huống đó, điều mà tôi có thể nói với bản thân mình đó là: "Đây thực sự là một cơ hội tốt – một cơ hội để tôi học được những điều mới và đạt được những kết quả mới". Quan trọng hơn hết, đây chính xác là con đường sự nghiệp mà tôi khao khát và chọn theo đuổi.
Muốn phát triển, hãy nhảy ra khỏi vùng an toàn
Không ai bảo rằng: "Tôi thích cảm giác khó chịu". Song, sự khó chịu mà bạn thường ghét bỏ và phàn nàn lại nắm giữ một vai trò quan trọng trên con đường phát triển bản thân.
Có thể việc lặp đi lặp lại những điều thoải mái và nằm trong tầm kiểm soát sẽ giúp bạn cảm thấy hài lòng, nhưng về lâu dài, điều này có thể ảnh hưởng đến độ nhạy của bạn. Bạn không tin sao?
Vậy hãy nhắm mắt lại và bắt đầu nghĩ về cuộc sống của bạn trong thời gian gần đây. Có bao giờ (hoặc đã bao nhiêu lần) bạn trải qua cảm giác không-nhớ-điều-gì-đã-xảy-ra sau đoạn đường mà bạn di chuyển từ nhà đến văn phòng?
Trong một cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã kiểm tra trí nhớ của người tham gia bằng cách cho họ xem những hình ảnh mới lạ, quen thuộc và rất quen thuộc. Kết quả cho thấy, người tham dự có xu hướng ghi nhớ những hình ảnh mới lạ rồi mới đến hình ảnh quen thuộc.
Không phủ nhận rằng để ghi nhớ một điều gì đó, việc lặp lại nhiều lần đóng vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, sự hòa trộn những thông tin mới cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện trí nhớ. Và đó cũng là lý do mà bạn nên nắm giữ những khoảnh khắc mà bạn không thoải mái.
Việc đặt mình vào một tình huống mới lạ không chỉ giúp bạn cải thiện trí nhớ mà còn giúp não bộ của bạn được kích hoạt và giải phóng dopamine – một loại hormone hạnh phúc. Điều này chỉ xảy ra khi bạn được nhìn thấy hoặc trải nghiệm những điều hoàn toàn mới lạ.
Có rất ít người tận hưởng cảm giác khó chịu (và cũng không có lý do gì quá phức tạp để giải thích cho câu chuyện này). Thách thức mà bạn cần phải chấp nhận ở đây đó là dám vượt qua cảm giác khó chịu ban đầu để có thể phát triển và gặt hái những hoa thơm quả ngọt từ những giây phút không dễ dàng ấy.
Làm thế nào để kiểm soát tốt cảm giác không thoải mái?
1 – Biết rõ mình đang suy nghĩ điều gì
Nhưng làm bằng cách nào? Không phải phương pháp nào cũng phù hợp với tất cả mọi người, song, bạn có thể bắt đầu thử bằng cách đọc sách, thiền định hoặc tâm sự cùng bạn bè.
Các nhà thần kinh học tại Đại học Brown đã chỉ ra, bạn không thể hoàn toàn "tẩy não" bản thân mình, thay vào đó, bạn có thể chú tâm và làm rõ những suy nghĩ của bạn. Bằng cách này, bạn sẽ dễ dàng làm chủ được cảm xúc và ý nghĩ của mình.
Và đôi khi, việc cầm bút lên, viết xuống tờ giấy trắng những dòng suy nghĩ của mình cũng là một cách hay ho để bạn có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
2 – Xác định rõ nguyên nhân xuất hiện cảm giác không thoải mái
Rất có thể bạn biết được lý do vì sao mình lại cảm thấy không thoải mái, chẳng qua là vì bạn chưa thể nhận ra ngay lập tức vì sao bạn lại như thế.
Đâu chính là nguồn gốc kích hoạt những cảm xúc rối bời trong bạn? Bạn e ngại bị từ chối ngay từ email đầu tiên? Bạn xấu hổ khi trả lời phỏng vấn cho một chương trình truyền hình? Điều quan trọng là bạn phải làm rõ được nguyên nhân gốc rễ vì sao mình lại khó chịu như vậy.
Cảm giác không thoải mái đồng nghĩa với việc bạn đang làm điều gì đó mà người khác chưa thể làm được, vì họ vẫn đang lẩn trốn trong vùng an toàn của chính họ. Song, một khi sự không thoải mái mà bạn phải trải qua đem đến cho bạn sự thành công thì phần thưởng mà bạn nhận được sẽ càng ý nghĩa hơn.
3 – Hồi tưởng và suy ngẫm
Bạn đã bao giờ trải qua tình huống khó chịu như thế này chưa? Nếu có, bạn đã giải quyết nó như thế nào? Đây là lúc để bạn ăn mừng những chiến thắng nhỏ trước đây, và cũng là dịp để nhắc nhở bản thân mình về một cơ hội phát triển bản thân trong một tình huống không thoải mái gì lắm như lúc này.
Bạn cũng nên tính đến những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, nhưng cũng nên nhớ rằng, yếu tố quyết định thành công của bạn trong tương lai không phải là những thất bại mà bạn đã từng trải qua, mà là cách bạn đối diện với những thất bại ấy.
Miễn là bạn học được từ những sai lầm của mình thì bạn sẽ khiến bản thân mình trở nên giá trị hơn, hãy trân trọng những điều đó.
4 – Dám chấp nhận thử thách
Bạn có rất nhiều ý tưởng, bạn muốn thực hiện nhưng lại e ngại, không phải một lần mà nhất nhiều lần. Cảm giác khó chịu, lo sợ và không chắc chắn cứ bám lấy bạn. Đó cũng là lúc bạn bắt đầu xiêu lòng với những ngờ vực và sợ hãi của chính mình lẫn những người xung quanh. Giọng nói trong đầu bạn bắt đầu "sinh sôi nảy nở" những điều tiêu cực.
Mark Zuckerberg từng chia sẻ rằng: "Rủi ro lớn nhất là không dám chấp nhận bất kỳ rủi ro nào. Trong một thế giới đang ngày một thay đổi nhanh chóng, chiến lược duy nhất đảm bảo rằng sẽ thất bại là không chấp nhận những rủi ro".
Dĩ nhiên, không phải bất kỳ cảm giác không thoải mái nào cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bạn. Bạn cần phải chọn lọc "tại sao", "khi nào", và "như thế nào" cho những tình huống khó chịu mà mình sẽ chấp nhận và đối mặt. Hãy trang bị cho bản thân mình đủ sự can đảm, nhận thức và hiểu biết để bạn có thể nhìn rõ được vấn đề.
Hoa thơm quả ngọt luôn chờ đón bạn ở phía trước
Và ngay cả khi bạn gặp thất bại thì cũng đừng trách móc bản thân mình. Không ai mà không mắc phải sai lầm trong cuộc đời này. Học tập là việc phải tiếp tục suốt đời.
Đừng quên tìm kiếm sự trợ giúp nếu bạn biết rằng mình không thể xoay sở một mình. Việc tìm kiếm sự giúp đỡ không phải là dấu hiệu cho thấy bạn không biết làm thế nào với công việc của mình, mà đó là dấu hiệu của việc bạn ham học hỏi và mong muốn được phát triển.
Mỗi khi nhìn lại con đường mà mình đã từng đi qua, tôi thấy rằng đó không phải là một con đường dễ dàng gì. Nhưng thật sự, tôi thầm biết ơn bản thân vì những gì mà mình đã dám buông bỏ, dám chấp nhận, dám lựa chọn, dám đánh đổi và dám đối mặt trong quá khứ.
Bạn có biết, "Không", không có nghĩa là "Không thực hiện được", mà nó có nghĩa là "Không phải vào lúc này"? Mọi quá trình đều cần phải có thời gian. Mọi việc đều có thời điểm riêng của nó. Điều mà cả bạn, cả tôi, cả chúng ta bắt buộc phải làm đó là tập trung trau dồi năng lực của mình, sẵn sàng đón nhận những thử thách mới. Hoa thơm quả ngọt luôn chờ đón chúng ta ở phía trước.
Theo Barcode, Forbes, freeCodeCamp, Thrive Global