Phong trào Tây Sơn khởi phát ở Tây Sơn Thượng đạo, nhanh chóng quy tụ và tỏa rộng lực lượng, chiếm lĩnh toàn bộ phủ Quy Nhơn, phát triển ra Bắc, vào Nam, lần lượt quật ngã các chính quyền vua Lê - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong, mở đường khôi phục quốc gia thống nhất, đánh tan các cuộc chiến tranh xâm lược của quân Xiêm và quân nhà Thanh. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Tây Sơn hạ đạo mới chính là nơi khởi nguồn, họp bàn kế sách của anh em Tây Sơn.
Tây Sơn hạ đạo
Bến Trường Trầu là địa danh thuộc khu vực Tây Sơn hạ đạo (huyện Tây Sơn ngày nay), là nơi gắn bó với tuổi thơ của anh em nhà Tây Sơn trước khi phất cờ khởi nghĩa, thường là nơi họp bàn kế sách cho các cuộc chiến của 3 anh em Nguyễn Huệ.
(Tranh minh họa cuộc khởi nghĩa Tây Sơn trong sách sử)
Đây cũng là nơi ba anh em nhà Tây Sơn được sinh ra và lớn lên. Sau này, điện thờ được xây dựng lại ở ngay trên khu vực nhà cũ ngày xưa ở Tây Sơn hạ đạo. Trong đó, có cây me Tây Sơn - đó chính là nơi Nguyễn Nhạc trước đây bàn việc nước với các nghĩa sĩ và cũng là nơi nhân dân bí mật thờ ba anh em Tây Sơn sau khi điện thờ bị đốt cháy.
Về sau, nơi này xây lên điện thờ Tây Sơn tam kiệt trên nền ngôi nhà hồi sinh thời của ba anh em. Điện có ba gian, chính giữa thờ Quang Trung hoàng đế, trái thờ Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc, bên phải thờ Đông Định Vương Nguyễn Lữ, tả hữu điện thờ là các quan văn võ nhà Tây Sơn.
(Hình vẽ Tây Sơn tam kiệt minh họa)
Sau khi nhà Tây Sơn thất bại, tất cả những gì thuộc về triều đại này đều bị phá hủy hết, bao gồm cả khu vực đền thờ này. Nhưng với tấm lòng của người dân ở đây, họ đã góp công góp của xây dựng lại một ngôi đình và để che mắt nhà Nguyễn, nơi đây được gọi là đình Chương Mỹ rồi xin sắc phong của triều định. Sau khi thành công hết thì họ lại bí mật thờ ba anh em Tây Sơn ở quê nhà.
Di tích Gò Lăng ở thôn Phú Lạc, huyện Bình Thành, Tây Sơn, tỉnh Bình Định ngày nay được xác định là quê hương của các thủ lĩnh Tây Sơn. Tương truyền, vùng Ấn Sơn, nằm trong dãy núi Hoành Sơn cũng là nơi trời đất đã ban kiếm lệnh và ấn triện cho ba anh em Tây Sơn trước khi khởi binh dựng nghiệp.
Võ thuật và trống trận Tây Sơn là hai di sản phi vật thể được truyền lại từ khởi nghĩa Tây Sơn năm xưa còn di truyền lại ở Tây Sơn hạ đạo. Tại đây, ba anh em Tây Sơn đã hoàn thiện, cải cách các võ phái Bình Định, nâng cao các bài quyền, binh khí để truyền cho nghĩa quân, thao luyện cho trận đánh lịch sử.
Và cũng đã hơn 200 năm trôi qua kể từ triều đại Tây Sơn sụp đổ nhưng trên quê hương của người anh hùng áo vải Quang Trung - Tây Sơn hạ đạo vẫn còn lưu giữ rất nhiều di tích của cuộc khởi nghĩa với sức sống bền chặt trong lòng mỗi người dân.