Từ chỗ sử dụng cướp biển...
Cuối thế kỷ XVIII-đầu thế kỷ XIX, trên con đường tìm cách khôi phục ngai vàng cho dòng họ, Nguyễn Ánh đã khéo léo kết giao và tìm kiếm sự ủng hộ từ lực lượng cướp biển trong vùng Vịnh Thái Lan.
Bấy giờ nhóm cướp của Hà Văn Hỉ, bị nhà Thanh truy đuổi phải dạt sang vùng Phú Quốc, Hà Tiên đã giúp đỡ Nguyễn Ánh (sau thất bại trước quân Tây Sơn ở trận thủy chiến Rạch Gầm, Nguyễn Ánh bị vua Xiêm lạnh nhạt).
Tại đảo Cổ Cốt thuộc Vịnh Thái Lan, để đáp trả ân tình, Nguyễn Ánh phong cho Hà Văn Hỉ chức Quản tuần Hải đô dinh đại tướng quân, các tướng dưới quyền khác cũng được trao các chức Khâm sai, Tổng binh, Phó Kỵ úy,…
Minh họa tàu cướp biển trên biển.
Theo sách Đại Nam thực lục, ngoài việc dựa vào lực lượng cướp biển để chống lại nhà Tây Sơn, trong một vài trường hợp, vua đầu triều Nguyễn còn dùng những tù binh cướp biển người Hoa cho mục đích bắc cầu ngoại giao với nhà Thanh để tìm kiếm sự ủng hộ về mặt quân sự.
Đến việc tấn công tiêu diệt!
Trong tư tưởng của Nguyễn Ánh phân chia rạch ròi hai nhóm cướp, một là tập trung sức lực tấn công các nhóm ủng hộ nhà Tây Sơn cũng như các nhóm gây hại cho phe Nguyễn Ánh và hai là dung nạp các lực lượng muốn tham gia và có lợi cho hoạt động chính trị của ông.
Tuy nhiên, theo thời gian và những chiến thắng quân sự với nhà Tây Sơn, quan điểm và chính sách của Nguyễn Ánh đối với cướp biển cũng có sự điểu chỉnh căn bản, đó chính là tập trung truy quét và tiêu diệt lực lượng này, bảo vệ độc lập trên biển.
Minh họa quân đội nhà Nguyễn tấn công cướp biển
Trên đường truy quét quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đã thẳng tay tiêu diệt nhóm cướp biển của Tề Ngô, Tàu Ô. Sau khi lên ngôi vua, ông còn tận dụng sức mạnh quân sự của đạo quân hùng mạnh bước ra từ chiến thắng tập trung truy kích các nhóm cướp biển hoạt động ở vùng biển Quảng Ninh. Nhờ vậy, khoảng ba thập kỷ đầu của nhà Nguyễn nạn cướp biển không mấy đáng ngại.
Từ khoảng những năm 1832 dưới thời vua Minh Mệnh, cướp biển người Hoa có xu hướng hoạt động mạnh. Trước tình hình đó, nhà nước và quân đội đã có nhiều biện pháp cứng rắn và cũng có những động thái kỳ quặc nhằm kiềm tỏa nạn cướp biển tham vọng tiêu diệt lực lượng này.
Thời vua Tự Đức, theo đề nghị của tướng Nguyễn Tri Phương để gia tăng lực lượng quân đội và chống lại nạn cướp biển, nhà vua đã cho mua lại những súng đại bác lớn từ thuyền buôn Trung Quốc. Thậm chí người đứng đầu nhà Nguyễn còn cử đại diện ra nước ngoài mua cả tàu máy hơi nước.
Khi các biện pháp quân sự và sử dụng vũ khí đương thời không mấy hiệu quả, vì quá túng cùng triều đình nhà Nguyễn đã buộc phải nhờ cậy đến các thuyền buôn Trung Quốc và lực lượng hải quân Pháp để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, các lực lượng này chỉ đồng ý hợp tác trong thời gian ngắn và đưa ra nhiều yêu sách gây phiền lòng nhà vua, nên cách này không đạt được hiệu quả.
Có thể thấy, mặc dù đã có ý thức ngay từ đầu trong việc đối phó với hải tặc người Hoa, và các vua đầu triều Nguyễn đã tiến hành nhiều kế sách quan trọng, nhưng những kế sách này càng về sau càng tỏ ra bị động và kém hiệu quả.
Nguồn: Tham khảo