Bạn có thể đọc, nghe, viết tiếng Anh khá thoải mái nhưng khi phải mở miệng ra nói một câu tiếng Anh nào đó với người nước ngoài thì … Oops, từ vựng bay đâu hết. Không hiểu diễn đạt câu thế nào đây. Bạn cho rằng mình không có bạn nước ngoài để luyện nói tiếng Anh thì chẳng bao giờ có thể tiến bộ được. Thực ra, bạn hoàn toàn có thể tự luyện nói tiếng Anh. Vậy bạn hãy thực hành ngay những bí kíp thực sự hữu dụng dưới đây nhé!
1. Hạn chế để gián đoạn
Vấn đề bạn thường gặp phải khi giao tiếp là khó có thể nói trôi chảy khi không chắc về ngữ pháp hoặc từ vựng. Việc này khiến người nghe khó tập trung vào những gì bạn đang nói. Giải pháp là hãy tự chuẩn bị một số cụm từ chêm vào để phần nói không bị gián đoạn. Những từ, cụm từ đó không bổ trợ gì về nghĩa nhưng mang lại một chút thời gian để suy nghĩ về những gì cần nói.
Một số ví dụ về cụm từ này là: Um, uh, You know (Bạn biết đó), To be honest (Thành thực mà nói), Actually (Thực ra)...
Tuy nhiên, bạn không nên lạm dụng chúng. Quá nhiều cụm từ như vậy cũng tệ như gián đoạn bài nói quá nhiều lần. Để cân bằng, hãy tự luyện tập bằng cách tìm một chủ đề cảm thấy thoải mái nói trong vài phút và ghi âm lại. Khi hoàn tất, hãy nghe lại bản ghi âm để xem thói quen sử dụng các cụm từ đó để điều chỉnh.
2. Tìm nhịp điệu nói tốt
Việc tìm ra nhịp nói hoàn hảo sẽ giúp cải thiện sự trôi chảy, tạo cảm giác thoải mái cho bạn và người nghe, giúp bạn tập trung và có đủ thời gian để suy nghĩ thấu đáo những gì muốn nói.
Để tìm ra tốc độ hoàn hảo, bạn có thể thử nghiệm một chút bằng cách tìm một đoạn văn ngắn, hoặc thậm chí chỉ một câu nói để nói lại từ từ, sau đó nói nhanh hơn và lặp lại. Khi tiếp cận một bài phát biểu mà không cảm thấy thoải mái, hãy giảm tốc độ. Cứ như vậy, bạn sẽ tìm được nhịp nói của mình.
Khi tìm được tốc độ phù hợp, bạn có thể điều chỉnh nhịp điệu, đó là trọng âm và ngữ điệu (âm cao hay thấp) của giọng nói. Để làm được điều này, hãy chọn một video có phụ đề. Từ video này, bạn chọn một câu, phát một lần rồi phát lại và nói câu đó theo video. Hãy nói đi nói lại và cố gắng khớp tốc độ, trọng âm, âm thanh tổng thể của câu khi bạn nói.
3. Đảm bảo người khác hiểu những gì bạn nói
Do rào cản ngôn ngữ, bạn không chắc chắn liệu mọi người có thực sự hiểu ý mình hay không. Giải pháp cho vấn đề này là hãy hỏi họ, yêu cầu họ lặp lại ý bạn đã nói. Nếu lo lắng hành động này bị cho là thô lỗ, bạn có thể nhắc họ rằng bạn vẫn đang học tiếng Anh và muốn đảm bảo mình đã diễn đạt chính xác.
Bạn có thể sử dụng những câu sau để hỏi nhằm đảm bảo người khác hiểu được ý:
- I want to make sure you got that. Would you mind repeating it? (Tôi muốn chắc chắn bạn hiểu điều đó. Bạn có phiền nói lại những gì tôi đã nói không).
- I’m not sure if I said that right. Can you please repeat it? (Tôi không chắc mình nói vậy có đúng không. Bạn có thể nói lại lại điều tôi vừa nói được không).
- I’d like to be sure I’m expressing myself clearly. Could you please tell me what I’ve just said, so I know we’re on the same page? (Tôi muốn chắc chắn tôi đang thể hiện bản thân một cách rõ ràng. Bạn có thể vui lòng cho tôi biết tôi vừa nói gì và chúng ta đang có chung suy nghĩ hay không).
4. Nói lại những gì bạn nghe được
Đôi khi bạn không chắc có hiểu ý người khác hay không. Đừng ngại yêu cầu mọi người nói lại bởi không ai muốn người đối diện hiểu lầm. Một cách hiệu quả hơn nữa để đảm bảo bạn đã hiểu đúng là nói lại những gì bạn đã nghe.
Bất cứ khi nào nhận được thông tin và không chắc mình hiểu nó, bạn hãy nói lại với người đối diện. Điều này sẽ giúp họ có cơ hội sửa những gì bạn chưa hiểu hoặc xác nhận bạn đã nghe đúng.
Bạn có thể sử dụng các cụm từ sau trước khi nói:
- I want to make sure I got that right... (Tôi muốn chắc chắn tôi đã hiểu đúng).
- You mean... (Ý bạn là...).
- If I’m understanding you correctly... (Nếu tôi hiểu đúng...).
Bạn cũng có thể thử điều này với bất cứ thứ gì đọc hoặc xem được bằng cách dành một chút thời gian để giải thích bằng tiếng Anh những điều đó. Hành động này sẽ giúp bạn thực hiện các kỹ năng tóm tắt và hiểu.
5. Đặt câu hỏi làm rõ
Đôi khi bạn không hiểu đủ thông tin để nói lại hoặc chỉ hiểu một phần. Trường hợp này, bạn có thể đặt những câu hỏi để làm rõ.
Các loại câu hỏi bạn hỏi sẽ khác nhau dựa trên cuộc trò chuyện. Tuy nhiên, bạn có thể thực hành đặt câu hỏi bằng cách chơi trò chơi như "20 câu hỏi".
Để chơi, một người nghĩ về địa điểm hoặc sự vật. Bạn phải tìm ra những gì họ đang nghĩ đến bằng cách đặt những câu hỏi có hoặc không, chẳng hạn "Nó có phải sinh vật sống không" hoặc "Nó có thích chợp mắt ở những nơi có nắng không" (Nếu câu trả lời cho cả hai là "có", có thể đó là con mèo).
Bạn cũng có thể thực hành điều này khi đọc bất cứ điều gì trên Internet. Khi đọc, hãy tự đặt câu hỏi về những gì bạn không biết. Điều này không chỉ giúp bạn có kỹ năng giao tiếp, đọc hiểu mà còn có thêm hiểu biết chung.
6. Chú ý ngôn ngữ cơ thể
Cách bạn ngồi, nắm tay, thậm chí nhìn về hướng nào đều có thể thay đổi ý nghĩa của những từ bạn nói. Ví dụ, bạn nói với ai đó là muốn ăn trưa với họ nhưng khoanh tay và không mỉm cười, họ có thể nghĩ bạn thực sự không muốn làm điều đó. Nếu lo lắng về việc nói tiếng Anh không chính xác, bạn có thể thể hiện ngôn ngữ cơ thể tiêu cực dẫn đến bị hiểu lầm. Vì vậy, điều quan trọng nhất là thư giãn.
Đối với người bản ngữ, ngôn ngữ cơ thể là tự nhiên, không cần suy nghĩ hoặc học nó. Tuy nhiên, không phải tất cả đều phổ biến và những cử chỉ giống nhau có thể mang ý nghĩa khác nhau ở các nền văn hóa nên bạn vẫn cần tìm hiểu. Ngoài ra, bạn nên quan sát người khác trong thực tế, phim ảnh, chương trình truyền hình để xem hành động, tâm trạng của họ khi nói như thế nào.
7. Sử dụng ngôn ngữ với sắc thái thích hợp
Không phải lúc nào bạn cũng sử dụng tiếng Anh giao tiếp thông thường mà cũng có lúc phải sử dụng tiếng Anh chuyên môn, tiếng Anh trang trọng. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá lo lắng nếu chỉ học tiếng Anh thông thường bởi nó vẫn là công cụ tốt để giao tiếp, bất kể bạn nói chuyện với ai.
8. Thực hành sự đồng cảm
Hãy tưởng tượng bạn rất ghét cái lạnh. Bạn đề cập đến điều này trong cuộc trò chuyện với ai đó và họ thốt lên thích thời tiết lạnh. Bạn biết mình đã nghe đúng từ nhưng nó không có ý nghĩa đối với bạn. Điều cần thiết ở đây là sự đồng cảm.
Đồng cảm là khả năng hiểu cảm giác của người khác và đó là một phần quan trọng của giao tiếp bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Thể hiện sự đồng cảm là điều quan trọng để lắng nghe tốt. Bạn không thể chỉ lắng nghe lời nói của một người, bạn cần hiểu họ đang nói gì và cố gắng hiểu ý họ.
Hi vọng với những “bí kíp” trên đây, sẽ giúp bạn sớm trở thành một “Master” chính hiệu!