Võ Văn Dũng thuở nhỏ có tên là Độ, là người thông minh, có chí khí từ sớm. Sống trong một gia đình khá giả, ông có điều kiện học hành, lại đi đây đi đó, tầm nhìn được mở nên hiểu biết rất rõ về thời cuộc. Đặc biệt ông rất giỏi võ nghệ, một phần là kế thừa truyền thống thượng võ của quê hương, một phần chính là sự rèn luyện, nỗ lực của bản thân, bao gồm đủ các môn cung, đao, kiếm…
(Ảnh minh họa Võ Văn Dũng)
Ngay từ đầu, khi ba anh em Tây Sơn phất cờ tụ nghĩa, Võ Văn Dũng đã có mặt và phụng sự cho đến những ngày tháng cuối cùng. Với tài năng của mình, Võ Văn Dũng sớm được các thủ lĩnh Tây Sơn trọng dụng, đứng trong hàng tướng lĩnh Tây Sơn.
Không chỉ là người có sức khỏe, giỏi võ nghệ, Võ Văn Dũng còn là người can đảm, mưu trí. Ông từng theo Nguyễn Huệ vào Nam đuổi Xiêm rồi ra Bắc đánh quân Thanh xâm lược. Ông là tướng chỉ huy đánh quân Thanh ở đồn Khương Thượng, góp phần làm nên chiến thắng vang dội đầu xuân Kỷ Dậu (1789). Sau đó, ông được cử làm trấn thủ Bắc Thành, rồi lên chức Đại đô đốc, tiếp đến là Đại Tư đồ, một trong những chức quan trọng của vương triều Tây Sơn.
Vào ngày rằm tháng 4 năm Quang Trung thứ 4 (1791), ông cùng Nguyễn Quang Thùy, Phan Huy Ích, Võ Huy Tấn đưa giả vương Phạm Công Trị sang Yên Kinh gặp vua Thanh với trọng trách xin đất Lưỡng Quảng để định đô và cầu hôn công chúa nhà Thanh. Mọi việc đang thuận lợi thì vua Quang Trung đột ngột qua đời, Võ Văn Dũng cùng đoàn sứ bộ đành ngậm ngùi về nước.
Trừ khử lộng thần
Sau khi Quang Trung chết, Võ Văn Dũng ở Bắc hà, Quang Toản lên ngôi, tuổi còn nhỏ nên quyền bính nằm trong tay Thái sư Bùi Đắc Tuyên. Theo tài liệu ghi chép lại "Bùi Đắc Tuyên ngày càng lộng hành, bạc đãi công thần, cho bè đảng và dòng họ giữ những chức vụ then chốt, bán quan buôn ngục, tranh lợi với bách tính… khiến quốc dân bất mãn, đẩy đế nghiệp của Tây Sơn đến chỗ diệt vong".
Năm 1795, Bùi Đắc Tuyên cho Ngô Văn Sở ra Bắc hà thay Trấn thủ Võ Văn Dũng. Trên đường về kinh, Võ Văn Dũng được Trần Văn Kỷ (đang bị Bùi Đắc Tuyên đày ở trạm Hoàng Giang) thông báo tình hình triều chính và khuyên nên diệt Tuyên để trừ hai cho xã tắc: "Thái sư chuyên quyền, tác oai tác phúc, sẽ là điều bất lợi cho xã tắc; nếu không sớm trừ đi sau này hối cũng không kịp".
Nghe lời bàn của Trần Văn Kỷ, Võ Văn Dũng gấp rút dẫn quân về Phú Xuân, bí mật phối hợp với Nguyễn Văn Huấn, Phạm Công Hưng vây bắt Bùi Đắc Tuyên ở ngay trong cung vua Cảnh Thịnh.
Cái kết của võ tướng oai hùng
Năm 1799, thành Quy Nhơn bị quân Nguyễn Ánh bao vây sau đó chiếm giữ. Năm 1801, Võ Văn Dũng cùng với Trần Quang Diệu chiếm lại thành Quy Nhơn nhưng kinh thành Phú Xuân lại bị rơi vào tay Nguyễn Ánh. Hai ông kéo quân đi sang đất của nước Lào ra Nghệ An để chiếm lại Phú Xuân. Tuy nhiên cả Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu đều bị quân nhà Nguyễn bắt sống.
(Võ Văn Dũng là vị tướng đứng đầu trong thất hổ thướng của nhà Tây Sơn)
Tháng 11 năm 1802, Võ Văn Dũng bị vua Gia Long hành hình. Tuy nhiên, một số tài liệu khác cho rằng, Võ Văn Dũng trốn thoát được trên đường giải về kinh đô Phú Xuân, sau đó về quê lẩn tránh ở vùng núi cao với người dân tộc.
Đến năm 1835, ông sinh bệnh rồi chết. Sau này hài cốt của ông được đưa về quê an táng ở thôn Phú Mỹ, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Hằng năm, đến ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch, con cháu dòng họ Võ tập trung về từ đường họ Võ ở thôn Phú Mỹ để dâng hương và tưởng nhớ vị tướng suốt đời phò tá nhà Tây Sơn.