Trưởng thành từ nghèo khó
Mạc Đĩnh Chi sinh năm 1280, tên tự là Tiết Phu, quê ở làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ngay từ khi còn nhỏ, Mạc Đĩnh Chi đã ra sức học tập vì ông biết chỉ có học vấn mới giúp ông thoát khỏi cảnh sống nghèo hèn. Với văn tài của mình, ông được Chiêu Quốc Vương nhận là môn đồ, chu cấp tiền cho ăn học thành tài.
“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, năm 1304, khi mới 24 tuổi, trong kỳ thi Thái học sinh năm 1304 dưới triều Trần Anh Tông, ông là người đỗ đầu, nhưng do tướng mạo xấu xí nên vua Trần băn khoăn, chưa xếp hạng ngay. Mạc Đĩnh Chi biết ý vua, nên ông làm bài phú Ngọc tỉnh liên (Hoa sen trong giếng ngọc) dâng vua. Bài phú có đoạn được dịch từ tiếng Hán có nghĩa:
Chẳng phải như đào trần lý tục; chẳng phải như trúc cỗi mai gầy.
Câu kỷ phòng tăng khó sánh; mẫu đơn đất Lạc nào tầy.
Giậu Đào Lệnh cúc sao ví được; vườn Linh Quân lan khó sánh thay!
Ấy là giống sen giếng ngọc ở đầu núi Thái hoa đây.
Mạc Đĩnh Chi tự ví mình như bông sen trong giếng ngọc ở núi, ý muốn nói nhà vua đừng chỉ đánh giá một người qua tướng mạo dung nhan bên ngoài. Anh Tông xem xong khen hay, liền bao áo mão võng lọng cho ông vinh quy bái tổ, rồi ban chức Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung làm nội thư gia. Dưới thời vua Anh Tông và vua Minh Tông sau này, Mạc Đĩnh Chi đều nắm giữ những chức vụ quan trọng trong công việc trị nước của triều Trần.
Hình ảnh minh hoạ chân dung Mạc Đĩnh Chi. Ảnh: truyenxuatichcu.com
Đấu trí ngay trên đất địch
Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi: Năm 1308, Sứ Nguyên là Thượng thư An Lỗ Khôi sang báo tin Vũ Tông lên ngôi. Vua sai Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên. Lúc này, việc Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên được dự báo là “đầy nguy hiểm”, bởi người phương Bắc vẫn chưa quên thất bại trong 3 cuộc xâm lược trước đây.
Năm 1308, vua sai Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên, chúc mừng Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Ảnh minh hoạ: truyenxuatichcu.com
Mạc Đĩnh Chi sang Nguyên ban đầu rất bị khinh thường vì vẻ ngoài thấp bé, xấu xí. Ở buổi tiếp kiến đầu tiên tại kinh đô Yên Kinh, vua Nguyên ra câu đối thử tài Mạc Đĩnh Chi: “Nhật hoả vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố” (Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy mặt trăng. Ý nói nhà Nguyên lớn mạnh, luôn dễ dàng tiêu diệt các tiểu quốc như Đại Việt).
Mạc Đĩnh Chi liền ứng đối lại: “Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô” (Mặt trăng là cung, sao là đạn, hoàng hôn bắn rụng mặt trời. Ý nói nước nhỏ cũng có thể đánh bại quân đội nước lớn). Vua Nguyên nghe xong tức lắm, nhưng cũng phải khen Mạc Đĩnh Chi đối hay, đối chuẩn.
Một hôm khác, viên Tể tướng nhà Nguyên mời ông vào phủ ngồi. Lúc ấy đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ có bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Đĩnh Chi vờ ngỡ đây là con chim sẻ thực, vội chạy đến bắt.
Người Nguyên cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu. Thấy vậy, Đĩnh Chi kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao.
Mạc Đĩnh Chi trả lời: “Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của Tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ”.
“Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân”. Nghe vậy, mọi người đều phục tài của ông.
Trở thành Lưỡng quốc Trạng Nguyên
Thời gian Mạc Đĩnh Chi đi sứ, trong một buổi chầu có người nước ngoài dâng quạt lên tặng vua Nguyên. Nhân có cả sứ thần Cao Ly ở đó, vua Nguyên bèn mời Mạc Đĩnh Chi và sứ thần Cao Ly cùng làm thơ vịnh đề lên quạt.
Lúc này Mạc Đĩnh Chi bất ngờ, không chuẩn bị trước nên có phần “bí” ý. Ông quay sang bên sứ thần Cao Ly, nhìn vào thế bút viết của sứ thần nên đoán được ông này viết:
“Uẩn long trùng trùng, Y Doãn, Chu Công Vũ tuyết thê thê, Bá Di, Thúc Tề” (Khi nóng bức thì quạt đắc dụng như Y Doãn, Chu Công, khi mùa đông giá rét thì xếp xó như Bá Di, Thúc Tề bị chết đói).
Mạc Đĩnh Chi có ý tưởng rồi, liền lập tức viết:
“Lưu Kim thước thạch thiên địa vi lô, nhĩ ư tư thời hề, Y, Chu cự nho
Bắc phong kỳ thê vũ tuyết tái đồ, nhĩ ư tư thời hề, Di, Tề ngã phu
Y, dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng, duy ngã dữ nhĩ hữu thi phù”.
(Vàng chảy đá tan, trời đất như lò lửa, lúc ấy ngươi được như Y, Doãn, Chu
Công là bậc cự nho. Gió bấc lạnh lùng mưa tuyết đầy đường, lúc ấy ngươi phải như Bá Di, Thúc Tề là kẻ bị đói. Ôi! Dùng thì làm, bỏ thì cất, Ta cùng ngươi cũng giống nhau chăng?)
Cảm phục văn tài của Mạc Đĩnh Chi, vua Nguyên liền phê lên chiếc quạt bốn chữ: “Lưỡng quốc Trạng Nguyên”.
Tương truyền khi Mạc Đĩnh Chi ứng đối “bắn rụng mặt trời” trước bá quan văn võ nhà Nguyên, có người nói: “Hậu duệ người này tất sau này sẽ tự lập làm vua”. Đúng như vậy, sau này cháu 7 đời của Mạc Đĩnh Chi là Mạc Đăng Dung đã lật đổ vua Lê để lập ra nhà Mạc. Đại Việt Sử ký Toàn thư viết: Đăng Dung là người xã Cao Đôi, huyện Bình Hà (tức là xã Long Động, huyện Chí Linh), tiên tổ Đăng Dung là Mạc Đĩnh Chi, Trạng nguyên triều Trần, làm quan đến Tả bộc xạ.
Đĩnh Chi sinh ra Cao, Cao sinh ra Thuý, Thuý sinh ra Tung, dời sang ở xã Lan Khê, huyện Thanh Hà rồi sinh ra Bình, Bình lại dời sang xã Cổ Trai, huyện Nghi Dương rồi trú tại đó. Bình sinh ra Hịch, Hịch lấy con gái trưởng của Đặng Xuân người cùng xã, sinh được ba con trai, con trưởng là Đăng Dung. Sau khi lên ngôi, Mạc Đăng Dung truy tôn Mạc Đĩnh Chi làm Kiến Thủy Khâm Ninh Văn Hoàng Đế. Nhà Mạc tồn tại trong 150 năm, trải qua 4 đời vua.
Nguồn: Tổng hợp