Lịch sử nước Nam ta từ dạo vua Hùng lập quốc đã trải qua hàng nghìn năm văn hiến. Một trong những truyền thống tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc, ấy là tinh thần đoàn kết, yêu nước. Ngay từ dạo mới ban đầu có đất nước, dân ta đánh Tần, đánh Triệu Đà, rồi khi nước rơi vào Bắc thuộc, những Trưng Vương, Triệu Thị Trinh hay Lý Bí, Triệu Quang Phục… nối nhau mà dấy lên đánh giặc. Trong số ấy, nay nói về Hai Bà Trưng là hợp nhẽ. Bởi ngày 6 tháng 3 âm lịch hàng năm, nơi đền Hát Môn, xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, là ngày giỗ của hai nữ anh hùng.
(Hai Bà Trưng dựng cờ nghĩa xây nền độc lập. Tranh sưu tầm)
Được ghi nhận trước nhất trong những hào kiệt nổi dậy chống nền đô hộ phương Bắc, chị em Hai Bà Trưng đã làm nên một cuộc lật đổ chấn động chính quyền đô hộ Trung Hoa ở đất Việt dạo ấy, và nhân dân ta thì mãi nhắc nhớ với lòng tự hào.
Cuộc nổi dậy quật cường của nữ nhi
Ghi chép trong sử nước ta về thời Bắc thuộc dài hơn nghìn năm so với các triều đại khác, kể ra vắn tắt lắm. Điều đó có thể lý giải ở sự mất mát sử liệu, ở thời gian xa cách… Nhưng dầu sao mặc lòng, tên tuổi Hai Bà Trưng vẫn được dành cho những dòng trân trọng.
Dạo đầu thế kỷ I, nước ta nội thuộc nhà Đông Hán. Cai trị nước Việt lúc ấy, là thái thú Tô Định, được biết đến là kẻ tham tàn, ức hiếp dân lành. Nơi đất Mê Linh, hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị như Việt sử lược cho hay, vốn dòng dõi Vua Hùng. Trong đó, Trưng Trắc được biết đến là "tánh rất hùng dũng". Giận vì Tô Định giết Thi Sách chồng mình, Trưng Trắc cùng em nổi dậy đánh kẻ thù.
Thù nhà, nợ nước, cơ nghiệp tổ tông được xem là những nguyên nhân dẫn đến cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng. Thế là tháng 2 năm Canh Tý (40) đất bằng dậy sóng, Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết: "Bà bèn cùng với em gái là Trưng Nhị dấy quân, đánh hãm chỗ châu lỵ. Tô Định phải chạy về Nam Hải. Quân Bà đi đến đâu, như gió lướt đến đấy. Các dân tộc man, lý ở Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố đều hưởng ứng theo. Lấy lại và dẹp yên được 65 thành ở đất Lĩnh Nam. Bà tự lập làm vua, đóng đô ở Mê Linh".
(Khởi nghĩa Hai Bà Trưng ghi nhận sự tham gia đông đảo của nữ giới)
Dựng lại quốc thống, đem lại nền độc lập giữa đêm trường Bắc thuộc, khởi nghĩa Hai Bà Trưng khởi đầu cho truyền thống nối dài về sau "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh".
Khắp vùng đất tương ứng với Bắc Bộ hiện nay, anh hùng hào kiệt tụ về mê Linh dưới trướng Hai Bà, cùng nhau diệt quốc thù. Điểm độc đáo ở đây, tướng lĩnh trong cuộc nổi dậy dẫu nam nhi không thiếu nhưng tên tuổi các nữ anh hùng để lại rất nhiều. Họ là Thiều Hoa, Lê Chân, Xuân Nương…
Mặc dù về sau, khởi nghĩa Hà Bà Trưng bị đàn áp, nhưng sự kiện năm Canh Tý (40) đã tạo nên một động lực yêu nước vững chắc để về sau những Triệu Thị Trinh, Lý Bí, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng… nối tiếp nhau tạo nên những cuộc lật đổ long trời lở đất đánh vào sự đô hộ của ngoại tộc mà đòi độc lập dân tộc.
Tiếng thơm tỏa mãi bao đời sau
Sẽ không ngoa nếu đưa ra một ước lượng rằng, chỉ riêng về văn thơ hay sử xưa và nay ca ngợi công đức của Hai Bà Trưng, có thể tập hợp thành một tác phẩm dày dặn. Với riêng người viết bài này, đã tiếp cận rất nhiều tài liệu liên quan vinh danh khởi nghĩa Hai Bà cùng với những giá trị tinh thần từ khởi nghĩa Hai Bà để lại cho hậu thế.
Hãy xem trong Thiên Nam ngữ lục, Thiên Nam minh giám, Việt sử diễn âm hay Đại Nam quốc sử diễn ca, rồi Việt sử diễn nghĩa, Sử Nam bốn chữ… cho đến những bài thơ vịnh về Hai Bà Trưng từ cổ chí kim của Lê Thánh Tông, Hoàng Cao Khải, Ngô Tất Tố… thì có thể thấy, những dẫn chứng đưa ra cho sự vinh danh của hậu thế với Hai Bà sẽ được bày ra dưới đây mới chỉ là phần nhỏ.
(Đền Đồng Nhân thờ Hai Bà Trưng)
Danh tiếng hai bà, ý nghĩa của cuộc nổi dậy, như lời thơ vua Lê Thánh Tông còn truyền:
Còn nước, còn non, còn miếu mạo,
Nữ trung đệ nhất đấng tài danh.
Dẫu người xưa đã khuất bóng, nhưng hãy xem, cột đồng Mã Viện dọa dẫm dân Nam thì đã bị dân ta góp đá ném mà chẳng còn tăm tích, riêng danh tiếng Hai Bà Trưng, như tiếng chuông ngân xuyên thời gian mà vang mãi ngàn sau: "Mà đến bây giờ thời cột ấy hoặc bị sóng bồi, không còn tìm thấy đâu nữa mà hai họ Trưng thì danh tiết chói sáng cùng với mặt trăng hồ Tây muôn kiếp vẫn còn. Ấy mới biết rằng cái sự danh tiết ấy là một cái chứng cớ làm gương soi cho người ta vậy".
Lời ấy, là nói đến ý nghĩa cuộc nổi dậy và gương sáng chị em hai bà, dẫu qua thời gian, vẫn được hậu thế nhớ mãi và noi theo cái "khí khai anh hùng" thuở xưa.