Đôi nét về ngôi chùa nổi tiếng và lâu đời nhất Thăng Long - Hà Nội
31.10.2019
3043
Chùa Trấn Quốc được xem là ngôi chùa lâu đời nhất khi có lịch sử lên đến 1500 năm. Ngôi chùa tọa lạc trên một hòn đảo nhỏ nằm về phía Đông Hồ Tây thuộc quận Tây Hồ, kết hợp hài hòa giữa nét uy nghiêm cổ kính và sự thanh tịnh của Hồ Tây. Theo Từ điển di tích văn hóa Việt Nam (Hà Nội, 1993), thì chùa Trấn Quốc nguyên là chùa Khai Quốc, dựng từ thời Tiền Lý (Lý Nam Đế, 541-547).
Qua rất nhiều lần đổi tên, từ đời vua Lê Hy Tông, người dân vẫn quen gọi chùa là Trấn Quốc và được lưu giữ đến tận ngày nay. Ngôi chùa đã từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý – Trần, vua và các quan thường chọn Trấn Quốc làm nơi vãn cảnh và ngự giá đến cúng lễ vào những dịp đặc biệt trong năm như lễ, Tết. Đến bây giờ, nơi đây vẫn là điểm đến của không ít người bởi không gian trầm mặc an nhiên làm người ta như buông bỏ hết mọi sân si khi đi qua cánh cửa đưa chân đến thiền môn.
Ngôi chùa cổ nép mình yên tĩnh trên đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội, theo hệ phái Bắc tông. Tổng thể ngôi chùa là một quần thể gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là tiền đường, nhà thiêu công và thượng điện, nối thành chữ Công. Trên cửa chùa vẫn còn hiện lên bút tích ba chữ Phương Tiện môn và cả hai câu đối được viết bằng chữ Nôm:
"Vang tai xe ngựa qua đường tục
Mở mặt non sông đứng cửa thiền"
Trước mặt tiền chính là khoảng sân lớn được lát gạch đỏ, có lư hương lớn ở giữa để du khách và Phật tử đến dâng hương. Ngoài ra, khuôn viên chùa còn có Bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng năm 1998.
Bảo tháp lớn gồm 11 tầng, cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp có đài sen chín tầng (được gọi là Cửu phẩm liên hoa) cũng bằng đá quý. Bảo tháp này được dựng đối xứng với cây bồ đề lớn do Tổng thống Ấn Độ tặng khi ông đến thăm Hà Nội năm 1959.
Thượng toạ Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc, đã giải thích sự đối xứng đó là: "Hoa sen tượng trưng cho Phật tính chân, như tính sinh ở dưới bùn mà không bị ô uế. Bồ đề là trí giác, trí tuệ vô thượng. Tất cả đều hàm ý nghĩa bản thể và hiện tượng của các pháp".
Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hoá cấp quốc gia vào năm 1989.
Nếu có dịp ra Hà Nội bạn có thể ghé thăm một trong những ngôi chùa cổ kính và lâu đời nhất Việt Nam này.
Tin chọn lọc khác
Tin cùng chuyên mục