Ông vua thứ 12 của triều Nguyễn này là người đầu tiên cho xây dựng hành cung ở Lăng Cô để hưởng những giá trị trời cho ở khu vực cực Nam của tỉnh Thừa Thiên Huế. Suốt chiều dài lịch sử, hiếm có một nơi nào trên đất nước Việt Nam được những người đứng đầu nhà nước thời quân chủ chọn làm nơi thừa lương của họ như vua Khải Định đã chọn Lăng Cô.
Theo Hoàng Việt Giáp Tý Niên biểu và ông Nguyễn Đắc Vọng – Ngũ đẳng Thị vệ hầu cận của vua Khải Định, vào trung tuần tháng 4/1916, vua Khải Định lên ngôi. Bốn tháng sau, vua “ngự giá đi Quảng Nam xem xét phong tục, tập quán” (8/1916).
Trên đường đi và về, nhà vua đã nghỉ lại Lăng Cô một thời gian. Những phát hiện, đánh giá về cảnh quan và khí hậu tuyệt vời ở Lăng Cô của ông được ông ghi lại rõ trong tấm bia Hành cung Tịnh Viêm.
(Bia “Hành Cung Tịnh Viêm” do vua Khải Định ngự chế (1919))
Hành cung Tịnh Viêm được xem như dinh thất của Hoàng gia ở phía Nam Huế. Đúng như nhà vua đã viết, ông từng mời hai bà mẹ (vợ vua Đồng Khánh) vào nghỉ mát ở Lăng Cô và hai bà rất thích Lăng Cô.
(Ảnh chụp vua Khải Định)
Vào mùa viêm nhiệt, các bà phi (vợ vua Khải Định) vẫn đem nhau vào đó nghỉ mát. Vua Bảo Đại lúc còn là Hoàng tử Vĩnh Thụy mới năm sáu tuổi cũng thường theo Đức Từ Cung vào đây.
Người vào đây nổi tiếng nhất là bà Đệ nhị Giai phi Hồ Thị Chỉ (vợ thứ hai của vua Khải Định, thường gọi là bà Ân Phi). Thỉnh thoảng, nhiều quan chức cao cấp của Chính phủ Bảo hộ Pháp như Khâm sứ Trung Kỳ, Công sứ Thừa Thiên vào Lăng Cô hầu chuyện với bà.
Đến thời Bảo Đại (1926-1945), trong khuôn viên Hành cung Tịnh Viêm xây dựng thêm nhiều kiến trúc mới theo kiểu Tây phương để làm khu nghỉ mát cho gia đình ông vua cuối cùng triều Nguyễn sống theo phong cách Tây phương. Vua Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và các hoàng tử công chúa cuối cùng của triều Nguyễn đã đến nghỉ mát ở Lăng Cô. Cho mãi đến đầu năm 1947, khu vực Hành cung Tịnh Viêm mới bị triệt hạ trong cao trào “Tiêu thổ kháng chiến chống Pháp”.
Kiến trúc chính của Hành cung Tịnh Viêm là một ngôi nhà rường ba gian hai chái, dựng trên một đồi cát hướng ra vịnh Lăng Cô. Đoạn giữa dãy hành lang phía trước xây lồi ra một khoảng rộng được xem như cái “Đài Vọng Hải” dành cho Hoàng gia ngồi ngắm biển. Vị trí đồi cát nằm phía sau tấm bia Hành cung Tịnh Viêm thuộc làng An Cư Đông ngày nay. Các vị bô lão ở Lăng Cô từng kể cho con cháu nghe ngày xưa vua Khải Định và sau đó là vua Bảo Đại hay về nghỉ mát ở Lăng Cô, họ thường ra câu cá ở đầm An Cư. Các vua không dùng nước ở các giếng trong Làng Chài. Giếng nước dành cho vua – “Giếng ngự”, ở mãi dưới chân đèo Hải Vân phía bên kia đầm An Cư (nay vẫn còn). Hằng ngày, những người phục vụ vua phải chèo đò sang bên ấy chở nước về cho Hoàng gia dùng.
(Hành cung Tịnh Viêm)
Muốn dựng lại Hành cung Tịnh Viêm để khai thác du lịch còn nhiều việc phải bàn. Tuy thế cho đến nay, so với Biệt thự Bảo Đại ở Đồ Sơn, Cung Nam Phương ở Đà Lạt, Biệt điện của Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột… không có nơi nào được chủ nhân của nó chọn và đánh giá cao về mặt du lịch như Hành cung Tịnh Viêm ở Lăng Cô, không có nơi nào thuận lợi để tổ chức thành một bảo tàng về các vua cuối triều Nguyễn “đi du lịch” bằng Hành cung Tịnh Viêm ở Lăng Cô.