Có rất nhiều giai thoại, câu chuyện lý thú về vị vua này và điều kỳ lạ là hầu hết các giai thoại, câu chuyện ấy đều ít nhiều liên quan đến việc trị quốc an dân của ông. Một trong số đó là chuyện kỳ lạ về một người dân "to gan lớn mật" dám đón đường chặn xe trách lỗi vua Minh Mạng.
Vua Minh Mạng tên thật là Nguyễn Phúc Đảm (còn đọc là Đởm), sau đổi là Hiệu (còn đọc là Hạo), còn có tên khác là Nguyễn Phúc Kiểu (25/5/1791), ông là con trai thứ tư của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu Trần Thị Đang.
Ông được tấn phong chính thức ngôi vị Thái tử vào ngày 11 tháng 6 năm Bính Tý (1816). Trước đó, vua Gia Long đã lệnh đúc ấn vàng, kim sách, may sắm mũ áo, lễ phục và đồ lỗ bộ để chuẩn bị cho lễ tấn phong.
Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi lại: "Gia Long năm thứ 15 (1816) có chỉ: Chuẩn cho làm sách tấn phong Hoàng Thái tử thì dùng vàng 5 tờ… ấn làm bằng vàng, núm ấn đúc hình con rồng ngồi, vuông 2 tấc 4 phân, dầy 3 phân 2 ly".
Kim sách tức sách vàng gồm 5 tờ vàng dát mỏng, tờ đầu và tờ cuối khắc chạm hình rồng mây, 3 tờ còn lại khắc chữ với nội dung nói về việc tấn phong. Ấn của Thái tử bằng vàng, khắc 5 chữ theo lối chữ triện: "Hoàng Thái tử chi bảo".
(Ảnh minh họa vua Minh Mạng)
Ngoài ra vua Gia Long còn ban thêm một chiếc ấn bằng bạc, sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cho biết về chiếc ấn này như sau: "Chuẩn cho đúc ấn thủ tín nhỏ và vuông bằng bạc cho Hoàng Thái tử, vuông 6 phân 7 ly, dầy 3 phân; núm đúc con rồng ngồi, trong khắc 5 chữ triện: Hoàng Thái tử thủ tín". Chiếc ấn bạc này được dùng để đóng trên những văn bản quan trọng.
Ngày 19 tháng 12 năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long băng hà, thọ 58 tuổi. Sau đó tuân theo di chiếu, hoàng thái tử Nguyễn Phúc Đảm được tôn lên làm vua kế vị.
Giai thoại về cách trị nước an dân của vua Minh Mạng
Trong thời gian ở ngôi, Minh Mạng đã có nhiều cải cách, quan tâm đến xây dựng bộ máy nhà nước, hệ thống pháp luật, kinh tế, thuế khóa… nhằm đưa đất nước giàu mạnh. Tuy nhiên ông cũng mắc một số sai lầm, hạn chế.
Về điều này, học giả Trần Trọng Kim trong cuốn sách Việt Nam sử lược có lời đánh giá về vị hoàng đế này như sau: "Trong đời Thánh Tổ làm vua, pháp luật, chế độ, điều gì cũng sửa sang lại cả, làm thành một nước có cương kỷ. Nhưng chỉ vì Ngài nghiêm khắc quá, cứ một mực theo cổ, chứ không tùy thời mà biến hóa phong tục; lại không biết khoan dung cho sự sùng tín, đem giết hại những người theo đạo, và lại tuyệt giao với ngoại quốc làm thành ra nước Nam ta ở lẻ loi một mình.
Đã hay rằng những điều lầm lỗi ấy là trách nhiệm chung cả triều đình và cả bọn sĩ phu nước ta lúc bấy giờ, chứ không riêng chi một mình Ngài, nhưng Ngài là ông vua chuyên chế một nước, việc trong nước hay dở thế nào, ngài cũng có một phần trách nhiệm rất to, không sao chối từ được.
Vậy cứ bình tĩnh mà xét thì chính trị của Ngài tuy có nhiều điều hay nhưng cũng có nhiều điều dở; Ngài biết cương mà không biết nhu, Ngài có uy quyền mà ít độ lượng, Ngài biết có dân có nước mà không biết thời thế tiến hóa. Bởi vậy cho nên nói rằng Ngài là một ông anh quân thì khí quá, mà nói rằng Ngài là ông bạo quân thì không công bằng. Dẫu thế nào mặc lòng, Ngài là một ông vua thông minh, có quả cảm, hết lòng lo việc nước, tưởng về bản triều nhà Nguyễn chưa có ông vua nào làm được nhiều công việc hơn Ngài vậy".
Là hoàng đế đề cao Nho giáo, coi trọng lễ nghi lề lối, khuyến khích thực hiện Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín và đặc biệt là chữ Hiếu, tuy nhiên chính vua Minh Mạng trong một lần đã bị người dân "thấp cổ, bé họng" chỉ trích lỗi của mình về chuyện hiếu đạo.
(Lăng vua Minh Mạng. Ảnh: Phunuvietnam)
Theo phong tục xưa, khi đang có tang thì một người phải mặc áo vải xấu, không được tham gia các hoạt động vui chơi, phải cần kiệm, chừng mực. Với một người trọng Nho như Minh Mạng thì điều đó không có gì là lạ, nhưng trong chuyến tuần du ra Bắc vào tháng 9 năm Tân Tị (1821), ông đã gặp phải một tình huống bất ngờ.
Sách Quốc sử di biên cho biết rằng, vào ngày 22 tháng 9 năm đó, vua đến thành Thăng Long, "quân dân các trấn bái hạ, những người quỳ tâu ở ngoài 5 cửa thành dâng sớ tấu có đến vài nghìn tờ. Vua sai các quan Lễ bộ và Hàn lâm duyệt những tờ văn lý đáng tâu, được 120 tờ. Ngày ấy, vua đi thuyền chơi Tây Hồ, có người đón xe vua dâng lời điều trần và nói:
- Bệ hạ đang lúc cư tang mà đi vui chơi, mở yến tiệc, mặc màu đỏ tía, có trái điển lễ cho nên mưa dầm hàng tuần không thấy hửng tạnh, rau dưa không thuận, trâu chó toi nhiều!.
Vua đặc cách cho gọi người ấy đến hỏi han, ban cho rất hậu, rồi bảo:
- Về lễ chế cư tang, gặp việc binh và việc tế tự, không cấm mặc đồ cát phục. Nhưng nghe lời nói của ông, người có khí huyết ai chẳng run sợ!
Bèn đặt trống đăng văn ở cửa Đông của Bắc Thành, lập Tam pháp ty, cho dân nộp đơn kêu, hạn trong 5 ngày một kỳ, quan Khâm phái nghe xét, xử đoán".
(Vua Minh Mạng và bề tôi)
Trước đó một năm, vào lễ mừng sinh nhật còn gọi là lễ Vạn Thọ tứ tuần đại khánh tổ chức tháng 4 năm Canh Dần (1830), vua Minh Mạng cũng phải thanh minh trước lời nói mỉa của dân chúng, cho rằng vua dùng của công để ban ơn vì tình riêng.
Chuyện nhà vua phải lên tiếng giãi bày đã được sử sách chép lại như sau:
"Mùa hạ, tháng 4, ngày 23, tiết Vạn Thọ. Vì gặp tiết Tứ tuần đại khánh, từ ngự điện đến cửa thành đều cho kết hoa vào lâu đài, bày đồ chơi và thi họa, linh đình mở yến tiệc và cuộc vui. Sai bách man dâng vật lạ và hai kỳ Nam – Bắc người mặc áo lông, mỗi đội 50 người, trăm trò tạp kỹ, voi ngựa múa chơi.
Các quan dâng biểu mừng theo đúng lễ nghi. Tôn thất và quan Kinh đều cho ăn yến. Kỳ hào quanh kinh thành được ban khăn, áo đi chúc thọ, cũng đều được ban rượu thịt, bạc tiền; trai gái đi xem đầy đường đều nói:
- Hoàng thượng ban cho, không tính gì đến phí tổn nhỉ!.
Vua nghe biết, nói rằng:
- Đấy là những của cải lúc ta còn làm Thái tử, không can dự gì đến ngân khố của nhà nước.
Các thành, doanh, trấn cũng đều treo đèn, đốt hương, bái vọng" (Quốc sử di biên).
Chuyện hoàng đế bị người dân trực tiếp trách lỗi, nói mỉa là chuyện lạ kỳ nhưng quan trọng hơn đó là cách ứng xử của Minh Mạng, trước các tình huống ấy nhà vua không hề nổi giận đối với "dân đen" mà biết tiếp thu, đưa ra lý do và có lời giải thích rõ ràng. Chuyện dù đã xảy ra gần 190 năm nhưng vẫn mang ý nghĩa và bài học sâu sắc.