Năm 551 TCN, Cyrus Đại đế của Ba Tư đánh bại Đế quốc Media, lên ngôi Hoàng Đế. Ông chinh phục khắp Tây Á, thành lập Đế chế rộng lớn nhất thế giới bấy giờ với diện tích hơn 2 triệu km2. Đến thời vua Darius I, người Ionia nổi dậy chống lại sự cai trị của Ba Tư.
Bấy giờ Athens chỉ là một tiểu quốc nhưng lại dám chi viện cho người Ionia chống lại Đế chế Ba Tư hùng mạnh. Vì thế vua Darius I quyết định đưa quân tiến đánh Athens để trừng phạt và mở đường đưa quân tiến sang châu Âu.
Quân Ba Tư tấn công
Năm 492 TCN, Darius I cho quân tiến đánh Athens, đánh chiếm được eo biển Henretspon và xứ Theraso. Tuy nhiên ngay sau đó hạm đội Ba Tư bị quân Theraso đánh bại khiến cuộc viễn chinh lần thứ nhất của Darius I thất bại.
(Thuyền Ba Tư tiến tới gần Athens neo đậu)
Hai năm sau tức năm 490 TCN, hạm đội Ba Tư với 600 chiến thuyền và khoảng 100.000 quân được chỉ huy bởi 2 viên tướng Datis và Artaphernes tiến đánh Athens.
Khởi đầu quân Ba Tư chiếm các đảo Naxos, Delos. Dù người dân nơi đây đã dũng cảm chống lại nhưng họ vẫn thất bại. Quân Ba Tư tiến tiếp vào biển Attica sau đó tiến thẳng vào đất liền rồi đổ bộ lên bờ biển của xứ Athens, đóng quân trên cánh đồng Marathon, nơi chỉ cách Kinh thành Athens 42km.
Cuộc họp Hội đồng tướng lĩnh ở Athens
Một cuộc họp Hội đồng tướng lĩnh ở Athens nhanh chóng tiến hành, 10 vị tướng đại diện các địa phương có mặt dưới sự chủ trì của thẩm phán Callimachus, tất cả cùng chung một ý chí quyết đánh một mất một còn với quân Ba Tư. Nhưng khi bàn về cách đánh thì các tướng lĩnh đều có ý kiến khác nhau.
Các tướng không muốn giao chiến ở Marathon vì cho rằng quân Athens ít trong khi quân Ba Tư đông và có kỵ binh mạnh, giao chiến trên cánh đồng Marathon thì quân Ba Tư sẽ phát huy sức mạnh kỵ binh.
(Quân Hy Lạp và quân Ba Tư giao chiến)
Lúc này vị tướng tài ba và nhiều mưu lược là Miltiades cho biết quân do thám đã thấy phần lớn lực lượng kỵ binh Ba Tư đã xuống thuyền tới Athens theo đường biển, số kỵ binh còn lại của Ba Tư sẽ khó cơ động trên cánh đồng chật hẹp, lầy lội. Quân Ba Tư quen đánh phân tán, nếu tập trung lại sức mạnh sẽ hạn chế hơn.
Miltiades cũng cho rằng quân Athens có tinh thần chiến đấu tốt hơn, được luyện kỹ càng, thông thạo địa hình, trang bị giáo và mác dài hơn và có tính kỷ luật cao, vì thế mà ông đề xuất nên tổ chức đánh ngay tại cánh đồng Marathon. Ý kiến cuối cùng thuộc về người chủ trì là thẩm phán Callimachus.
Thẩm phán Callimachus quyết định bỏ phiếu giao chiến ngay tại cánh đồng Marathon.
Trận Marathon lịch sử
Trận chiến bắt đầu, quân Ba Tư có 72.000 quân gồm 60.000 bộ binh và 12.000 kỵ binh. Trong khi đó quân Athens chỉ có 11.000 người. Tuy nhiên quân Athens sẽ chiến đấu một mất một còn vì không muốn thành nô lệ và để bảo vệ quê hương.
Dàn quân nơi đây, tướng Athens là Miltiades và Callimachus có ý khiến quân Ba Tư chỉ có thể tiến theo đội hình hẹp đánh trước mặt, chứ không thể đánh hai bên sườn, và không thể cùng lúc có được đông đảo quân giao chiến. Để chắc chắn quân Ba Tư không thể đánh hai bên sườn, quân Athens đã cho đào hào đắp ụ để ngăn quân Ba Tư.
(Sơ đồ trận chiến Marathon)
Hai tướng chỉ huy của Ba Tư là Datis và Artaphernes cho quân nghỉ ở Marathon vài ngày, đồng thời cho một số quý tộc Athens phản bội làm nội ứng trong thành Athens. Thế nhưng đợi không thấy động tĩnh gì từ nhóm gián điệp này, quân Ba Tư quyết định tấn công.
Quân Ba Tư chỉ có thể tấn công ở chính diện, đến cự ly vừa tầm thì giương cung để bắn. Đúng lúc này tướng Miltiades cho thổi kèn thúc quân tấn công.
Các chiến binh Athens trong bộ giáp sắt chủ động tấn công, quân Ba Tư có phần bất ngờ. Ở hai bên cánh, quân Athens với vũ khí có phần dài hơn, nhất là những ngọn giáo lợi hại khiến kỵ binh Ba Tư phải chùn bước.
Trong khi đó ở phía chính giữa quân Athens tập trung ít hơn nên bị chọc thủng, quân Ba Tư theo đấy tràn vào, quân Athens bị cắt làm đôi, buộc một phần quân Athens phải lui về nơi xuất phát. Quân Ba Tư tràn vào đuổi theo, ưu thế cuộc chiến nghiêng về quân Ba Tư.
Thế nhưng tướng Miltiades đã tính trước tình huống này. Thêm một hồi kèn vang lên, quân hai bên cánh của Athens đánh vào hai bên sườn quân Ba Tư. Đòn đánh hiểm và đúng thời điểm khiến quân Ba Tư rơi vào thế bị bao vây. Dù bị rơi vào tình huống bất lợi, nhưng quân Ba Tư với sự chỉ huy của hai tướng Datis và Artaphernes vẫn dũng mãnh đánh trả.
Quân Ba Tư bị thương vong và tử trận tăng lên, hàng ngũ dần rối loạn và sau đó là tinh thần tan vỡ. Tướng Datis và Artaphernes quan sát thế trận đã nhận thấy thất bại không thể cứu vãn được nên lệnh cho quân rút chạy về phía biển nơi có tàu chiến đợi sẵn.
(Quân đội Ba Tư hùng mạnh đã thất bại ở trận Marathon)
Tuy vậy tướng Callimachus, người chủ trì cuộc họp Hội đồng các tướng ở Athens, người bỏ lá phiếu cuối cùng quyết định trận đánh diễn ra ở Marathon, vẫn cùng một cánh quân trang bị gọn nhẹ đuổi theo sát quân Ba Tư đến tận ngoài biển.
Quân Ba Tư vừa cố đẩy các tàu chiến vào sát bờ, vừa cố gắng chống trả đến tuyệt vọng. Quân Athens bị thương vong và tử trận nhiều tại bờ biển. Tướng Callimachus cũng đã ngã xuống trong cuộc chiến nay. Dòng máu của ông cùng những dũng sĩ Athens thấm đỏ bờ cát.
Quân Ba Tư đã cố gắng chạy thoát lên các con tàu, tuy nhiên 7 tàu của họ cùng rất nhiều binh lính phải bỏ xác tại vùng biển Athens.
Môn Marathon
Chiến thắng tại Marathon mang nhiều ý nghĩa cho người Hy Lạp. Nó như một lời khẳng định rằng người Athens dù yếu kém về quân số vẫn có thể đánh bại Đế chế Ba Tư. Không những thế, chỉ một thế kỷ sau trận đánh này, dưới sự lãnh đạo của Alexander, người Hy Lạp đã đánh bại hoàn toàn Đế chế Ba Tư và xây dựng đế chế mới trải dài trên 5 triệu km2.
Ngay sau chiến thắng lịch sử tại Marathon, người lính được lệnh truyền tin thắng trận đến kinh thành Athens. Tại kinh thành người Athens đang rất nóng lòng chờ tin từ Marathon, bởi nếu thất bại họ sẽ trở thành những nô lệ cho quân Ba Tư.
Cố báo tin vui thật nhanh, người lính đã phải chạy qua quãng đường 42 km rừng núi. Tới được kinh thành thì người lính kiệt sức nhưng vẫn kịp hét to lên rằng “Chúng ta đã chiến thắng!” rồi gục xuống. Hình ảnh đó đã mãi khắc sâu trong trái tim người Hy Lạp đến tận ngày nay.
Thế vận hội Olympics là cuộc tranh tài các môn thể thao lớn nhất trên hành tình, lần đầu tiên tổ chức vào năm 1896 ở thủ đô Athens của Hy Lạp. Tại Thế vận hội này người Hy Lạp đã đưa môn chạy Marathon vào tranh tài nhằm tưởng nhớ đến trận đánh lịch sử trên cánh đồng Marathon trước đây.
Từ đó môn chạy Marathon được truyền lại mãi đến tận hôm nay, với cự ly đường trường là 42,195 km, tượng trưng cho quãng đường mà người lính phải vượt qua để báo tin thắng trận đến kinh thành Athens.