Alis Deason, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Durham, Anh, cùng đồng nghiệp tìm cách xác định rìa của dải Ngân Hà, Science News hôm 23/3 đưa tin. Các mô hình của họ chỉ ra, dải Ngân Hà có đường kính 1,9 triệu năm ánh sáng, hơn kém 0,4 triệu năm ánh sáng.
Đĩa thiên hà, nơi chứa Mặt Trời và cũng là khu vực sáng nhất của dải Ngân Hà, rộng khoảng 120.000 năm ánh sáng. Ngoài đĩa thiên hà là đĩa khí. Một quầng vật chất tối khổng lồ chứa đầy các hạt vô hình bao trùm cả hai đĩa và trải rộng ra không gian. Tuy nhiên, quầng tối này không phát ra ánh sáng nên các nhà khoa học gặp rất nhiều khó khăn khi đo đường kính của nó.
Để tìm ra rìa dải Ngân Hà, nhóm chuyên gia lập mô hình máy tính về sự hình thành của các thiên hà khổng lồ tương tự dải Ngân Hà. Họ tập trung vào những trường hợp hai thiên hà khổng lồ ở sát nhau, giống như dải Ngân Hà và "hàng xóm" Andromeda, vì lực hấp dẫn của chúng tác động lẫn nhau. Mô hình chỉ ra, ngay ngoài rìa quầng tối của thiên hà khổng lồ, các thiên hà nhỏ xung quanh giảm đáng kể vận tốc di chuyển.
Nhờ dữ liệu từ kính viễn vọng, Deason và đồng nghiệp nhận thấy những thiên hà nhỏ gần dải Ngân Hà cũng giảm tốc tương tự. Điều này xảy ra ở nơi cách trung tâm 950.000 năm ánh sáng, cho thấy đây chính là rìa ngoài. Rìa dải Ngân Hà xa trung tâm gấp 35 lần so với Mặt Trời.
Trong tương lai, các nhà thiên văn sẽ định vị rìa dải Ngân Hà chính xác hơn khi tìm ra thêm thiên hà nhỏ xung quanh. Họ cũng có thể tìm kiếm những ngôi sao xa xôi ở gần rìa dải Ngân Hà, theo Mike Boylan-Kolchin, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Texas Austin.
Nghiên cứu mới giúp giới thiên văn hiểu thêm về đặc điểm của dải Ngân Hà. Ví dụ, dải Ngân Hà càng rộng thì khối lượng càng lớn và càng có nhiều thiên hà quay quanh, theo Rosemary Wyse, nhà thiên văn tại Đại học Johns Hopkins. Các nhà khoa học đã tìm được khoảng 60 thiên hà vệ tinh của dải Ngân Hà, nhưng cho rằng số lượng thực tế lớn hơn nhiều.
(Theo Science News)