Vitube app

Tác phẩm Rondo a La Turka
1940 lượt xem 28.12.2020
"Theo danh mục tác phẩm của Wolfgang Amadeus Mozart, chỉ riêng trong mùa hè năm 1778, ông đã viết tới 5 bản sonata cho đàn piano (các bản số 8, 10, 11, 12 và 13).
Với thông lệ sáng tác sonata thời cổ điển, chương đầu của một bản sonata được viết theo hình thức sonata còn các chương tiếp theo có thể được viết theo các hình thức khác. Nhưng Piano Sonata số 11, giọng La trưởng, K.331. lại là một biệt lệ vì không có chương nào trong số 3 chương ở hình thức sonata cả.
Chương thứ nhất gồm một chủ đề cùng sáu biến tấu. Chương thứ hai - trung tâm của tác phẩm, là một điệu minuet cùng một đoạn trio. Còn chương thứ ba ở hình thức rondo “theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ” (Alla Turca).
Chương Alla Turca, còn được gọi là Turkish Rondo hay Turkish March, thường được tách ra khỏi bản sonata để biểu diễn độc lập. Chương nhạc ngắn nhất của bản sonata này đã trở thành một trong số những khúc nhạc nổi tiếng nhất của Mozart. Hơn nữa, Turkish March còn là điển hình cho một trào lưu ảnh hưởng phong cách thời Mozart - phong cách Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài Piano Sonata số 11, Mozart cũng sử dụng phong cách Thổ Nhĩ Kỳ trong một số tác phẩm khác như vở opera Die Entführung aus dem Serail (Bắt cóc khỏi hậu cung) và Violin Concerto số 5. Các nhà soạn nhạc trường phái Cổ điển Vienna khác (trong đó có hai tên tuổi lớn là Haydn và Beethoven) cũng sử dụng phong cách âm nhạc thịnh hành này trong tác phẩm của họ.
Phong cách Thổ Nhĩ Kỳ có lẽ là phong cách phương Đông đầu tiên ảnh hưởng mạnh mẽ đến âm nhạc phương Tây. Phong cách Thổ Nhĩ Kỳ mà các nhà soạn nhạc thời Cổ điển sử dụng hao hao giống phong cách của các ban quân nhạc đế chế Ottoman, đặc biệt là các ban nhạc vệ binh vua Thổ (Turkish Janissary bands). Âm thanh đặc trưng của những ban nhạc này là sự kết hợp giữa các trống trầm, chuông, kẻng ba góc, cymbal và các nhạc cụ khác.
Một sự thúc đẩy quan trọng cho trào lưu ảnh hưởng phong cách từ âm nhạc Thổ xảy ra vào năm 1699 khi hai đế chế Áo và Ottoman đàm phán Hiệp ước Karlowitz. Để ăn mừng việc ký kết thành công hiệp ước, đoàn ngoại giao Thổ đã mang theo một ban nhạc vệ binh vua Thổ cùng những nghệ sĩ biểu diễn khác tới Vienna để trình diễn trong một vài ngày.
Những mô phỏng xảy ra trước tiên ở các ban quân nhạc châu Âu. Rồi nhiều nhà soạn nhạc cổ điển châu Âu ở thế kỉ 18 cũng bị hấp dẫn bởi phong cách Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là vai trò quan trọng được giao cho các nhạc cụ bộ đồng và bộ gõ trong các ban quân nhạc Thổ.
Vào khoảng bước ngoặt chuyển sang thế kỉ 19, âm nhạc theo phong cách Thổ Nhĩ Kỳ phổ biến đến mức những nhà làm đàn piano đã chế tạo ra những chiếc piano đặc biệt có “cần bấm Thổ” hay còn gọi là “cần bấm quân đội”, “cần bấm Janissary"". Khi người chơi nhấn cần bấm này, một chiếc chuông sẽ rung lên hoặc một búa có đệm lót sẽ đập vào bảng cộng hưởng để mô phỏng tiếng trống trầm.
Ở một số đàn piano, cả hai hiệu ứng này đều xảy ra khi sử dụng cần bấm. Theo Edwin M. Good, “cần bấm Thổ” rất phổ biến để chơi Turkish March của Mozart và khá nhiều nghệ sĩ piano thời đó hân hoan sử dụng cần bấm này để điểm tô cho tác phẩm.
Turkish March bạn nghe hôm nay không phải được chơi trên một cây piano có “cần bấm Thổ”. Nhưng nghe những hợp âm rải tốc độ nhanh bằng tay trái mô phỏng tiếng trống trầm cũng không kém phần thú vị. Một điều quan trọng là qua Turkish March, chúng ta được làm quen với phong cách Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ thuận lợi hơn khi tiếp cận với những tác phẩm âm nhạc cổ điển quy mô lớn có những đoạn nhạc sử dụng phong cách này."
Piano: TzviErez
Xem các tập tiếp theo:
1 2 3 4 5