Sau khi Tần Huệ Công chết, lập con nhỏ lên ngôi, mọi người gọi là Tiểu Chủ. Mẹ của Tiểu Chủ nắm giữ việc chính trị, rất trọng dụng Yêm Biến. Yêm Biến là người gian xảo, không bao lâu đã làm rối loạn nước Tần. Những người tài giỏi trong lòng không vui vẻ, nhưng không dám lộ rõ; dân chúng cũng oán thán khắp nơi, tiếng than không ngớt.
Công tử Liên đang lưu vong ở nước Ngụy, cảm thấy thời cơ đã đến, định thừa cơ quay về đoạt lấy chính quyền, thay Tiểu Chủ làm vua. Sau đó, anh ta nhờ sự giúp đỡ của các quan thần và dân chúng nước Tần để về nước, đến cửa ải giáp với nước Trịnh.
Thái thú trấn giữ cửa ải trọng yếu giáp với nước Trịnh là Tả Chủ Nhiên, ông ta cho lệnh giới nghiêm, tăng cường phòng thủ, không cho công tử Liên đi qua, và nói rằng: “Thực là xin lỗi công tử Liên, tục ngữ có câu, trung thần không phụng sự hai chủ, ngài hãy rời khỏi đây đi!”.
Trong tình huống bất đắc dĩ, công tử Liên đành rời cửa ải giáp với nước Trịnh, tiến vào phía bắc Hoạch, sau đó chuyển đường đi qua cửa ải giáp với nước Yên. Thái thú giữ cửa ải tên là Khôn Cải cho anh ta đi. Mẹ của Tiểu Chủ và Yêm Biến sau khi nghe được tin này đã vô cùng sợ hãi, lập tức hạ lệnh cho khởi binh đánh công tử Liên.
Tướng sĩ nước Tần khi nhận lệnh đều nói: “Quân địch tiến đến biên cương rồi”. Khi xuất phát cũng nói: “Chúng ta đi đánh quân địch“. Nhưng đi được nửa đường, các tướng sĩ liền phát động hô hoán, nói rằng: “Chúng ta không đi đánh giặc mà đi đón quốc quân”.
Thế là công tử Liên dẫn đầu đoàn quân tiến về kinh đô, mẹ của Tiểu Chủ tự sát. Công tử Liên lên ngôi sau này chính là Tần Hiến Công.
Sau khi Tần Hiến Công đăng cơ, trọng thưởng cho những người có công lao. Ông ta rất cảm kích Khuẩn Cải, muốn thưởng cho anh ta rất nhiều; đồng thời cũng rất hận Tả Chủ Nhiên, muốn trừng phạt anh ta thật nặng.
Sau khi đại thần biết được cách nghĩ của Tần Hiến Công, bèn khuyên ông ta rằng: “Quốc vương không nên làm như vậy. Các công tử nước Tần lưu vong ở bên ngoài rất nhiều. Nếu như ngài làm như vậy, các đại thần sẽ tranh nhau đón các công tử đó về nước, như vậy rất không có lợi với ngài.”
Tần Hiến Công suy nghĩ rất lâu, cảm thấy ý kiến của Giám Đột rất có lý. Thế là ông ta hạ lệnh miễn tội chết cho Tả Chủ Nhiên, ban thưởng cho Khôn Cải làm quan Đại phu, thưởng cho mỗi binh sĩ ở hai cửa mỗi người hai mươi cân gạo.
Phân tích:
Thường thì khen thưởng cho một người không phải vì ta yêu mến họ, chúng ta không thưởng một người không phải là chúng ta ghét họ. Thưởng phạt nên nhìn từ hành vi của họ dẫn đến hiệu quả gì thì mới quyết định nó, không thể từ sự yêu ghét giữa người này với người kia mà quyết định chuyện thưởng phạt.
Tả Chủ Nhiên là người trung nghĩa, “tôi trung không thờ hai chủ”. Ông ta tuy đã ngăn Tần Hiến Công cướp ngôi, nhưng khi lên ngôi rồi thì những người như ông ta lại chính là những người đáng trọng dụng nhất để bảo vệ ngôi vị cho Tần Hiến Công. Tần Hiến Công có thể nói là đã rất sáng suốt, biết nghe lời trung thần trong việc dùng thưởng phạt mà tha chết cho Tả Chủ Nhiên. Làm được điều này không chỉ khiến ông ta được ca ngợi là vị vua nhân từ, mà còn khiến thêm bạn, bớt thù, giảm đi bớt nguy cơ bị tranh đoạt ngôi vị.