Theo kết quả xác định niên đại mới được các nhà nghiên cứu tại Đại học Mendel, Brno, Cộng hòa Séc công bố một chiếc giếng từ thời đại đồ đá được phát hiện tại thị trấn Ostrov miền Tây nước này là kết cấu bằng gỗ cổ nhất thế giới.
Chiếc giếng này cũng là bằng chứng cho thấy con người ở thời đại đó đã áp dụng được những kỹ thuật xây dựng tinh xảo hơn so với giả định trước đây.
(Đo đạc giếng cổ)
Năm 2018, một nhóm các nhà khảo cổ người Séc đã phát hiện ra chiếc giếng này trong khi khai quật gần khu vực công trường xây dựng đường cao tốc mới gần thị trấn Ostrov. Ngay tại thời điểm đó, các chuyên gia đã cho rằng đây có thể là kiến trúc bằng gỗ cổ nhất từng được phát hiện tại châu Âu.
Đến nay, nhờ hai phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị phóng xạ các-bon và xác định tuổi bằng vòng cây với độ chính xác cao gấp nhiều lần, các nhà khảo cổ học đã có thể đưa ra kết luận xác nhận chiếc giếng được làm bằng gỗ sồi và có niên đại vào khoảng năm 5256 đến 5255 trước Công nguyên.
Chiếc giếng có dạng khối vuông 80x80cm, cao 140 cm, có bốn cọc gỗ tạo thành bốn góc, bên trong có rãnh đặt nhiều tấm ván. Giới chuyên gia nhận định, chiếc giếng được xây với độ chính xác tối đa mặc dù tại thời điểm đó chỉ có những công cụ thô sơ là đá, xương, sừng và gỗ.
(Đây là kết cấu bằng gỗ cổ nhất thế giới)
Điều này thể hiện tay nghề mộc tinh xảo của người thời đại này, đồng thời chứng minh kỹ thuật xây dựng này đã xuất hiện từ thời đại đồ đá mới – sớm hơn so với giả định trước đây của các nhà khoa học là thời đại đồ đồng.
Giếng cổ được tìm thấy vẫn có tình trạng tốt sau nhiều thế kỷ chìm dưới nước nhờ điều kiện môi trường hoàn hảo là độ ẩm và thiếu oxy, khiến gỗ sồi gần như bị hóa thạch và trở nên rất cứng. Hiện quá trình bảo quản đang được tiến hành kỹ lưỡng tại Đại học Pardubice, Praha và sẽ hoàn thành sau vài tháng tới.